Tin nông nghiệp Quy định có trói tàu cá của ngư dân?

Quy định có trói tàu cá của ngư dân?

Author Đình Thung, publish date Tuesday. July 30th, 2019

Quy định có trói tàu cá của ngư dân?

Tỉnh Bình Định có 723 tàu cá có công suất trên 90CV nhưng chiều dài dưới 15m. Bởi chiều dài không đủ 15m nên theo quy định mới, không còn được đánh bắt xa khơi, mà phải hoạt động vùng lộng.

Điều này đã làm dấy lên bức xúc đối với các chủ tàu, còn ngành chức năng thì lúng túng trong giải quyết.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, do các tàu này đang hoạt động các nghề ở vùng khơi như câu, vây, đánh bắt cá ngừ đại dương, nếu chuyển vào hoạt động ở vùng lộng sẽ không phù hợp và không có hiệu quả. Đặc biệt là rất lãng phí, bởi những tàu cá thuộc diện trên đã được đầu tư trang thiết bị và ngư lưới cụ để đánh bắt khơi xa.

“Ngoài ra, các tàu này muốn chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác cũng sẽ gặp khó bởi không có hạn ngạch giấy phép khai thác. Ngoài việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các tàu cá gây bức xúc cho ngư dân, lo ngại nhất là làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn gia đình”, ông Hổ nói.

Ngư dân Huỳnh Chánh Thi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu BĐ 96475TS ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) bộc bạch: “Tàu của tôi có công suất đến 420CV, nhưng chỉ dài 13,9m, từ trước đến nay làm nghề câu cá ngừ đại dương ở các ngư trường xa khơi. Nay theo quy định mới, do chiều dài thân tàu không đủ tiêu chuẩn hoạt động ở vùng khơi, buộc phải chuyển vào hoạt động trong vùng lộng.

Nếu chấp hành theo quy định của luật mới thì tôi phải chuyển nghề khác, chứ nghề câu cá ngừ đại dương mà hoạt động ở vùng lộng thì chẳng đánh bắt được bao nhiêu, thường xuyên bị lỗ tổn là cái chắc. Còn nếu nâng cấp, cải hoán tàu cho đủ chiều dài thì không được cấp phép. Quy định này khiến những chủ tàu cùng cảnh ngộ với tôi kẹt cứng. Chúng tôi mong ngành chức năng xem xét lại để mở cho chúng tôi con đường sống”.

Một boăn khoăn khác của các tàu cá từ vùng khơi chuyển vào hoạt động trong vùng lộng là hiện nay tàu hoạt động trong vùng lộng đã “chật cứng”, liệu nguồn lợi thủy sản vùng lộng có đáp ứng được số lượng tàu khai thác ngày càng tăng thêm hay không? Sản lượng khai thác của mỗi chuyến biển có đủ đảm bảo cuộc sống cho các thuyền viên đi bạn hay không? Nếu không đáp ứng đủ, các thuyền viên bỏ tàu, đi bạn cho tàu đánh bắt khơi xa khác thì chủ tàu đành neo tàu chứ hiện nay lao động nghề biển đang khan hiếm, khó lòng kiếm được bạn tàu khác.

Trước những băn khoăn của ngư dân, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ: “Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu vào đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ NN-PTNT có hướng giải quyết cho số tàu cá của ngư dân trong tỉnh có công suất lớn nhưng không đủ chiều dài 15m được tiếp tục hoạt động vùng khơi đến hết hạn giấy phép KTTS đã được cấp trước đó.

Việc cấp hạn ngạch giấy phép KTTS cũng sẽ đảm bảo giữ ổn định số lượng tàu cá hiện hành, phù hợp với định hướng phát triển nghề biển của tỉnh.

Về lâu dài, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, Sở NN-PTNT sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết cho bà con ngư dân”.

“Điều làm chúng tôi đặc biệt lo lắng là từ trước đến nay hoạt động ở vùng khơi tàu của chúng tôi được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước, nay hoạt động trong vùng lộng sẽ mất đứt khoản này sẽ gây khó khăn cho chúng tôi không ít”, ngư dân Lê Thanh Hải, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 93603TS ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), trước đây làm nghề mành chụp kiêm câu cá ngừ đại dương khơi xa, nay phải chuyển hoạt động vùng lộng bởi chiều dài thân tàu chỉ hơn 14m, tâm sự.


Ngành mía đường tụt dốc Ngành mía đường tụt dốc Tập huấn ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa Tập huấn ứng dụng công nghệ cao sản…