Mô hình kinh tế Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều

Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều

Author VIỆT QUANG, publish date Wednesday. September 21st, 2016

Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều

Thu nhập cao

Ông Lê Ngọc Lên (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) cho biết, bão số 4 tan là thời điểm thích hợp nhất để gia đình thu hoạch cua thương phẩm. Bán cua trong thời điểm này sẽ được giá do thiếu nguồn hàng trên thị trường. “Thông thường giá cua đạt 160 nghìn đồng/kg, cao hơn so với nhiều đối tượng nuôi thủy sản khác. Sau bão lụt, nguồn cung ít nên giá bán ra tăng hơn, đạt đến gần 200 nghìn đồng/kg” - ông Lên nói. Đầu tháng 4.2016, ông Lên triển khai mô hình nuôi cua thương phẩm trong ao đất từ sự hỗ trợ giống và kỹ thuật của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm TP.Hội An.

Trong ao nuôi có diện tích 0,3ha, ông Lên thả 6.500 con cua, từ cua bột lên cua giống rồi sau đó nuôi cua thương phẩm. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ hao hụt không nhiều, cua phát triển tốt. Gia đình ông thu được tổng cộng gần một tấn cua. “Nuôi cua thương phẩm không quá khó, cần mẫn theo dõi, chăm sóc tốt, xử lý tình huống đạt là thu được kết quả khả quan. Nếu bán hết, gia đình tôi thu được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí thì lãi 100 triệu đồng” - ông Lên nói.

Ông Lên không phải là người duy nhất nuôi cua thành công ở TP.Hội An. Cũng từ nguồn hỗ trợ cua giống và kỹ thuật của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm TP.Hội An, gia đình ông Võ Mãi, Trần Bông, Trần Sáu (cùng ở khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) thả nuôi cua qua 2 giai đoạn từ cua bột lên cua giống rồi sau đó nuôi cua thương phẩm trong ao nuôi có diện tích 0,3ha. Kết quả cho thấy, sau hơn 5 tháng thả nuôi, cua sống đạt 50%, khi thu hoạch đạt trọng lượng 0,5kg/con. Với giá bán dao động 160 - 200 nghìn đồng/kg, mỗi hộ nuôi thu lãi gần 100 triệu đồng.

Theo các hộ nuôi cua, ngoài cá tạp phải mua thì thức ăn dùng cho cua nuôi có thể tận dụng trong tự  nhiên như rong, dạp, ốc, vừa không tốn kém lại giúp cho cua cứng vỏ hơn bình thường. Trong quá trình nuôi, định kỳ kiểm tra sản lượng cua nuôi hiện có để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh lãng phí. “Việc ổn định môi trường nước trong nuôi cua rất quan trọng. Tôi luôn thay nước vì thức ăn nhiều mà lại tươi sống khiến cho các yếu tố độ mặn, kiềm, pH thay đổi. Khi cua trưởng thành hay hoạt động mạnh nên cần rào chắn cẩn thận, tránh thất thoát” - ông Võ Mãi nói.

Cơ hội nhân rộng

Cua bột ưu điểm hơn cua giống tự nhiên

Chuyển đổi nguồn giống nuôi cua từ cua tự nhiên sang cua bột ương lên thành cua giống giúp người nuôi thủy sản chủ động sản xuất, thả nuôi với số lượng lớn. Phân tích của ngành chức năng cũng như kinh nghiệm của nông hộ cho thấy cua thương phẩm được nuôi từ cua bột thích ứng tốt hơn khi môi trường thay đổi, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt. Mô hình này cũng giúp cho nông hộ tiết kiệm chi phí đầu tư con giống, tăng hiệu quả kinh tế thu được.

Trước đây, hộ ông Lê Hùng (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu) hay hộ ông Ngô Tất (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà) đều triển khai nuôi cua thành công ở vùng triều ven sông. Tuy nhiên, các mô hình không thể nhân rộng và gián đoạn do không chủ động được con giống. Lúc đó, TP.Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vẫn chỉ dùng cua giống từ tự nhiên chứ chưa thể ương được. Nguồn giống khan hiếm đã khiến cho nghề nuôi cua thiếu cơ hội để phát triển. Hiện tại, các hộ nuôi cua trên địa bàn TP.Hội An đã có thể tự ương nuôi cua bột thành cua giống.

Ông Lê Ngọc Lên cho rằng, ương nuôi cua giống không khó nếu nắm vững quy trình kỹ thuật. Khi ương nuôi cua giống, phải chuẩn bị kỹ càng các điều kiện. Nước cấp vào ao nuôi phải đảm bảo được lắng lọc, đạt gần 1m chiều sâu ao nuôi. Nguồn nước cần có độ mặn 10 - 12 phần nghìn. Ao ương cua giống phải được phơi khô trong ít nhất là 1 tuần, diệt tạp chất kỹ lưỡng. “Điều cần lưu ý là con cua rất thích sống trong môi trường có nhiều thủy sinh thực vật. Vì thế cần thả chà vào ao nuôi bằng cành cây khô hoặc lá dừa. Người nuôi cua giống cũng cần tạo hang hốc để cua con trú khi lột xác, tránh ăn thịt lẫn nhau” - ông Lên cho biết.

TP.Hội An có 192ha ao nuôi thủy sản ở vùng triều ven sông. Đối tượng nuôi thủy sản chính là con tôm thẻ chân trắng đã không đem lại giá trị kinh tế ổn định cho các hộ nuôi trong thời gian qua do hạ tầng vùng nuôi sơ sài, hạn chế. Đó cũng là thực trạng chung cho các vùng nuôi tôm nước lợ ven sông trên địa bàn tỉnh với tổng cộng khoảng 2.200ha. Trước thực trạng hoang hóa các vùng nuôi thủy sản, ngành chức năng đã thử nghiệm các đối tượng mới thay thế tôm nuôi như cá dìa, cá chẻm. Đáng tiếc là các thử nghiệm chưa đem lại hiệu quả do không đảm bảo sản lượng và không ổn định đầu ra. Nhiều ý kiến cho rằng nuôi cua ở vùng triều ven sông là cứu cánh trong điều kiện người nông dân chưa được trợ lực để cải tạo hạ tầng vùng nuôi thủy sản.

“Mô hình nuôi cua thương phẩm trên địa bàn TP.Hội An đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định hơn hẳn so với các mô hình nuôi thủy sản khác. Hệ thống nhà hàng, siêu thị ngày càng mở rộng, người nuôi cũng ưa chuộng loại thủy sản này nên thị trường tiêu thụ rất phong phú” - ông Phan Ngọc Long, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm TP.Hội An nói. Vùng triều ven sông còn thuận lợi ở chỗ có thể nuôi chuyên biệt đối tượng này hoặc nuôi kết hợp với cá, tôm, nhuyễn thể. Quy mô nuôi cua cũng có thể áp dụng ở hình thức quảng canh, bán thâm canh và thâm canh.


Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành… Làm giàu nhờ mạnh dạn trồng cây ăn quả trên đất cằn Làm giàu nhờ mạnh dạn trồng cây ăn…