Tin thủy sản Quảng Ninh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững: Những khởi sắc

Quảng Ninh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững: Những khởi sắc

Author Việt Hoa, publish date Monday. April 4th, 2016

Quảng Ninh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững: Những khởi sắc

Tổng sản lượng, giá trị thuỷ sản tăng, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực thuỷ sản; khai thác theo hướng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; thay đổi phương pháp nuôi từ quảng canh sang thâm canh... là những kết quả ấn tượng mà ngành thuỷ sản Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua.

Khu nuôi nhuyễn thể của Công ty TNHH Đỗ Tờ tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Từ những định hướng chiến lược

Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 6-5-2014 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển thuỷ sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và bền vững để thuỷ sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nghề nông nghiệp của tỉnh.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế thuỷ sản chiếm 3% GDP của tỉnh, đóng góp 60 - 65% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp; giá trị sản xuất thuỷ sản đạt trên 6.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt từ 13 - 14%/năm; tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 130.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt trên 60.000 tấn; giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 100 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động.

Hình thành 3 trung tâm nghề cá và 1 trung tâm thương mại nghề cá gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, hậu cần nghề cá đồng bộ. Đến năm 2030, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng bình quân 8 - 9%/năm; tổng sản lượng thuỷ sản tăng bình quân 7 - 8%/năm; giá trị xuất khẩu thuỷ sản tăng 10 - 15%. Nghị quyết cũng xác định những nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm cho từng lĩnh vực.

Tăng tỷ trọng sản lượng gắn với chế biến; hình thành các vùng nuôi tập trung gắn với công nghệ cao; cơ cấu lại lực lượng tàu khai thác thuỷ sản theo hướng tăng số tàu khai thác xa bờ kết hợp đội tàu dịch vụ; gắn kết nhà máy chế biến với các vùng nuôi, khai thác thuỷ sản... Tập trung xây dựng, bổ sung các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thuỷ sản; tái cơ cấu đầu tư và đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế thuỷ sản; đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế thuỷ sản...

Triển khai Nghị quyết 13, tỉnh đã tập trung hỗ trợ hình thành các vùng nuôi, bãi triều tập trung tại các địa phương Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên; khuyến khích hoạt động khai thác đánh bắt với công nghệ chọn lọc cao thân thiện với môi trường; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (lĩnh vực thuỷ sản); dành nguồn lực xây dựng hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản; kế hoạch phòng chống dịch bệnh thuỷ sản; chính sách hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân… Tỉnh cũng có những chính sách cụ thể để giúp ngư dân triển khai tốt các nội dung của Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ về phát triển kinh tế thuỷ sản.


Mô hình nuôi cá chim vàng bằng lồng tại xã Đại Bình, huyện Đầm Hà. Ảnh: Thanh Trang (Chi cục Thuỷ sản)

Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Quyết định số 1066/2015/QĐ-UBND); chính sách khuyến khích phát triển hàng hoá tập trung (Quyết định số 2901/QĐ-UBND). Qua đó đã thu hút được nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực thuỷ sản, như Công ty TNHH Phát triển và Sản xuất Hạ Long, Công ty CP Việt Úc, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC…

Tỉnh cũng dành nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng thuỷ sản dùng chung, các chương trình dự án thuỷ sản. Riêng năm 2015, tỉnh bố trí 32 tỷ đồng vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tại Vân Đồn; hơn 14 tỷ đồng để triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách phát triển thuỷ sản.

Bên cạnh đó Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa kỳ (USAID) đã phối hợp thực hiện Dự án sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà (tổng kinh phí tài trợ là 623.000 USD, tương ứng khoảng 13 tỷ đồng)…

Tạo đà để phát triển bền vững

Những giải pháp trên của tỉnh đã tạo động lực cho ngành thuỷ sản phát triển. Năm 2015, Quảng Ninh đạt tổng sản lượng thuỷ sản 103.407 tấn, trong đó khai thác 57.120 tấn, nuôi trồng 46.287 tấn; tổng giá trị đạt 3.615 tỷ đồng, trong đó nuôi trồng tăng 10%, khai thác tăng 2%; sản lượng khai thác tập trung ở vùng tuyến khơi, theo đúng định hướng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và nâng cao giá trị vùng biển của tỉnh.

Cùng với đó tỉnh đã quy hoạch được 6 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Đó là vùng nuôi tôm 2.747ha tại Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi nhuyễn thể 2.625ha tại Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà; vùng nuôi cá song 620ha tại Vân Đồn; vùng nuôi ghẹ 36ha tại Móng Cái; vùng nuôi cua kết hợp cá tôm 906ha tại Quảng Yên; vùng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt 2.983ha tại Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí. Hoạt động nuôi trồng đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm, theo hướng đồng bộ. Bên cạnh đó hình thức nuôi đã chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh.

Điểm nhấn nổi bật là sự chuyển dịch cơ cấu khai thác hải sản theo hướng giảm phương thức đánh bắt tận thu, huỷ diệt nguồn lợi; tăng các loại nghề có tính chọn lọc cao thân thiện với môi trường như lưới rê, chài chụp, câu, tàu dịch vụ...

Đội tàu khai thác thuỷ sản hiện có là 8.015 chiếc, trong đó tàu xa bờ (công suất từ 90CV trở lên) 383 chiếc, tăng 104 chiếc so với năm 2014. Điều này thực sự quan trọng trong tiến trình vươn khơi, bám biển, phát huy lợi thế từ biển một cách bền vững và mang lại giá trị cao cho tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kết quả trên sẽ là tiền đề, cơ sở để ngành thuỷ sản vững tin đạt thắng lợi kế hoạch năm 2016. Trong đó giá trị sản xuất đạt 4.475 tỷ đồng; tổng sản lượng thuỷ sản đạt 103.000 tấn; diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 20.729ha…


Cần đơn giản thủ tục vốn vay NĐ 67 Cần đơn giản thủ tục vốn vay NĐ… Kiếm tiền tỷ từ nuôi cá chép giòn Kiếm tiền tỷ từ nuôi cá chép giòn