Quy Trình Kỹ Thuật Nuôi Dưỡng Hươu Sao

Quy Trình Kỹ Thuật Nuôi Dưỡng Hươu Sao

Publish date Saturday. October 26th, 2013

Quy Trình Kỹ Thuật Nuôi Dưỡng Hươu Sao

1. Phạm vi ứng dụng của quy trình mới Quy trình được ứng dụng để nuôi dưỡng hươu sao với tất cả mọi loại hươu và trong môi trường nuôi nhốt, chăn thả; nuôi thành đàn hoặc nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. 

2. Quy trình chi tiết

2.1. Chuồng trại

Hươu có thể nuôi nhốt, bán chăn thả và thả tự do. Tuy nhiên để cho việc  bảo vệ hươu khoải mưa, nắng, nóng lạnh do thời tiết, thì ta nên vẫn có chuồng để nhốt chúng khi cần thiết. Nói chung, việc xây dựng chuồng trại cho hươu cần bảo đảm tốt các yêu cầu sau đây:
•. Địa điểm làm chuồng


Chuồng hươu nên làm xa nhà ở, gần nguồn nước để tiện việc rửa dọn và cho hươu đằm tắm, song tránh những nơi quá ẩm ướt, lầy lội.•
. Hướng chuồng

Nên quay về phía Nam hay Đông nam để thường xuyên nhận được ánh nắng mặt trời.
•. Diện tích


Chuồng cần phải rộng, thoáng. Nếu chật chội quá, sự phát triển của hươu sẽ bị ảnh hưởng xâu, dễ phát sinh bệnh tật. Diện tích cho :

Hươu cái, hươu đực: 5 - 7 m2/1 con

Hươu đực giống: 8 - 10 m2/1 con (không kể diện tích làm sân chơi)•
Thành chuồng

Thành chuồng được làm bằng gỗ: cột 9 x 9 cm. Dóng ngang 8 x 4 cm. Khoảng cách giữa các dóng ngang là 15 cm. Từ 1 m trở lên, khoảng cánh là 20 - 25 cm. Chiều cao của thành chuồng là 2,2 - 2,5 m. Thành chuồng nên làm bằng loại gỗ tốt, chú ý kiểm tra và chống mối mọt thường xuyên.
•Nền chuồng


Nền chuồng nên làm bằng gạch, xây dốc 1cm  cho 1m dài, có rãnh để thoát nước rửa chuồng và nước tiểu. Nền làm bằng gạch vừa không trơn, vừa có tác dụng giữ nhiệt mùa rét và thoát nhiệt mùa nóng. Nền chuồng nếu bằng xi măng thì phải khía thành những ô nhỏ để hươu khỏi trượt ngã. Chuồng làm trên nền đất cao, nện kỹ, xung quanh đóng gỗ chắc, hươu không ra được.•
Sân chơi

Chiều cao của hàng rào sân là 2,5 - 2,7 m. Trong sân, vườn, cần tránh những vật chướng ngại, nhọn sắc, dễ gây tai nạn cho hươu. Sân thả hươu cũng nên lát gạch để tránh lầy lội vào mùa mưa.
•Đường đi


Đường đi trước chuồng nên rộng 1m30. R•nh thoát nước tiểu rộng 30 cm và xây dốc mỗi mét 1 cm•
Hố phân

ở góc chuồng nên đào một hố sâu làm hố phân khoảng 40 - 50 cm để tích phân, nước tiểu và lá, cỏ thừa. Chuồng nên thay rơm rạ, quét dọn hàng ngày.
•Kho chứa thức ăn


Cần có kho chứa thức ăn riêng. Kho cũng như nơi chế biến thức ăn phải

làm xa khu vực chuồng trại, cần che đậy để hạn chế ruồi, muỗi.•
Khu chăn thả

ở những cơ sở chăn nuôi lớn, số lượng đàn hươu nhiều, thì cần tổ chức chuồng trại, chăn nuôi theo kiểu bán tự nhiên: quây rào một khu vực rộng, có bãi cỏ, cây bụi, suối nước, một khoảng rừng thưa, cũng có thể bao lấy một vài quả núi thấp. Trong khu vực rào, cần làm nhà cho hươu tránh mưa nắng, có chuồng cách ly để phòng chữa bệnh, có chỗ cho hươu ăn, vận động, đằm tắm...

Tuỳ điều kiện từng nơi và quy mô chăn nuôi mà vây rào cho thích hợp. Nói chung, khu rào càng rộng càng tốt. Trong khu vực rào cần ngăn thành từng ô, có cửa thông với nhau. Trong từng ô, trồng sẵn thức ăn cho hươu và áp dụng hình thức luân phiên chăn thả, để chủ động đảm bảo đủ khẩu phần của hươu theo yêu cầu chăn nuôi, mật độ 1 đầu hươu cần có 1 - 1,5 ha.

2.2. Dinh dưỡng và thức ăn

2.2.1. Nhu cầu dinh dưỡng

Thức ăn cho hươu sao phải bảo đảm đầy đủ chất bột, chất béo, chất đạm, khoáng, nước và sinh tố.
•Chất đạm


Chất đạm là thành phần chủ yếu cấu tạo nên cơ thể con vật. Thiếu đạm sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển: con vật chậm lớn, cơ năng sinh dục bị giảm rõ rệt (số lượng tinh dịch, tinh trùng ít đi, khó thụ thai, thai phát triển chậm, trọng lượng hươu sơ sinh thấp ...). Không thể thay thế chất đạm bằng chất khác được.

Người ta còn chia chất đạm ra làm hai loại: đạm dễ tiêu hoá (chất đạm thuần) và chất amôn. Trong các loại lá, cỏ khác nhau lượng đạm cũng khác nhau. Nói chung, tỷ lệ đạm chiếm nhiều nhất trong các cây, thân và hạt họ đậu như lạc và các loại đỗ; trong thân và hạt họ hoà thảo như ngô, cám gạo ... Trong khô dầu, tỷ lệ đạm có tới 30 - 40%. Đây là loại thức ăn cho hươu rất tốt.•
Chất tinh bột

Chất tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể con vật và duy trì thân nhiệt. Nếu thiếu chất bột, con vật gầy yếu, ít hoạt động, vì phải phân giải một phần đạm và mỡ của cơ thể.

Chất bột có hai loại: chất xơ và chất đường. Chất xơ thường khó tiêu hoá, thức ăn càng nhiều chất xơ thì giá trị dinh dưỡng của nó càng thấp. Thực vật lúc còn non chứa ít chất xơ hơn lúc đã già. Ngay trong một cây, chất xơ ở thân cây nhiều hơn ở lá. Hạt và củ là bộ phận chứa ít chất xơ nhất.

Trong thức ăn thực vật, chất bột chiếm tỷ lệ rất lớn, chất bột là hạt và thân cây trong các họ hoà thảo, họ đậu. Trong khoai lang củ có tới 27% bột.

Đối với hươu sao, nhờ tác dụng của vi sinh vật trong dạ cỏ mà chất xơ vẫn được tiêu hoá mạnh. Chất xơ còn có tác dụng làm tăng tính nhu động của ruột, con vật ăn được nhiều thức ăn hơn.
•Chất béo


Cũng là một thành phần chủ yếu, là chất dự trữ tốt nhất cho cơ thể con vật. Tác dụng chủ yếu của nó là cung cấp nhiệt cho cơ thể, mặt khác nó còn là dung môi hoà tan một số loại sinh tố như A, D, E, K... Những sinh tố này có hoà tan trong chất béo thì cơ thể mới hấp thụ được. Cho nên, nếu thiếu dễ làm cho vật mắc bệnh thiếu sinh tố. Trong chất béo còn có một số a xít béo cần thiết cho cơ thể mà không thể thay thế bằng chất khác được.

Trong khẩu phần thức ăn cho hươu cần chú ý một tỷ lệ chất béo thích hợp, vừa có tác dụng làm tăng khẩu vị, vừa thúc đẩy quá trình tiêu hoá.

Trong thức ăn thực vật, tỷ lệ chất béo trong hạt cây họ đậu có ít hơn (2 - 3%), riêng ở lạc có rất nhiều (gần 10%), đậu tương gần 17%.•
Chất khoáng

Việc đảm bảo đầy đủ chất khoáng nhất là muối, có tác dụng rất tích cực đến kết quả thuần dưỡng hươu sao. Hươu thường tìm đến những nơi có nguồn muối, đôi khi chúng uống cả nước tiểu, lếm cả tro (rơm rạ, cỏ... đốt).

Chất khoáng chiếm 4,7% thể trọng con vật, có nhiệm vụ tạo hình và điều hoà các chức phận. Cho nên, chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ của con vật, nhất là giúp cho vật non sinh trưởng và phát triển bình thường. Vai trò của chất khoáng rất quan trọng. Tuy nhiên, cần tránh cho vật ăn quá nhiều muối, vì dễ làm cho vật mắc chứng bệnh phù hay thuỷ thũng.
•Nước


2/3 trọng lượng con vật là nước, nên nước là nhu cầu không thể thiếu được. Nước có tác dụng giúp cho cơ thể con vật hấp thụ, vận chuyển những chất dinh dưỡng, cũng như bài tiết các chất thải. Tuy nhiên, thức ăn càng nhiều nước thì giá trị dinh dưỡng càng thấp, hơn nữa lại khó bảo quản, không để được lâu vì dễ bị mốc. Thực vật còn non có lượng nước  nhiều hơn khi già và ở lá cành, lượng nước nhiều hơn ở thân cây.•
Sinh tố

Là những chất mà cơ thể cần với 1 lượng rất ít nhưng không thể thiếu được. Nếu thiếu một hay nhiều loại sinh tố, sẽ làm con vật mắc bệnh " thiếu sinh tố" dẫn đến tình trạng: sinh trưởng bị đình trệ, chức năng sinh dục giảm sút, viêm thần kinh, khả năng tiêu hoá giảm xuống rõ rệt, sút cân và cuối cùng con vật có thể bị chết.

2.2.2. Các loại thức ăn

Thức ăn của hươu sao gồm nhiều loại lá, cỏ, củ, quả, ... chủ yếu là các lá cỏ non.

Hươu sao còn sử dụng cả những thức ăn đã được chế biến như: Cháo ngô, cám, gạo, thức ăn ủ xanh, ủ chua, phơi khô.

Thống kê đến nay ta thấy, 72 loài thực vật có thể dùng làm thức ăn cho hươu, trong đó có 15 loài là thức ăn tốt nhất, 20 loài là thức ăn tốt, 28 loài trung bình, 9 loài được hươu ít ăn hơn. Tuy nhiên việc đánh giá chất lượng các loại thức ăn theo mức độ thích ăn của hươu ở trên cũng chỉ là tương đối, bởi vì nó còn tuỳ thuộc vào từng địa phương, từng mùa và vào kỹ thuật chăn nuôi.

Dưới đây là bảng thống kê tên và chất lượng các loài cây đã được dùng làm thức ăn cho hươu.
•Rất tốt


Lá Mít, lá Ruối, lá vả, quả Sung, lá sung Vè, cỏ Voi, cây Ngô, dây, củ Khoai lang, rau Muống, lá Hu đay, lá Ngát, sá Sấu và bông Bạc.•
Tốt

Lá Chay, lá và  quả Vả, lá Dâu, Mía, gạo, cám lúa Nếp, gạo, cám lúa Tẻ, lá Xoan, dây Lang rừng, dây Muống rừng, dây Lạc, Sắn dây rừng, lá Ngát trơn, lá Củ sắn, cây Bọt ếch, Dâu gia xoan, lá Sấu, lá Núc nác, lá Thôi ba, Cò ke.
•Trung bình


Cây vú bò, lá Ngải, lá Năng, cỏ lá Tre, cỏ Dầy, cỏ Lơỡi mác, cỏ Chân nhện, cỏ Mần trầu, cỏ Sâu róm, lá Nhội, cỏ Sữa lá lớn, cỏ Sữa lá nhỏ, lá Chòi mòi, lá Khế, cây Chuối rừng, Thài lài trắng, Thài lài tía, lá Muối, lá Lạc tiên, lá Bồ quân, lá Chè xanh, Chè rừng, Tu hú lá nhỏ, Mua lá lớn, lá,  quả Đu đủ, rau Rắn, Bời lời, Bí ngô, Đay rừng, Rau má.•
ít ăn

Rau Má, cỏ Tranh, cỏ Gà, lá Bơởi, Hồng bì, lá Tre, lá Bồ kê, Ké hoa đào, Ké hoa vàng, Mua lá nhỏ, Vừng và Lá táo.

Hươu thường thích ăn lá cỏ non hay lá chánh tẻ. Khi lá đã già thì hươu chuyển sang ăn thức ăn khác.

Chúng ta nên cho ăn nhiều loại thức ăn để hươu có đủ các chất. Chớ nên cho ăn đơn điệu.

2.2.3. Cách chế biến thức ăn

Kinh nghiệm thực tế chăn nuôi hươu sao cho thấy: ngoài những thức ăn như lá, cỏ, củ, quả tươi có thể cho hươu ăn trực tiép, ta còn cần phải ché biến một số loại thức ăn nữa. Việc làm này có tác dụng dự trữ thức ăn, tránh lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vừa có tác dụng làm tăng khẩu vị, hươu ăn ngon miệng, ăn được nhiều, béo khoẻ, cho những cặp nhung to, mập.

Phơi khô

Có thể dùng thân ngô, cỏ voi, dây lang, cây lạc... phơi khô để làm thức ăn dự trữ cho hươu. Nhưng phương pháp này khó thực hiện ở những nơi mưa gió thất thường.

Cây, cỏ tươi cắt về nhà cần rải thành lớp mỏng 15-20 cm. Phơi một ngày nắng để làm giảm hàm lượng nước xuống nhiều nhất còn 50%. Sau đó chất thành đống nhỏ, mối đống khoảng 2-3 tạ. Nếu có điều kiện thì chân đống kê đệm, ván gỗ hay rơm rạ để phòng ẩm . Phía trên có đẫy phên, liếp để che mưa. Sau vài ngày, do quá trình lên men phát nhiệt sẽ làm cho cỏ khô thêm. Gặp hôm trời nóng nên rải mỏng ra phơi một lần nữa.

Nếu làm tốt, thức ăn còn giữ được màu hơi xanh, lá không bị rụng, giá trị dinh dưỡng tổn thất ít hơn phương pháp phơi khô thông thường.

Nẩy mầm hạt ngũ cốc

Thức ăn nẩy mầm là loại thức ăn rất tốt tuy tổng số dinh dưỡng có bị tổn thất một phần trong quá trình nẩy mầm, nhưng hàm lượng Vitamin B và C đều tăng lên và dễ tiêu hoá hơn.

Nên cho hươu đực giống và hươu cái có chửa ăn thức ăn này.

Đem thóc ngâm vào nước ấm 60 - 65oC trong 1-2 ngày cho  no nước. Mỗi ngày thay nước nước 1-2 lần. Sau đó vớt thóc ra thúng để ủ cho nẩy mầm. Đáy thúng và xung quanh lót lá chuối.

Nhiệt độ thích hợp nhất cho nẩy mầm là 30oC. Nếu nóng quá thì phải rải thóc ra cho bớt nóng, thỉnh thoảng vẩy nước vào. ủ như vậy cho đến khi mầm dài 6-8 cm là có thể lấy cho hươu ăn được.

