Tin nông nghiệp Quản lý vaccine hiệu quả

Quản lý vaccine hiệu quả

Author Diệu Châu, publish date Saturday. July 14th, 2018

Quản lý vaccine hiệu quả

Mỗi loại vaccine đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng. Nếu quản lý và sử dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ đảm bảo thời gian miễn dịch kéo dài và an toàn, ngược lại sẽ làm giảm khả năng tạo miễn dịch của vaccine.

Vaccine giúp phòng bệnh hiệu quả cho vật nuôi. Ảnh: MF

Các loại

Hiện trên trị trường có 4 loại vaccine gồm: vaccine nhược độc, vaccine chết, giải độc tố và vaccine tái tổ hợp. Tuy nhiên, thông thường chúng ta sử dụng 2 loại vaccine sau:

Vaccine vô hoạt (vaccine chết): Là chế phẩm sinh học từ vi khuẩn, virus mầm bệnh đã bị giết chết bằng các tác nhân vật lý như tia cực tím, các chất hóa học như axit phenic, formol, crystal violet…

Các vaccine nhược độc có khả năng gây miễn dịch tốt hơn vaccine vô hoạt. Vaccine virus nhược độc thường gây miễn dịch sớm (3 - 4 ngày sau khi tiêm), thời gian miễn dịch tương đối dài.               

Bảo quản

Vaccine phải được bảo quản để ở chỗ tối, râm mát, nhiệt độ bảo quản theo hướng dẫn nhà sản xuất (đa số các loại vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 80C), nên sử dụng riêng tủ bảo quản vaccine. Vaccine nhược độc được điều chế từ virus phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (-150C) trong quá trình tích trữ và vận chuyển, nhưng nếu ở trạng thái đông khô thì cần được bảo quản lạnh ở khoảng 1 - 40C.

Khi vận chuyển cần, cần tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào vaccine. Tốt nhất cần bảo quản vaccine trong hộp xốp có đá lạnh và nên có lớp ngăn cách giữa vaccine và đá. Nếu số lượng vaccine ít thì bảo quản trong túi ni lông tối màu có giấy bọc và có đá giữ lạnh. Trong quá trình bảo quản, vận chuyển cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập

Cần phải ghi chép việc xuất nhập kho từng loại vaccine, số lượng, thời hạn sử dụng. Phải hủy bỏ vaccine quá hạn dùng, đối với vaccine còn thừa nên tiêu hủy ở những nơi quy định, không vứt bỏ bừa bãi, nhất là vaccine sống, để không tạo ra biến chủng phức tạp cho việc phòng bệnh sau này.

Nguyên tắc

Thực hiện tiêm phòng hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa. Chỉ được phép tiêm vaccine cho động vật khỏe mạnh. Không tiêm vaccine cho động vật đang ốm, nghi ốm, vật quá non hoặc quá già, sắp đẻ hoặc mới đẻ.

Ở những nơi chưa có dịch chỉ nên dùng vaccine chết.

Vaccine phòng bệnh nào thì thường chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.

Cần sử dụng vaccine (cho uống, nhỏ mắt hoặc tiêm) đúng theo chỉ định của nhà sản xuất. Nếu thấp hơn liều quy định sẽ làm giảm hiệu lực của vaccine, trường hợp nếu liều cao hơn có thể làm tê liệt miễn dịch hoặc gây ra phản ứng phụ. Đối với vaccine virus nhược độc thường dùng liều giống nhau cho các lứa tuổi ở động vật, còn đối với vaccine vi khuẩn phải dùng theo trọng lượng thân hay theo tuổi mà cho các liều khác nhau.

Một số vaccine cần được tiêm nhắc lại do có trường hợp dùng lần đầu cho nên kháng thể tạo ra chưa nhiều và bị giảm đi rất nhanh hoặc trường hợp sau khi tiêm một thời gian thì kháng thể được tạo thường suy giảm đến mức hết hiệu lực. Cụ thể, đợt tiêm đầu tiên cho vật nuôi nên gồm 2 mũi tiêm cách nhau 3 - 4 tuần (thường gọi là đợt tiêm sơ chủng), sau đó để duy trì đáp ứng miễn dịch và nâng cao sức kháng bệnh cần thực hiện tiêm nhắc sau 4 - 12 tháng (tùy theo vaccine, tùy theo động vật và tình hình dịch tễ).

Trong một số trường hợp, vaccine có thể dùng kết hợp, bằng cách tiêm cùng lúc ở các vị trí khác nhau với những liều theo quy định. Phương pháp này sẽ giúp vật nuôi tạo được miễn dịch với nhiều bệnh trong cùng một thời điểm mà không gây những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số vaccine chết không được dùng chung bơm tiêm với các loại vaccine sống nhược độc.

Cần kiểm tra lọ vaccine trước khi sử dụng gồm: Thông tin trên nhãn; Những hư hỏng trong lọ vaccine; Tình trạng thuốc trong lọ…

Trước khi sử dụng, cần khử trùng các dụng cụ dùng để pha chế vaccine bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng. Tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vaccine cần được sát trùng bằng cồn 700. Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vaccine (nhất là vaccine sống nhược độc). Khi tiêm phòng cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp nếu có trường hợp sốc phản vệ xảy ra.

Lưu ý, dùng vaccine đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí, đủ độ sâu và đúng lịch theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Những đường cấp vaccine

- Tiêm dưới da (SQ): Vaccine Newcatle (thế hệ I), vaccine dịch tả vịt, vaccine tụ huyết trùng keo phèn.

- Tiêm bắp thịt (IM): Thuốc được chích vào trong cơ thường được hấp thu vào trong máu nhanh hơn so với chích dưới da. Để tránh trào thuốc ra ngoài từ vị trí chích, nên kéo da qua một bên trước khi đâm kim, sau đó đâm thẳng kim vào và bơm thuốc. Khi rút kim ra thì da sẽ bật trở lại vị trí cũ để bao phủ vết chích trong cơ và giữ toàn bộ thuốc ở trong cơ thể. Vị trí chích trên gia súc thường là bắp thịt ở đùi, trên gia cầm là cơ ức.

- Phun sương, nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhúng mỏ: Vaccine Laxota phòng bệnh Newcatle cho gà.

Phản ứng sau khi dùng vaccine

Nguyên nhân xảy ra phản ứng trên vật nuôi là do các nguyên nhân như chất phụ trợ trong vaccine, cơ thể đang ủ bệnh… Phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng, nóng, đau… Tuy nhiên, sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm. Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây áp xe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh.

Tiêm vaccine còn có thể gây phản ứng dị ứng, vật nuôi có biểu hiện: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẩn trên mặt da (thường gặp ở heo). Nếu phản ứng nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc kháng Histamin như: Dimadron, Epharin, Phenergan, Adrenalin.

Xử lý vaccine thừa

Sau khi dùng vaccine nhược độc cho vật nuôi, tất cả vaccine thừa cần tập trung lại và tiêu hủy (dùng nhiệt hoặc hóa chất), các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vaccine phải rửa sạch và sát trùng ngay.

Một số bệnh cần chú ý tiêm phòng

Heo: Tiêm phòng vaccine lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, tai xanh, sưng phù đầu, phó thương hàn,

Trâu bò: Tiêm phòng vaccine lở mồm long móng, tụ huyết trùng,

Chó, mèo: Tiêm phòng bệnh dại.

Gà: Tiêm phòng vaccine Newcatle, Gumboro, vaccine cúm, viêm khí quản truyền nhiễm.

Vịt: Tiêm phòng vaccine dịch tả vịt, vaccine cúm.

Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể vật nuôi đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Việc dùng vaccine để phòng bệnh cho vật nuôi gọi chung là tiêm phòng.


Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không… Quy trình trồng và chăm sóc cây hồng giòn cho năng suất cao Quy trình trồng và chăm sóc cây hồng…