Tin thủy sản Quản lý sức khỏe – Chìa khóa để phát triển nuôi biển bền vững

Quản lý sức khỏe – Chìa khóa để phát triển nuôi biển bền vững

Author Lê Xuân Chinh, publish date Friday. April 1st, 2022

Quản lý sức khỏe – Chìa khóa để phát triển nuôi biển bền vững

Theo TS Ruth Francis-Floyd – Đại học Florida, “Quản lý sức khỏe cá” là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các hoạt động quản lý được thiết lập nhằm phòng và ngăn ngừa bệnh cho cá nuôi. Bởi một khi cá bị bệnh, rất khó để có thể chữa khỏi. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh được xem là yếu tố chính trong công tác quản lý sức khỏe cho cá nuôi.

Bệnh dịch trên cá hay các loài thủy sản khác thường xảy ra khi xuất hiện cả ba yếu tố: Môi trường, mầm bệnh và vật chủ. Thông thường, các mầm bệnh (thường là các vi sinh vật) tác động thông qua việc tiếp xúc trực tiếp vào vật chủ (cá nuôi). Các yếu tố môi trường góp phần làm bùng phát dịch bệnh. Vậy nên quản lý sức khỏe cá đòi hỏi phải kiểm soát được 3 yếu tố trên.

Các loại bệnh thường gặp ở cá biển nuôi lồng

Theo nhiều chuyên gia của FAO, có hai dạng bệnh chính ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh trưởng của cá nuôi là bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm.

Bệnh truyền nhiễm được gây ra do các sinh vật gây bệnh có trong môi trường nước hoặc do các loài thủy sinh khác. Các dạng bệnh truyền nhiễm bao gồm:

Bệnh ký sinh trùng: thường do các sinh vật có kích thước cực nhỏ (thường là động vật nguyên sinh có phương thức sống ký sinh) sống trong môi trường nước. Có nhiều loại ký sinh trùng xâm nhập vào mang và da cá gây kích ứng, giảm sinh trưởng, thậm chí có thể gây bội nhiễm các mầm bệnh khác, dẫn đến tử vong. Trong môi trường nước biển, việc xử lý bằng hóa chất khó có thể thực hiện hiệu quả.

Bệnh do vi khuẩn: cá bị nhiễm bệnh do vi khuẩn sẽ có những dấu hiệu bệnh lý đặc trưng như các đốm xuất huyết hoặc loét dọc theo thành cơ thể và quanh mắt và miệng; cũng có thể gây trướng bụng, chứa dịch lỏng và mắt lồi. Các bệnh do vi khuẩn cũng có thể dẫn đến tổn thương da và loét. Trước kia, cá được điều trị bằng thức ăn có chứa thuốc kháng sinh được phép sử dụng. Tuy nhiên, việc này đang dần bị bãi bỏ do nhiều quốc gia lo ngại việc sử dụng kháng sinh sẽ dẫn đến những mối nguy tiềm ẩn cho người sử dụng thực phẩm, đồng thời sẽ làm giảm sinh trưởng của cá do tiêu diệt cả những chủng vi khuẩn có lợi trong hệ thống tiêu hóa .

Bệnh virus: bệnh do virus gây hậu quả quan trọng nhất trong nuôi biển. Hai nhóm virus chính gây bệnh đã được báo cáo từ các loài cá được nuôi trong các trang trại lồng biển từ các nơi khác nhau trên thế giới là iridovirus (virus DNA) và nodavirus (virus RNA) . Bệnh rất khó chẩn đoán lâm sàng và không có sẵn thuốc đặc trị để chữa trị cho cá. Hiện nay, trên một số đối tượng cá nuôi, vaccine đã được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt trong nuôi cá hồi công nghiệp của các nước Bắc Âu, Chile, Nhật Bản và Canada.

Bệnh nấm: Bào tử nấm phổ biến trong môi trường nước, nhưng thường không gây bệnh cho cá khi chúng khỏe mạnh. Khi cá bị nhiễm ký sinh trùng từ bên ngoài, nhiễm vi khuẩn hoặc bị thương do xây xát, nấm có thể xâm chiếm mô bị tổn thương ở bên ngoài. Những phần này mọc lên những chùm nấm có dạng bông, sợi hoặc có thể xuất hiện dưới dạng các khu vực bị mờ màu nâu khi cá được đưa ra khỏi nước.

Các bệnh không truyền nhiễm được gây ra bởi các nhân tố liên quan đến môi trường nước, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc dị thường do di truyền; các dạng bệnh này không lây lan và thường không thể chữa khỏi bằng thuốc hay hóa chất. Các loại bệnh này có thể được phân loại thành môi trường, dinh dưỡng hoặc di truyền.

Bệnh môi trường là quan trọng nhất trong nuôi thương mại. Các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường bao gồm oxy hòa tan thấp, amoniac cao, nitrite cao, độc tố tự nhiên hoặc nhân tạo trong môi trường nước. Các kỹ thuật quản lý chất lượng nước thích hợp sẽ cho phép các nhà sản xuất ngăn ngừa hầu hết các bệnh về môi trường.

Bệnh dinh dưỡng rất khó chẩn đoán. Một ví dụ kinh điển về bệnh dinh dưỡng của một số loài cá da trơn là "bệnh vẹo cột sống" do thiếu vitamin C. Việc thiếu vitamin C trong chế độ ăn uống góp phần phát triển xương không chuẩn, gây biến dạng cột sống. Một bệnh dinh dưỡng quan trọng khác của cá da trơn là "bệnh không máu" có thể liên quan đến sự thiếu hụt axit folic. Cá bị ảnh hưởng trở nên thiếu máu và có thể chết.

Bất thường di truyền bao gồm các dị thường về hình dạng như thiếu đuôi hoặc không có đuôi. Hầu hết trong số này có ý nghĩa tối thiểu; tuy nhiên, điều quan trọng là phải đa dạng và kiểm soát đàn cá bố mẹ sau vài năm để giảm thiểu cận huyết.

Công tác quản lý sức khỏe cá

Kiểm soát và phòng ngừa các loại bệnh, đảm bảo sinh trưởng và phát triển cho cá nuôi là việc chính trong công tác quản lý sức khỏe cá. Mặc dù, nuôi lồng có nhiều lợi thế kinh tế, nhưng bệnh tật là một trong những yếu tố rủi ro lớn đối với việc sản xuất thành công. Việc thiếu các biện pháp quản lý sức khỏe đầy đủ cho vật nuôi dẫn đến xảy ra các bệnh. Quy trình kỹ thuật nuôi lồng cơ bản giống nhau nên các vấn đề về bệnh gặp phải sẽ phụ thuộc phần lớn vào loài được nuôi, điều kiện môi trường thực địa và thực hành quản lý.

Quản lý chất lượng môi trường vùng nuôi – T tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của các bệnh truyền nhiễm thường phụ thuộc vào chất lượng môi trường nước mà cá sống, từ đó quyết định sự thành công hay thất bại của việc nuôi trồng. Do vậy, kiểm soát được chỉ tiêu môi trường nước là việc rất quan trọng đối với nuôi cá. Trong nuôi biển công nghiệp, cần xem xét 3 yếu tố chính của môi trường nước biển bao gồm: yếu tố vật lý, yếu tố hóa học và yếu tố sinh học. Lựa chọn địa điểm để thiết lập vị trí các trại nuôi biển cần phải khảo sát, đánh giá sức tải của môi trường biển tại khu vực nuôi, những thông tin về tốc độ dòng chảy, chiều cao sóng và nhiệt độ nước biển. Những yếu tố vật lý này có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sinh trưởng và sức khỏe cá nuôi.

Hiện nay, với các công nghệ cảm biến được phát triển từng ngày, việc lặp đặt một số thiết bị quan trắc môi trường tự động và xử lý thông minh ngay tại trại nuôi biển không còn là việc bất khả thi. Thông qua kết quả được xử lý từ những số liệu được thu thập hằng ngày và hoạt động viễn thám vệ tinh, hệ thống hoàn toàn có thể đưa ra những cảnh báo sớm về những mối nguy có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi.

Quản lý nguồn thức ăn – Đối với hầu hết các loài cá biển nuôi lồng tại Việt Nam hiện nay, cá tạp đang được sử dụng rộng rãi làm thức ăn và đây cũng là nguồn lây truyền mầm bệnh tiềm tàng. Ưu điểm của cá tạp là sẵn có và kích thích cá bắt mồi tốt. Tuy nhiên, việc  đảm bảo vệ sinh cho loại thức ăn này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, từ đó hoàn toàn có thể làm cá nuôi bị nhiễm mầm bệnh.

Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh trong vài thập kỷ trở lại đây. Việc sử dụng cá tạp làm thức ăn trong nuôi biển là một cách làm không bền vững, gây nhiều tác hại đến môi trường và sẽ dẫn đến sự khan hiếm nguồn cá tự nhiên do khai thác quá mức. Vì vậy, ngành nuôi cá biển sẽ chuyển dịch theo hướng sử dụng thức ăn viên thay cho cá tạp. Các nhà sản xuất đã đưa ra những sản phẩm thức ăn công nghiệp (TACN) dành riêng cho một số đối tượng cá biển. Hơn nữa, sản phẩm cá biển nếu muốn xuất khẩu cần làm rõ được nguồn gốc của thức ăn. Sử dụng TACN ngoài việc tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi còn góp phần phát triển bền vững nuôi biển.

Kiểm soát chất lượng con giống và các hoạt động của cá nuôi – Bên cạnh thức ăn và môi trường nước, con giống là yếu tố chủ chốt trong mọi hình thức chăn nuôi, quyết định kết quả nuôi. Với việc nuôi biển tăng nhanh về quy mô và sản lượng, nhu cầu về giống là rất lớn. Tuy nhiên, các cơ sở nội địa lại không thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời do nhiều yếu tố liên quan đến năng lực sản xuất, hạn chế trang thiết bị và đặc biệt là việc cạnh tranh về giá với giống được nhập tiểu ngạch về từ các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Có nguồn tin cho rằng trên 70% giống cá biển ở nước ta hiện nay là nhập từ nước láng giềng phía bắc. Điều này mang lại rủi ro lớn về chất lượng con giống. Vì vậy, cần phải tiến hành đổi mới toàn diện và nâng cấp các cơ sở sản xuất giống nội địa, cùng với những chương trình, đề tài nghiên cứu cải thiện chất lượng thông qua kiểm soát đàn cá bố mẹ vf công nghệ sinh sản nhân tạo.

Nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm phòng bệnh trên cá - Vaccine hay các sản phẩm kích thích miễn dịch hiện là xu hướng được ưu tiên sử dụng trên toàn cầu, giúp giảm nguy cơ về dịch bệnh tương đối rõ rệt, tạo điều kiện cho chức năng của các tế bào thực bào và tăng các hoạt động diệt khuẩn của chúng. Một số chất kích thích miễn dịch cũng kích thích các tế bào tiêu diệt mầm bệnh theo cách tự nhiên, bổ sung, lysozyme và phản ứng kháng thể của cá. Việc kích hoạt các chức năng miễn dịch này có liên quan đến việc tăng cường bảo vệ chống lại bệnh truyền nhiễm.

Tóm lại, để nghề nuôi biển công nghiệp được bền vững, cần phải thay đổitư duy về phương thức quản lý sức khỏe cá nuôi. Môi trường và điều kiện nuôi biển xa bờ sẽ là những trở ngại thực sự khi rủi ro về dịch bệnh xảy ra. Do vậy, việc mở rộng quy mô nhất thiết cũng phải tiến hành bao gồm cả công tác quản lý sức khỏe cá, tránh tình trạng “phát triển nóng mất kiểm soát” dẫn tới những hậu quả nặng nề.


Kỹ thuật cải tạo ao, đầm Kỹ thuật cải tạo ao, đầm Tăng trưởng cho tôm thẻ nhờ bổ sung đường Trehalose Tăng trưởng cho tôm thẻ nhờ bổ sung…