Đối với ủ mầm ngô cũng có thể áp dụng theo quy trình trên.

Mỗi hươu đực giống hoặc hươu cái có chửa cho ăn 0,3-0,5 kg/ngày..

2.3. Phương pháp nuôi dưỡng và chăm sóc hươu sao

2.3.1. Cách cho ăn

ở những khu vực chăn nuôi lớn, số lượng đàn hươu đến hàng trăm con thì dùng biện pháp luân phiên chăn thả trong các khu rào là tốt nhất, tất nhiên phải quy hoạch đồng cỏ chu đáo, thường xuyên chăm sóc và cải tạo đồng cỏ.

Dù chăn nuôi hươu sao dưới hình thức nào cũng đều phải biết cách cho hươu ăn. Hươu đòi hỏi thức ăn phải sạch sẽ hơn trâu bò. Lá, cỏ bị lấm bùn đất hoặc bị dính phân hay nước tiểu thì hươu không ăn. Do đó nhất thiết phải để thức ăn ở trên cao cách mặt đất 0,3-1 m.

Cần thiết phải làm cũi hay máng ăn cho hươu. Đối với những hươu nhốt riêng nên làm "Kẹp lá" vừa bảo đảm cho hươu ăn sạch sẽ vừa thuận tiện khi quét dọn.

Mặt trên cũi là hình chữ nhật 2m x 0,6 m. mặt đáy 1,6 x 0,6 m. Chiều cao của cũi lá từ 1-1,2 m. Xung quanh cũi đóng những róng dọc cách nhau 1,2 m. Toàn bộ cũi được đặt trên 4 bánh xe để di chuyển được thuận lợi. Lá, cỏ được bỏ vào trong cũi, hươu cho mồn qua những róng dọc để ăn. Cành, cọng lá, thức ăn thừa được giữ lại trong cũi rất thuận tiện trong khi vệ sinh quét dọn.

Kẹp lá làm bằng gỗ hay tre. Các cành lá được kẹp chặt đầu gốc mỗi kẹp giữ được 8-10 kg, treo cao 30-50 cm, để hươu đứng bứt lá ăn được sạch sẽ và thoải mái.

Thức ăn chủ yếu cho hươu sao là các loại lá rừng. Cho nên bên cạnh những thức ăn chúng ta sản xuất được (dây khoai lang, lạc ngô, cỏ voi) cần phải chú ý cho hươu ăn một tỷ lệ thích đáng các loại lá rừng khác. Cho hươu ăn càng nhiều lá rừng, nhất là các loại lá thích hợp sẽ làm cho nhung có chất lượng tốt.

Bên cạnh những thức ăn tươi, có thể cho hươu ăn thêm những thức ăn phơi khô, ủ xanh, ủ chua, thức ăn tinh.... Do thay đổi khẩu vị mà hươu ăn ngon miệng hơn, nhiều hơn. Không thể quên được chất khoáng trong khẩu phần thức ăn hàng ngày của hươu sao, nhất là muối ăn. Một con hươu cần 15 - 20 g muối trong một ngày. Có thể hoà muối vào nước cho hươu uống hoặc vẩy vào lá, cỏ hay rắc ở thềm. Tốt nhất là nên trộn muối và một số chất khoáng khác làm thành những hòn (đá liếm) theo công thức sau đây:

. . Muối                :.  1  kg

. . FeSO4               : . 0,1 kg

. . CuSO4              : . 0,05 kg

. . Diêm sinh (S)  : . 0,1 kg

. . Vôi tôi             : . 1 kg

Có thể thay vôi tôi bằng bột xương (mai mực, xương trâu bò.... đem đốt rồi tán nhỏ).

Trộn lẫn các chất trên với đất sét cho vừa đủ 3 kg. Hoà thêm nước vào để nhào thật kỹ rồi đóng thành từng tảng như hòn gạch, phơi khô. Nên đặt nhiều những hòn đá liếm như vậy ở trong vườn, sân chơi hay trong từng ngăn chuồng, cho hươu liếm tự do theo nhu cầu của cơ thể chúng.

Hiện nay trên thị trường có bán các lọai "đá liếm" tổng hợp. Chúng ta có thể mua về và cho hươu ăn. Treo đá liếm lên góc chuồng, nơi không có mưa gió để cho đá liếm luôn được khô.

Cũng có thể mua các lọai khóang tổng hợp trên thị trường. Đổ tất cả các lọai khóang đó vào một ống tre đã được khóet các lỗ / khe nhỏ. Treo đá liếm lên góc chuồng, nơi không có mưa gió để cho đá liếm luôn được khô.

Hươu ăn nhiều về ban đêm. Nói chung mỗi lần hươu ăn ít nhưng ăn nhiều lần. Do đặc điểm đó, cần thực hiện biện pháp "cho ăn ít, siêng cho ăn" vừa tạo điều kiện cho hươu ăn ngon miệng, ăn no, vừa sử dụng thức ăn được hợp lý, tránh lãng phí. Tối thiểu mỗi ngày cũng cho hươu ăn 3 bữa: sáng 8 - 9 giờ; chiều 16 - 17 giờ; tối 21 - 22 giờ.

