Quản lý có hiệu quả chất thải chăn nuôi gia cầm
Trang trại nuôi cút của ông Nguyễn Hoài Vũ ở Ấp 3, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre hiện là một trong những trang trại nuôi cút có số lượng khá lớn với 5 ngàn cút bố mẹ, hàng tháng sản xuất ra khoảng 15 ngàn con giống phục vụ thị trường. Môi trường chăn nuôi ở trại luôn được ông quản lý sạch. Ngoài việc lắp đặt bể khí sinh học biogas, ông còn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý triệt để mùi hôi, tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón cho vườn dừa và bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Hoài Vũ thu hoạch trứng cút.
Áp dụng khoa học kỹ thuật
Ông Nguyễn Hoài Vũ bắt đầu nuôi cút từ năm 1987. Trên 30 năm gắn bó với nghề giúp ông hiểu rõ tập tính của loài gia cầm này. Trang trại của ông có diện tích 9 công đất, ngoài phần chuồng trại chăn nuôi, còn lại ông trồng dừa và bưởi da xanh, mỗi loại trên 100 gốc. “Nuôi cút cũng giống như nuôi gà nhưng vòng đời con cút ngắn, từ khi đưa vào lồng ấp đến nở là 16 ngày, từ nở nuôi đến trưởng thành từ 37 - 40 ngày, khai thác đến 10 - 12 tháng là hết vòng đời. Trung bình 1 con cút trong vòng đời đẻ từ 180 - 200 trứng”, ông Vũ cho biết.
Trong chăn nuôi, ông lưu tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao. Trại của ông Vũ đã lắp đặt hệ thống cho vật nuôi uống nước tự động, có thiết bị ấp trứng và các thiết bị chuyên dùng khác.
Về xử lý chất thải trong chăn nuôi, ông Vũ áp dụng rất kỹ các cách xử lý theo khoa học. Các dãy chuồng nuôi cút giống được ông thiết kế đệm lót sinh học bên dưới để xử lý phân cút. Đồng thời, do tại trang trại ông có sơ chế cút thịt để cung cấp cho các quán ăn nên phần lông cút thải ra rất nhiều. “Tôi đổ lông cút lên phần đệm lót sinh học có chế phẩm Balasa để kết hợp xử lý nên môi trường trang trại sạch sẽ, không có mùi, không ảnh hưởng đến môi trường ở địa phương”, ông Vũ giới thiệu. Ngoài cút ra, ông còn nuôi một số lượng ít gà, vịt, heo rừng và dê trên đệm lót sinh học.
Còn một số dãy nuôi cút thịt các lứa thì ông Vũ không lót đệm sinh học mà chất thải dọn chuồng được hốt sạch để cho vào bể khí sinh học biogas tạo nhiên liệu đốt.
Tái sử dụng chất thải
Đối với phân chuồng dọn từ phần đệm lót sinh học được ông Vũ tiếp tục thu gom và cho vào bể riêng, trộn thêm nấm Tricoderma để ủ hoai trước khi bón cho vườn bưởi và dừa. Nhận xét về cách làm này, ông Nguyễn Chánh Bình - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Chất thải sau khi được xử lý trên đệm lót sinh học tiếp tục được ủ hoai với nấm Tricoderma giúp phân hoai hoàn toàn, khi bón cho dừa và bưởi sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời góp phần cải tạo đất hiệu quả”.
Kể cả phụ phẩm khí sinh học cũng được ông sử dụng tối đa: nước xả dùng để tưới cây trồng, bã cặn, váng được bơm hút để bón bổ sung cho vườn cây. Ông Vũ chia sẻ: “Tôi tiết kiệm đến 50% chi phí mua phân bón mà phân hữu cơ cùng phụ phẩm khí sinh học lại có nhiều dinh dưỡng vô cùng tốt cho cây dừa và bưởi”.
Ông Vũ gắn hệ thống khí sinh học với đầu khè lửa để vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Ông nói: “Sau mỗi đợt cút, tôi dùng lửa để vệ sinh chuồng trại rồi mới xịt thuốc sát trùng. Do chuồng nuôi làm bằng kim loại nên tôi dùng lửa khử trùng rất hiệu quả. Các trại chăn nuôi dễ có ruồi nhặng, lửa sẽ giúp diệt các ấu trùng, trứng ruồi nhặng, vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe vật nuôi cũng như môi trường sống”.
Ông Nguyễn Chánh Bình cho biết: “Ông Nguyễn Hoài Vũ là một nông dân tiêu biểu có nhiều năm kinh nghiệm và chịu khó tìm tòi, sẵn sàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tự động hóa, tiết kiệm sức lao động đạt hiệu quả tốt trong chăn nuôi”. Ông Vũ đang cùng con trai ấp ủ kế hoạch lắp đặt hệ thống cho cút ăn tự động. Ngoài ra, ông đang thi công 2 bể ủ phân thể tích 4m3/bể dựa trên kỹ thuật của hệ thống thông khí cưỡng bức ASP để xử lý chất thải chăn nuôi đạt hiệu quả tối ưu hơn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao