Mô hình kinh tế Quản Lý Tổng Hợp Đới Bờ Nhiều Việc Phải Làm

Quản Lý Tổng Hợp Đới Bờ Nhiều Việc Phải Làm

Publish date Wednesday. August 6th, 2014

Quản Lý Tổng Hợp Đới Bờ Nhiều Việc Phải Làm

Hôm qua 5.8, Tổng cục Biển & hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường) phối hợp với Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam tổ chức hội nghị “Truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB) cho dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”. Hội nghị đã nêu một số bài học kinh nghiệm và đặt ra nhiều giải pháp hoàn thiện cơ chế, qua đó nâng cao công tác quản lý THĐB trong thời gian đến.

Bài học kinh nghiệm

Thời gian qua, Quảng Nam nói riêng, các tỉnh, thành ven biển miền Trung nói chung luôn phải đối mặt với các mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên biển. Hậu quả là ô nhiễm môi trường biển, xói lở bờ, suy giảm tài nguyên biển… đã cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để hạn chế các tác hại vừa nêu, công tác quản lý THĐB đã được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Quảng Nam đã thực hiện 3 dự án là “Phục hồi và quản lý hệ sinh thái cỏ biển” ở xã Tam Giang (Núi Thành), “Phục hồi và quản lý hệ sinh thái rạn san hô” ở khu vực cửa biển An Hòa (Núi Thành) và “Đồng quản lý chất thải từ hoạt động du lịch và phát triển du lịch cộng đồng” tại xã Điện Dương (Điện Bàn). Sau khi triển khai, đã bước đầu hệ thống hóa các tư liệu để phục vụ lâu dài cho công tác quản lý THĐB, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp và tạo điều kiện thuận lợi để các cộng đồng dân cư ven biển chung tay tham gia quản lý THĐB.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các mô hình nhỏ, sức lan tỏa chưa rộng nên hơn 125km chiều dài bờ biển Quảng Nam vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực. Theo Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam, khó khăn mà tỉnh gặp phải là sự nhận thức chưa toàn diện về các giá trị kinh tế - xã hội của vùng ven biển. Cùng với đó là thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về quy hoạch và quản lý sử dụng bền vững vùng ven biển.

Theo Tổng cục Biển & hải đảo, đến thời điểm này, quản lý THĐB đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 15 năm. Quảng Nam là một trong 4 tỉnh, thành có kế hoạch hành động sớm nhất cả nước. “Thực tế triển khai các kế hoạch tại Quảng Nam đã khẳng định nhiều đóng góp như phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và tích lũy kinh nghiệm quản lý THĐB. Đó là một phần cơ sở tạo thuận lợi cho chúng tôi trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý THĐB ở cấp vĩ mô” - ông Hoàng Duy Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển & hải đảo (Tổng cục Biển & hải đảo) nói.

Còn PGS-TSKH. Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học & kỹ thuật biển Việt Nam thì cho rằng, quá trình triển khai quản lý THĐB tại Quảng Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là nhận thức về tầm quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; khả năng quy hoạch và quản lý sử dụng bền vững vùng ven biển; duy trì chức năng nguyên thủy của các hệ sinh thái vùng ven biển...

PGS-TSKH. Nguyễn Tác An nói: “Những giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý THĐB là nâng cao tầm nhìn quy hoạch đới bờ, vận động cộng đồng ven biển cùng tham gia, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành liên quan và tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế”.

Hoàn thiện cơ chế

Theo các nhà khoa học, thực hiện tốt quản lý THĐB sẽ đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là đảm bảo hiệu quả trong quy hoạch. Bởi từ các đánh giá về môi trường, tài nguyên sẽ giúp địa phương phân vùng sử dụng, điều chỉnh các dự án phát triển ven biển. Tiếp đến là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, vận tải biển…

Ngoài ra, quản lý THĐB cũng sẽ giảm tính dễ bị tổn thương của vùng bờ biển dưới tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với đó, sẽ đảm bảo sở hữu, sử dụng vùng đất ngập nước, vùng nước công cộng.

Những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phân vùng quản lý THĐB. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng các văn bản này mang nặng tính “thời vụ” vì không toàn diện và thiếu khoa học.

PGS-TSKH. Nguyễn Tác An cho rằng các cơ chế chính sách đối với phát triển đới bờ và biển đảo chưa phát huy được tác dụng do không nêu bật được các đặc thù mà chỉ chung chung nặng về hành chính. “Quản lý về đới bờ, biển đảo cần phải được “mở cửa” để liên kết, hội nhập với cộng đồng quốc tế.

Muốn vậy, các cơ chế quản lý đới bờ, biển đảo phải thông thoáng, lột tả được tính chất riêng biệt. Điều này sẽ làm cho biển đảo, đới bờ phát triển năng động hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững” - PGS.TSKH. Nguyễn Tác An nói.

Theo Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam, việc triển khai quản lý THĐB trên địa bàn tỉnh đang gặp phải một số vướng mắc. Nguyên nhân là các văn bản hướng dẫn thực hiện từ trung ương chưa đầy đủ.

Cùng với đó là thông tin và dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển chưa được tổng hợp đầy đủ. Bởi vậy, để đảm bảo việc thực hiện quản lý THĐB được đồng bộ từ trung ương đến địa phương, Tổng cục Biển & hải đảo cần tăng cường các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Cùng với đó là hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về tài nguyên, môi trường vùng bờ biển. Hội nghị đã nêu ra một thách thức đang tồn tại trong triển khai quản lý THĐB là sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp hành động của các ngành, các cấp lẫn cộng đồng dân cư.

Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế chưa rõ ràng nên thiếu thuyết phục, thiếu lôi cuốn người tham gia. PGS-TSKH. Nguyễn Tác An góp ý: “Nên chăng thời gian đến, Quảng Nam nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung xác định rõ ràng các cơ cấu trong quản lý THĐB.

Đó là mục tiêu quản lý, chủ thể và phương thức quản lý, đối tượng quản lý, quy mô và cơ chế quản lý, khung hành động và các vấn đề ưu tiên, tiến trình quản lý và tổ chức thực hiện. Khi các vấn đề này được giải quyết thỏa đáng thì sự phối hợp trong quản lý THĐB sẽ được nhuần nhuyễn”.


Ngã Ngửa Với... Giống Tiêu Amazon Ngã Ngửa Với... Giống Tiêu Amazon Để Thủy Sản Thành Chương Trình Kinh Tế Nông Nghiệp Trọng Điểm Để Thủy Sản Thành Chương Trình Kinh Tế…