2.3.2. Cách cho uống

Nước giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của động vật. đối với động vật nhai lại càng phải đảm bảo thật đầy đủ nhu cầu nước uống hàng ngày cho chúng. Trung bình mỗi ngày một đầu hươu cần từ 1,5 - 2,5 lít nước để uống. Nước dùng cho hươu uống phải sạch, tuyệt đối không cho hươu uống nước đục, bẩn, có mùi thối vì dễ làm cho hươu bị đau bụng hay sẩy thai. Chậu và máng đụng nước phải sạch sẽ chùi rửa thường xuyên và nên đặt cách mặt đất 0,40 - 0,5 m để hươu không dẫm chân vào hoặc phân rác rơi vào nước.

Nếu nước quá lạnh hay vào những ngày trời rét buốt, cần hâm nóng nước rồi mới cho hươu uống. Nên hoà muối vào nước với tỷ lệ 1 - 1,5%.

2.3.3.  Vận động

Hươu có được vận động thường xuyên thì cơ thể mới khoẻ mạnh, sức chống đỡ bệnh tật cao và kích thích tiêu hoá.  Tuy nhiên, nếu cho vận động quá nhiều sẽ làm cho hươu mệt nhọc bỏ ăn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Vì vậy cần quy định thời gian vận động cho thích hợp:

- Đối với hươu nuôi đàn thì buổi sáng từ 6 giờ rưỡi đến 7 giờ rưỡi, buổi chiều từ 16 giờ - 17 giờ cho chúng tự do chạy nhảy đi lại ở trong sân hay vườn. Sau khi vận động thì cho hươu ăn, ăn xong hươu thường tòm chỗ mát kín để nằm, nghỉ ngơi và nhai lại.

- Đối với hươu nhốt riêng (chủ yếu là đực giống) cần cho vận động mỗi ngày từ 30 phút đến 1 giờ.

- Cho hươu - nhất là những hươu non - tắm nắng sẽ trách được một số bệnh ngoài da và tăng cường sự tổng hợp vitamin D,  giúp cho việc hấp thụ canxi và phốtpho được tốt hơn. Nền sân vận động không nên lát gạch hay xi măng mà chỉ nên để đất. Nhớ thu dọn những vật sắc nhọn dễ gây thương tích cho hươu.

2.3.4. Chăm sóc hươu đực giống
•. Nhu cầu dinh dưỡng hươu đực giống


Đực giống khoẻ mạnh, béo tốt sẽ ảnh hưởng quyết định đến sức khoẻ cả đàn gia súc. Cho nên phải có một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc tốt nhất đối với hươu đực giống. Nhu cầu dinh dưỡng chính của đực giống chính là đạm và khoáng, ngoài ra còn chú ý bồi dưỡng thêm chất bột.•
. Cách chăm sóc và nuôi dưỡng

Cần có ô chuồng riêng để nuôi đực giống. Diện tích mỗi ô thích hợp là 8 - 10 m2.  Nơi nuôi đực giống cần cách xa nơi nuôi hươu cái. Trước mỗi ô nên có một sân con có diện tích 25 -30 m2 để cho hươu vận động. Hàng ngày cho hươu vận động từ 30 phút đến 1 giờ trước bữa ăn sáng. Hươu có vận động thường xuyên thì mới khoẻ mạnh, nhanh nhẹn.

Cần làm tốt khâu vệ sinh phòng bệnh. Nền chuồng phải quét dọn hàng ngày thật sạch sẽ. Một tháng cho hươu đực giống tắm 3 lần vào những ngày nắng ấm. Phải theo dõi thường xuyên và có phương pháp điều trị bệnh kịp thời.

Đảm bảo cho hươu ăn đủ chất, ngon miệng và ăn no. Ngày mưa rét phải có phên liếp che chuồng và dùng rơm hay cỏ khô để làm ổ cho hươu nằm.

Mùa động dục của hươu sao xẩy ra từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 11, cho nên việc chăm sóc hươu đực giống có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn không phối giống (từ tháng 12 đến tháng 5); giai đoạn phối giống (tháng 6 đến tháng 11).

Trong khi phối giống ta không nên đến gần hươu, tránh gây sốc (stress) cho hươu.
•. Dinh dưỡng hươu đực trong giai đoạn phối giống:


Cần cho hươu ăn những thức ăn giàu đạm và khoáng như: dây lạc, các loại khô dầu. Trong những ngày phối giống cần bồi dưỡng cho hươu ăn thêm cỏ, lá non, đậu, ngô, lạc lên mầm.

Khẩu phần cho hươu đực giai đọan phối giống có thể:

o. 7 - 10 kg lá, cỏ tươi non (1/2-1/3 dây lạc).

o. 0,3 kg gạo nấu cháo (có thể thay bằng 0,5kg cám hoặc 1kg khoai lang)

o. 0,7 kg khô dầu

o. 0,3 kg thóc nẩy mầm

o. 15 g muối

o. 20 g chất khoáng.•
. Chăm sớc hươu đực giai đoạn không phối giống:

Sau giai đoạn phối giống, sức khoẻ của đực giống giảm sút, cần có thời gian cho hươu nghỉ ngơi, phục hồi sức khoẻ. Về thức ăn cần tăng cường thức ăn dễ tiêu. Chú ý cho hươu vận động thường xuyên nhằm kích thích tiêu hoá. Trong giai đoạn này hươu ăn nhiều hơn trong mùa động dục, nên phải tăng khối lượng, chất lượng thức ăn lên đúng mức. Đẩy mạnh khâu vệ sinh phòng bệnh để bảo đảm cho hươu có đầy đủ sức khoẻ bước vào mùa phối giống.

Khẩu phần cho huơu đực giai đoạn này có thể như sau:

o. . Lá, cỏ: 10 - 15 kg

o. . Gạo nấu cháo: 0,3 kg

o. . Muối:   20g

o. . Chất khoáng 20g

2.3.5. Chăm sóc hươu chửa
•. Nhu cầu dinh dưỡng


Khi có chửa, hươu mẹ cần tích luỹ các chất dinh dưỡng để vừa nuôi sống bản thân vừa để nuôi bào thai. Bào thai phát triển không đều ở các giai đọan: Các tháng đầu phát triển chậm, các tháng sau tốc độ phát triển nhanh.

Nói chung, thức ăn phải đảm bảo đầy đủ yêu cầu về đạm, khoáng, sinh tố. Nếu thiếu đạm, thì tỷ lệ thụ thai giảm, hoặc nếu có thụ thai thì thai phát triển yếu, trọng lượng hươu sơ sinh thấp. Nếu thiếu khoáng thì sự phát triển của các cơ quan của bào thai không hoàn chỉnh.

Thường hươu cái chửa trong thời gian 7 tháng 9 ngày. Căn cứ  vào tốc độ phát triển và nhu cầu của bào thai, có thể chia làm 2 giai đoạn để chăm sóc hươu có chửa.•
. Mang thai từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 5.

Trong giai đoạn này bào thai phát triển còn chậm, chưa đòi hỏi nhiều về nhu cầu lắm, nên có thể nuôi dưỡng , chăm sóc bình thường.

Khẩu phần cho hươu cái giai đoạn này có thể là:

o. . 10 - 15 kg lá, cỏ

o. . 15 g muối

o. . 20 g chất khoáng.
•. Mang thai từ tháng thứ 6 đến khi đẻ.


Lá, cỏ cần phải tươi ngon, nhiều loại để đủ sinh tố. Đặc biệt trong những tháng cuối nên cho ăn những lá, củ , quả có tác dụng lợi sữa như: lá ngọn, lá quả sung, đu đủ xanh.

Khẩu phần cho hươu chửa giai đọan 2 có thể là:

o. . 10 - 15 kg lá cỏ tươi

o. . 0,3 kg chất bột nấu cháo

o. . 0,3 kg khô dầu

o. . 0,3 kg thóc nẩy mầm

o. . 15 g muối

o. . 25 g khoáng•
. Những điều lưu ý

Trong giai đoạn một, có thể để hươu chửa sống chung với đàn cái. Nhưng sang giai đoạn hai, cần nhốt riêng để tiện việc theo dõi, chăm sóc và bồi dưỡng. Nói chung, cần đề phòng và tránh mọi nguyên nhân làm cho hươu bị sẩy thai như: vận động, chạy nhảy quá mức, sàn chuồng trơn ướt làm hươu bị ngứa, thức ăn hạt nước uống kém phẩm chất, cho ăn uống no đói thất thường, thay đổi thức ăn một cách đột ngột.

Nếu hươu bị sẩy thai, cần phải cách ly và điều trị kịp thời. Thai và các chất bài tiết của nó phải được xử lý và vệ sinh chuồng trại thật kỹ càng.

2.3.6.  Chăm sóc hươu đẻ

Có thể căn cứ vào lý lịch từng con để xác định trước ngày hươu đẻ hoặc qua những dấu hiệu của hươu khi sắp đẻ.

Người chăn nuôi, khi mới thấy một vài dấu hiệu trên đã phải chuẩn bị thật chu đáo "phòng đẻ" và đưa hươu vào đó.

"Phòng đẻ" phải được quét dọn sạch sẽ, tiêu độc nền và xung quanh thành chuồng bằng Crêzil 5% hay nước vôi. ở một góc phòng, rải một lớp rơm mềm hay cỏ khô để làm ổ. Cần giữ cho phòng đẻ ấm, thoáng, khô, kín đáo; nhất thiết phải có người theo dõi, nhưng không để cho hươu thấy. Không nói chuyện ồn ào hoặc làm cho hươu sợ hãi. Cần hết sức hạn chế sự can thiệp của người khi hươu đẻ. Chỉ can thiệp trong trường hợp đẻ khó hay thấy hết sức cần thiết (đẻ ngược, đẻ đôi...). Lúc đó, cần làm khẩn trương, dụng cụ và tay người phải vô trùng, để tránh gây viêm nhiễm  cho hươu sau này.

Thông thường sau khi đẻ, hươu mẹ dùng răng cắn dây rốn cho hươu con. Để tránh nhiễm trùng, ta thường dùng cồn Iốt bôi vào rốn cho hươu con.

 Chờ cho nhau ra hết, ta đưa hươu mẹ và hươu con sang một ngăn khác sạch sẽ hơn.

Sau khi đẻ một giờ rưỡi, mà thấy nhau vẫn không ra, tức là coi như đã bị sót nhau. Lúc này cần tìm cách lấy nhau ra với thao tác cẩn thận, tỷ mỹ và nhẹ nhàng. Sau đó, phải rửa sạch máu ở tử cung bằng thuốc sát trùng. Nếu không lấy sạch nhau, nhau sẽ bị thối, gây viêm nhiễm, có thể làm hươu bị chết.

Việc chăm sóc hươu mẹ sau khi đẻ có tác dụng phục hồi nhanh sức khoẻ cho nó, đồng thời tăng cường tạo sữa để nuôi con. Nên cho ăn những thức ăn nhiều chất, những lá có nhiều nhựa như lá ngọn, lá quả sung, vả, cỏ sữa, cây vú bò, cháo đu đủ, cám.... Cho ăn thức ăn tinh, nhất là đạm dễ tiêu. Cho uống nước vo gạo có pha muối.

Khẩu phần ăn cho hươu mẹ giai đoạn cho con bú có thể là:

o. Lá cỏ tươi: 10 - 15 kg

o. Chất bột nấu cháo: 0,5 kg

o. Khô dầu:   0,5 kg

o. Muối:    20g

o. Chất khoáng 25 g.

Sau đẻ 3 tháng hươu con đã tự ăn được nhiều lá cỏ nên khẩu phần thức ăn của hươu mẹ có thể trở lại mức bình thường.

2.3.7. Chăm sóc hươu con
•. Đặc điểm của hươu sơ sinh


Chăm sóc hươu con là khâu cuối cùng trong toàn bộ quy trình sinh sản, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tăng nhanh số lượng đàn hươu. Do đó, cần phải nắm được những đặc điểm của hươu sơ sinh.

Cũng như các loài thú khác, khi còn trong bụng mẹ mọi hoạt động của hươu như dinh dưỡng, hô hấp, tuần hoàn.... đều nhờ vào mẹ. Nhau là cái cầu nối giữa cơ thể mẹ và con. Khi lọt lòng mẹ, hoàn cảnh sống của hươu con hoàn toàn thay đổi. Từ chỗ nhờ mẹ hoàn toàn nay phải tự lập dần dần. Ngoài ra hươu con còn chịu tác động trực tiếp của nhiệt độ, ánh sáng, khí trời.... trong khi cấu tạo của các tổ chức cơ thể còn ở giai đoạn đầu, chưa hoàn thiện đầy đủ.

- Hệ tiêu hoá: chưa có tuyến tiêu hoá, dạ cỏ còn nhỏ, ống thực quản đi qua dạ cỏ còn khép kín.

- Hệ cơ, xương: xương mềm, yếu. Các xương ở đầu chưa phát triển kín hẳn mà còn chừa ra một khoảng trống chỉ có một màng da bao bọc (thóp), cơ còn nh•o.

- Các hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn; chưa hoàn thiện đầy đủ với chức năng của nó.

Nhu cầu dinh dưỡng của hươu con:

Có cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho hươu con mới giúp cho vật sinh trưởng được tốt, mau chóng hoàn thiện các cơ quan, chóng thích nghi với điều kiện sống mới. Sự sinh trưởng không những chỉ là sự thay đổi về trọng lượng mà còn là sự tăng lên về số lượng và thể tích tế bào, trong đó tăng chủ yếu là đạm và khoáng.

Đối với những thức ăn có nhiều đạm, khi cho hươu con ăn phải có tỷ lệ thích hợp, nếu không dễ gây chứng ỉa chảy.

Chất khoáng gồm có muối: Ca, P, Fe... và các nguyên tố vi lượng khác. Nếu thiếu khoáng hươu con dễ mắc bệnh còi xương, chậm lớn. Ca và P có thể lấy trong thức ăn sẵn có. Cơ thể muốn hấp thụ được nhiều Ca, P cần phải có Vitamin D, do đó cần chú ý cho hươu con vận động ngoài nắng. Tất nhiên phải có thời gian thích hợp.•
. Kinh nghiệm chăm sóc hươu con

Sau khi đẻ được 6 giờ, nếu thấy hươu con chưa bú được, ta phải tìm mọi cách cho hươu con bú được sữa đầu. Sữa đầu có chứa nhiều nhất đạm, năng lượng, các vi tamin và đặc biệt là một số kháng sinh phù hợp  với hươu con và vì thê có tác dụng gần như quyết định đối với đời sống của hươu con. Kinh nghiệm chăn nuôi hươu cho thấy gần 80% hươu sơ sinh bị chết là do không được bú sữa mẹ đầy đủ, nhất là sữa đầu.

Trường hợp sau khi đẻ ra hươu con quá yếu không thể đứng lên bú mẹ được hoặc  hươu mẹ (thường là những con mới đẻ lần đầu) không chịu cho con bú người chăn nuôi phải bắt giữ hươu mẹ, xoa bóp bầu vú, vắt bỏ tia sữa đầu rồi cho hươu con vào bú. Làm như vậy độ 3-4 lần hươu mẹ sẽ quen cho con bú.

Trường hợp không may hươu mẹ bị chết sau khi đẻ, hay hươu mẹ quá ít sữa thì phải cho hươu con bú trực tiếp bằng sữa bò / sữa dê hoặc điều chế một loại "sữa thay thê". "Sữa thay thế" có thành phần là:  2 phần sữa bò + 1 phần đường + 1 phần nước vôi trong và 6 phần nước cháo. Hâm nóng nước cháo rồi hoà đường, sữa bò và nước vôi lọc trong. Đổ tất cả "sữa thay thế đó" vào bình vú cao su cho bú hay dùng dụng cụ cho uống thuốc cũng được. Không nên cho hươu ăn toàn sữa bò vì dễ gây ỉa chảy. Tất nhiên việc "nuôi bộ" thế này là rất khó khăn nên đòi hỏi ta phải kiên trì, vệ sinh tốt, nhất là phải giữ cho bộ lông luôn khô ráo, sạch sẽ.

Những ngày đầu tiên, hươu con nằm nhiều và thường nằm tách mẹ, đến bữa mới về bú. Sau 10 - 20 ngày hươu con bắt đầu tập ăn lá, cỏ. Hàng ngày cho hươu con vận động 2 lần sáng và chiều, mỗi lần 30 phút. Sự vận động chạy nhảy giúp cho hươu con khoẻ mạnh, hệ thống thần kinh phát triển và nhờ thế thích nghi tốt hơn đối với môi trường xung quanh....

Người chăn nuôi cần có ý thức chăm sóc tập luyện, dạy dỗ hươu con. Điều đó rất cần thiết trong công tác thuần dưỡng, thuần hoá hươu sao. Giờ ăn, hiệu lệnh khi ăn, khi vận động... phải được thi hành nghiêm túc để tạo cho hươu có một thói quen ổn định ngay từ nhỏ. Trong khi quét dọn chuồng và nhất là khi cho ăn cần có thái độ âu yếm, vuốt ve, động tác thật nhẹ nhàng làm cho hươu quen người. Những việc này nếu làm được tốt, thường xuyên sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thuần dưỡng, dễ dàng xử lý hươu sau này. Bằng cách chăm sóc và chọn lọc những con hươu "ngoan ngoan" như thế qua nhiều đời ta sẽ có một đàn hươu "nhà" chứ không phải là hươu "rừng" như bây giờ.

Hươu sao được khoảng 6-7 tháng tuổi nên cho cai sữa. Giai đoạn này hươu mẹ đã bước vào mùa động dục. Tất nhiên, không nên cai sữa đột ngột làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của hươu con, thời gian đầu cần tăng cường thức ăn tinh, thức ăn nhiều chất sau mới cho dần thức ăn thô.

Khẩu phần trung bình hợp lý sau khi cai sữa:

o. Lá, cỏ tươi: 5 - 8 kg

o. Chất bột nấu cháo: 0,2 kg

o. Khô dầu: 0,2 kg

o. Muối:  7 - 10 g

o. Chất khoáng:  10 - 15 g

2.3.8.  Chăm sóc hươu đực khi có nhung

Hiện nay mục đích chính của nghề nuôi hươu là thu hoạch nhung. Muốn có được một cặp nhung to, mập, chất lượng tốt phải có biện pháp chăm sóc và bồi dưỡng hươu đực.

Nên bồi dưỡng cho hươu đực khoảng 1 - 2 tháng trước khi nhung bắt đầu nhú tức là từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Bồi dưỡng vào giai đoạn này có tác dụng nhiều hơn so với bồi dưỡng khi nhung đã xuất hiện rồi. Khẩu phần trung bình hợp lý sẽ gần như khẩu như khẩu phần áp dụng cho hươu đực trong giai đoạn phối giống. Cần chú ý tới thành phần, chất lượng lá, cỏ và lượng muối khoáng (20g muối, 20 - 25g chất khoáng / ngày).

Cũng như nuôi người hoặc bất kỳ con vật nào khác, ta phải cung cấp cho hươu nhiều loại thức ăn, cây, cỏ. Không nên cho hươu ăn thường xuyên một hai loại lá, cỏ. Có như thế mới tránh cho hươu khỏi bị thiếu chất.  Bên cạnh đó, còn phải chú ý đến khẩu vị thức ăn sao cho ngon để hươu ăn được nhiều. Tránh để hươu đói, buộc chúng phải ăn những thức ăn chúng không thích.

Cần tránh mọi nguyên nhân làm hươu trượt ngã, xây xát, va chạm làm chảy máu hoặc vỡ nhung.

Sau khi cắt nhung, hươu bị mất máu, tính tình hoảng hốt, sợ hãi; cần để cho hươu nghỉ ngơi yên tĩnh. Hàng ngày nấu cháo có bỏ muối đề hươu ăn chóng hồi sức. Chỗ vết cắt cần phải cầm máu ngay và băng vô trùng tránh cho ruồi đẻ vào đó thành vết thương có dòi.


Quy Trình Kỹ Thuật Phòng - Trị Bệnh Cho Hươu Sao Quy Trình Kỹ Thuật Phòng - Trị Bệnh… Phương Pháp Chế Biến Và Bảo Quản Nhung Hươu Phương Pháp Chế Biến Và Bảo Quản Nhung…