Mô hình kinh tế Quy Trình Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Tôm Rằn

Quy Trình Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Tôm Rằn

Publish date Saturday. March 8th, 2014

Quy Trình Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Tôm Rằn

Tôm rằn (Penaeus semisulcatus) là loài tôm có kích thước lớn, thích ứng với nhiệt độ cao, độ mặn cao, ăn tạp, có giá trị kinh tế như tôm sú cùng cỡ và là một trong số 110 loài thuộc họ tôm he (Penaeidae) (theo FAO).

Ở nước ta, mặc dù tôm rằn chưa được xem là loài nuôi chính như tôm sú, tôm chân trắng hay tôm càng xanh, nhưng mấy năm gần đây khi mà việc nuôi tôm sú, tôm chân trắng gặp nhiều vấn đề trở ngại như phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, môi trường nước bị ô nhiễm, bùng nổ dịch bệnh dẫn đến hiệu quả kinh tế không ổn định thì tôm rằn được quan tâm và nghiên cứu đưa vào nuôi nhiều hơn.

Từ năm 2003, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tôm rằn như nghiên cứu đặc điểm sinh học, đặc điểm dinh dưỡng tôm rằn, nghiên cứu qui trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm rằn… và nhiều công trình khác đã được ứng dụng ngoài thực tiễn như ứng dụng qui trình sinh sản nhân tạo tôm rằn; qui trình kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm tôm rằn tại Thừa Thiên Huế.

Tôm rằn có thể nuôi xen canh với tôm sú đối với ao nuôi tôm sú chỉ nuôi được một vụ nhằm hạn chế dịch bệnh và giải quyết việc làm cho nông dân; nuôi ghép với cá rô phi làm tăng hiệu quả của ao nuôi lên khoảng 20% so với nuôi đơn cá rô phi; ngoài ra tôm rằn còn có thể nuôi ghép với ốc hương nhằm tận dụng triệt để nguồn thức ăn, tránh ô nhiễm.

Chính vì thế tôm rằn đang được xem là đối tượng có giá trị kinh tế cao không thua kém các đối tượng nuôi chính hiện nay. Vì vậy, việc chủ động nguồn giống tôm rằn đạt chất lượng với giá thành hợp lý là điều hết sức cần thiết hiện nay nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm độc canh con tôm sú, tôm chân trắng.

Mới đây, nhóm nghiên cứu khoa thủy sản - trường Đại học Nông Lâm Huế, viện Hải Dương Học Nha Trang, Trại tôm giống Phú Thuận - Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần nuôi và dịch vụ Thủy đặc sản Thừa Thiên Huế đã cho đẻ thành công và đã đưa ra thị trường hàng triệu tôm Post tại địa bàn Thừa Thiên Huế.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sản xuất giống tôm rằn có thể sử dụng các trại đang sản xuất giống tôm sú, tôm càng xanh. Quy trình sản xuất giống tôm rằn bao gồm các khâu từ tuyển chọn và nuôi vỗ tôm bố mẹ, cho tôm đẻ và chăm sóc ấu trùng tôm.

1. Tuyển chọn tôm bố mẹ

Chọn tôm bố mẹ có màu sắc tươi sáng, khoang trắng và khoang xanh (màu xanh đậm) rõ rệt; tôm bơi lội nhanh nhẹn, vỏ bóng mượt, phần phụ đầy đủ, không mang mầm bệnh. Đối với tôm cái, chọn tôm có trọng lượng từ 80 – 150g/con và có buồng trứng ở giai đoạn II, III, IV (nếu tôm có buồng trứng ở giai đoạn IV thì tiến hành cho đẻ ngay trong đêm, nếu buồng trứng ở các giai đoạn khác cần tiến hành cắt mắt và đưa vào nuôi vỗ thành thục). Đối với tôm đực, chọn tôm có trọng lượng từ 60 – 100g/con và có chứa túi tinh trong thelycum.

Lưu ý: Tôm bố mẹ khi mới vận chuyển về trại tiến hành tắm formol 25ppm trong vòng 30 phút để loại bỏ mầm bệnh.

Điều dễ nhận biết nhất ở tôm rằn so với tôm sú là đôi râu I có sự phân đốt rõ rệt, mắt tôm rằn to hơn mắt tôm sú cùng cỡ.

2. Cắt cuống mắt tôm

Cơ sở khoa học của việc cắt cuống mắt: ở cuống mắt của tôm (cả tôm đực và cái) có chứa phức hệ cơ quan X (tuyến nút), cơ quan X lại trực tiếp điều khiển tổng hợp hormon ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục (GIH) và hormon ức chế lột xác (MIH). Vì vậy khi cắt cuống mắt sẽ loại bỏ bớt phức hệ cơ quan X, từ đó làm giảm tác nhân ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục (GIH); đẩy nhanh tiến trình lột xác; đồng thời thúc đẩy nhanh sự chín muồi tuyến sinh dục, thúc đẩy nhanh quá trình đẻ trứng và tăng số lượng trứng trong một chu kỳ lột xác.

Tiến hành cắt 1 bên cuống mắt của tôm mẹ. Lưu ý, đàn tôm mẹ sau khi tuyển chọn và vận chuyển về trại, cần phải để tôm mẹ phục hồi sức khỏe hoàn toàn, ít nhất 1 ngày mới tiến hành cắt cuống mắt. Đối với tôm rằn cắt mắt hiệu quả nhất là dùng panh (dụng cụ y tế) hơ đỏ trên ngọt lửa đèn cồn và kẹp một bên cuống mắt của tôm, phần cầu mắt sẽ rụng sau vài ngày; tôm sau khi kẹp cuống mắt không bị mất máu, nhanh hồi phục, có thể ăn mồi ngay sau đó, tỷ lệ sống cao.

3. Nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ

Tôm mẹ sau khi cắt mắt được đưa vào bể để nuôi vỗ thành thục.

3.1. Chuẩn bị bể nuôi vỗ: Nguồn nước dùng để nuôi vỗ tôm bố mẹ phải được xử lý qua hệ thống các bể lọc và khử trùng bằng iodine 2ppm. Môi trường nước nuôi phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau: Độ mặn: 29 – 35ppt; pH: 8,0 – 8,5; Nhiệt độ: 27 – 300C; Ôxy hòa tan: 5 – 6mg/l; NO2

3.2. Mật độ nuôi vỗ: 4 – 5con/m2. Tỷ lệ đực cái: 1 – 2 cái/ 1 đực

3.3. Chăm sóc và quản lý tôm bố mẹ

- Thức ăn tốt cho tôm bố mẹ là các động vật không xương ở nước mặn có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh sản của tôm như các HUFA, đặc biệt là FPA, DHA, ArA…Các loại thức ăn như: giun nhiều tơ, hay ốc ký cư, hầu trìa mở, vẹm, mực, tôm. Khẩu phần ăn hằng ngày từ 10 – 20% trọng lượng cơ thể. Lưu ý khi sử dụng các loại thức ăn tươi (tôm, mực…) nên cho tôm ăn nhiều lần trong ngày để tránh dư thừa thức ăn.

- Chế độ thay nước: Hằng ngày thay nước với lượng 100% nước trong bể nuôi, trong quá trình thay nước cần chý ý cân bằng độ mặn và nhiệt độ giữa nước cấp và nước trong bể nuôi nhằm tránh gây sốc tôm.

- Phòng bệnh: Định kỳ 5 - 7 ngày/lần (hoặc khi cần thiết) phòng bệnh bằng cách tắm cho tôm bằng formalin 50 – 100ppm trong 10 – 20 phút hoặc BKC 1ppm trong 5 – 10 phút. Để phòng tôm bị các bệnh ngoài da như ăn mòn phần phụ, cụt râu, mòn đuôi, cần phải thường xuyên chà sạch đáy bể để loại bỏ lớp màng nhày bám sát dưới đáy bể, nơi tích tụ nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Thường xuyên quan sát hoạt động của tôm (tình hình bắt mồi, lột xác), kiểm tra độ thành thục của tôm để có kế hoạch cho đẻ. Nếu trong điều kiện nhiệt độ phù hợp và chế độ sinh dưỡng tốt thì sau khi cắt mắt, nuôi vỗ sau 3 – 5 ngày tôm có thể đẻ.

4. Kỹ thuật cho tôm đẻ

Sau khi kiểm tra độ thành thục của tôm mẹ nếu buồng trứng ở giai đoạn IV thì chuyển vào bể đẻ cho đẻ.

4.1. Chuẩn bị bể đẻ

Nguồn nước cấp vào bể đẻ phải được lọc thật kỹ đảm bảo không còn dư lượng hóa chất từ xử lý nước. Có thể bổ sung vào bể đẻ EDTA với liều lượng 5 – 10ppm nhằm khác phục sự vỡ trứng, tăng tỷ lệ nở. Các yếu tố môi trường nước trong bể đẻ phải đảm bảo như sau: Độ mặn: 29 – 35ppt; pH: 8,0 – 8,5; Nhiệt độ: 27 - 300C; Ôxy hòa tan: 5 – 6mg/l. Bể đẻ được che bạt kín và sục khí nhẹ để cung cấp ô xy và phân tán đều trứng.

4.2. Vận chuyển tôm mẹ vào bể đẻ

Sau khi chuẩn bị bể đẻ xong, chúng ta bắt những tôm mẹ đã thành thục sang bể đẻ với thao tác nhẹ nhàng tránh làm xây sát tôm mẹ. Trong quá trình vận chuyển có thể kết hợp tắm thuốc tím (KMNO4) 5ppm trong vòng 30 phút cho tôm để loại bỏ mầm bệnh.

Tôm thường đẻ trong khoảng thời gian nửa đêm về sáng, vì vậy trong khoảng thời gian này cần theo dõi chặt chẽ hoạt động đẻ trứng của tôm. Sau khi tôm đẻ xong bắt tôm mẹ ra khỏi bể đẻ và đưa trở lại bể nuôi vỗ tiếp tục nuôi vỗ.

Sau 12 – 24 giờ trứng sẽ nở thành ấu trùng nauplius 1, tiến hành định lượng để có kế hoạch ương ấu trùng.

5. Ương nuôi ấu trùng tôm

5.1. Chuẩn bị bể ương

Ấu trùng tôm rất nhạy cảm với môi trường cho nên bể ương phải được cọ rửa bằng xà phòng và khử trùng bằng chlorine 100 – 200ppm, sau đó xả nước và phơi bể cho bay hết dư lượng chlorine. Nguồn nước đưa vào ương ấu trùng phải được xử lý hết sức cẩn thận. Nước bơm trực tiếp từ biển vào qua bể lắng, sau đó đưa vào bể xử lý và xử lý nước bằng chlorin A nồng độ 30ppm, sau đó xử lý bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,5ppm vào buổi tối.

Tại bể xử lý, phơi nắng và sục khí trong 48 giờ, sau đó tiến hành kiểm tra dư lượng chlorine, nếu còn dư lượng chlorine phải trung hòa bằng thiosunfat; tắt sục khí để lắng trong vòng 24 giờ rồi mới bơm nước lên bể chứa. Nước từ bể chứa được bơm qua hệ thống lọc tinh để lọc sạch rồi mới cấp vào bể ương; mực nước cấp vào bể ương cách thành bể 20cm.

Tiếp tục xử lý nước trong bể ương bằng EDTA 5ppm để tiêu diệt các mầm bệnh, kết hợp sục ozon (nếu có điều kiện) trong vòng 3 giờ với công suất máy 2 – 4g/l, đồng thời bật sục khí mạnh nhằm loại bỏ các khí độc trong quá trình xử lý. Sau khoảng 6 – 9 giờ nữa mới đưa ấu trùng tôm vào ương. Sau đó đậy kín bạt và mở sục khí nhẹ. Nhiệt độ lúc này phải đảm bảo 27 - 30 C.

5.2. Mật độ ương

Ấu trùng nauplius ương với mật độ 100 – 200 con/lít.

5.3. Chăm sóc và quản lý ấu trùng tôm ương

Ấu trùng tôm trải qua các giai đoạn biến thái (giai đoạn nauplius, zoea, mysis, postlarvae) để trở thành tôm trưởng thành. Mỗi một giai đoạn tương ứng với đặc điểm sinh học khác nhau của chúng nên cần chú ý để cung cấp các loại thức ăn thích hợp với từng giai đoạn ấu trùng tôm.

- Giai đoạn nauplius: Ấu trùng tôm ở giai đoạn nauplius sử dụng hoàn toàn noãn hoàng để dinh dưỡng nên không cần cho ăn. Ở nhiệt độ nước 27 - 30C, sau khoảng 42 – 48 giờ nauplius sẽ chuyển sang giai đoạn zoea.

- Giai đoạn zoea: 2 giờ sau khi chuyển sang giai đoạn zoea, tiến hành cho zoea ăn thức ăn tổng hợp (là tảo khô Spirullina, Fripark1, LansyZ-M, N0, AP0) và TZ002 với liều lượng 0,2g/10 vạn zoea. Thức ăn được chia nhỏ thành nhiều lần để tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước. Ngày cho ăn 8 lần, 3 giờ/lần, với lượng từ 0,25 – 0,5g/10 vạn zoea. Lưu ý rằng trong bể ương cần được duy trì sục khí nhẹ, liên tục.

Theo dõi hoạt động và phân thải ra của ấu trùng zoea để có biện pháp xử lý kịp thời. Ở giai đoạn zoea3 tiến hành thay nước (thay từ 30 – 40% lượng nước trong bể) kết hợp siphon đáy để loại bỏ phân và thức ăn dư thừa nhằm kích thích sự lột xác của ấu trùng. Khoảng 3 – 5 ngày sau, ấu trùng zoea chuyển sang giai đoạn ấu trùng mysis.

- Giai đoạn ấu trùng mysis: Thức ăn ở giai đoạn này vẫn là thức ăn tổng hợp: Fripark2, LansyZ-M, N0, AP0 với liều lượng tăng hơn 0,5 - 1g/10 vạn mysis; cho ăn 8 lần/ngày. Ở giai đoạn này, ấu trùng mysis có khả năng bắt mồi chủ động nên có thể bổ sung thêm thức ăn là ấu trùng artemia để tăng dinh dưỡng cho ấu trùng tôm nuôi. Trong quá trình ương tiến hành thay nước khi cần thiết, duy trì sục khí (mạnh hơn giai đoạn zoea) và che bạt kín. Sau 3 – 5 ngày, ấu trùng mysis chuyển sang postlarvae (post).

- Giai đoạn postlarvae: sử dụng thức ăn tổng hợp Lansy, N0, AP0, Fripark với lượng 1 - 2g/10 vạn post và bổ sung thêm ấu trùng artemia; cho ăn 8 lần/ngày. Đảm bảo môi trường nước ương sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh bể, siphon và thay nước 30 – 40% lượng nước trong bể; giai đoạn post4 thay nước với lượng 50% lượng nước trong bể, kết hợp phòng bệnh bằng formol 10ppm. Lưu ý khi thay nước không nên hạ độ mặn, cần duy trì độ mặn 25 – 30ppt.

Do tôm rằn ăn tạp và có hiện tượng ăn lẫn nhau nên từ giai đoạn post8 trở đi cần phải theo dõi bể ương chặt chẽ, san thưa hoặc có thể đưa ra ngoài ao đất để ương.


Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Tới Chất Lượng Cá Giống Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Tới Chất Lượng… Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bông Thương Phẩm Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bông Thương Phẩm