Nuôi gà Quy trình nuôi gà đồi thả vườn tại Ba Vì

Quy trình nuôi gà đồi thả vườn tại Ba Vì

Author Cát Vũ, publish date Saturday. April 1st, 2017

Quy trình nuôi gà đồi thả vườn tại Ba Vì

Tận dụng địa hình vườn đồi rộng lớn, các hộ tại Ba Vì nuôi thả gà trong môi trường dân dã, cho chúng tự kiếm ăn, đồng thời, bổ sung thêm cám ngô, bột đậu tương và tiêm văcxin đúng định kỳ.

Trong ảnh: Gia đình anh Hiển đầu tư lò ấp trứng với máy xoay đảo chiều tự động. Ảnh:Bizmedia.

Các xã Thụy An, Cẩm Lĩnh, Cam Thượng là trọng điểm nuôi gà đồi của huyện Ba Vì, Hà Nội. Tham gia Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì từ những ngày đầu, anh Ngô Trọng Hiển cho biết, đàn gà nhà anh được nuôi theo chuỗi khép kín, chủ động từ khâu con giống, nuôi thả và giết mổ theo đúng quy trình.

Anh Hiển nuôi gà từ năm 2002 với số lượng khoảng 200 con. Đến nay, trang trại của anh có hơn 6.000 con gồm cả gà trứng, gà thịt. Đáp ứng nhu cầu của bà con trong vùng, anh Hiển đầu tư thêm hệ thống lò ấp trứng để chủ động con giống cho trang trại và cung cấp gà giống cho khoảng 30 hộ khác trong hội.

Nhờ lò ấp, sau khoảng 21 ngày, trứng sẽ nở thành gà con và bắt đầu quá trình nuôi úm trong 2 tuần. Thời điểm này, người nuôi cần tuân thủ chặt khâu vệ sinh chuồng trại và tiêm văcxin đều đặn để phòng bệnh. Anh Hiển cho biết, lứa gà từ khi nở được một ngày tuổi đã phải tiêm phòng. Tới lúc thả vườn, anh tự tay tiêm thêm 5 loại văcxin khác để đảm bảo đàn gà khỏe mạnh. Theo anh, đây là khâu vất vả nhất trong quá trình chăn nuôi.

Nuôi úm là một trong những công đoạn vất vả nhất. Ảnh: Bizmedia.

Trong 2 tuần này, chuồng úm cần được giữ ở nhiệt độ ổn định 33 - 35 độ C. Sau một tuần, khi gà đã cứng cáp hơn, nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 30 độ C, đồng thời phải thay cám, nước 5 lần mỗi ngày. Buổi sáng, anh Hiển cho gà uống kháng sinh, trưa uống thuốc bổ, chiều uống điện giải, liên tục trong 5 ngày đầu để gà con đủ sức đề kháng.

Khi đã cứng cáp, gà con được thả ra môi trường dân dã và chuyển sang chế độ ăn bột ngô trộn cùng men vi sinh hoặc bột đỗ tương xay với dầu cá cho tới khi xuất bán. Ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày, gà còn vận động trên các vườn đồi, bới đất và tìm ăn thêm côn trùng cùng các loại rau cỏ tự nhiên.

Nhờ được tự do bay nhảy trong vườn đồi rộng nên con gà chắc thịt, mạnh khỏe. Sau khoảng 5 - 5,5 tháng nuôi, con trống trưởng thành đạt tiêu chuẩn xuất chuồng nặng 2 - 2,2 kg, con mái nặng 1,5 - 1,7kg. Lông gà màu đỏ tím, óng mượt, chân vàng tía, mào cờ, mắt tinh anh.

Gà đồi Ba Vì có mẫu mã đẹp và thịt chắc nên được thương lái ưa chuộng. Ảnh:Bizmedia.

Ngoài lượng gà lông nguyên con, được các thương lái tới đặt mua tại chuồng, gà đồi Ba Vì còn bán theo dạng gà giết mổ và đóng gói sẵn tại cơ sở của hội, được Chi cục Thú y huyện cấp phép. Tại đây, gà trải qua quy trình cắt tiết, nhúng nước sôi, đưa vào máy vặt lông, sục ozone 25 - 30 phút để diệt khuẩn. Sau cùng, gà được cán bộ thú y kiểm tra chất lượng lần cuối và đóng dấu đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi đưa vào đóng gói hút chân không và làm lạnh.

Hiện nay, số lượng gà thương phẩm của huyện đạt khoảng 30.000 con với sản lượng 40 - 50 tấn gà thịt. Nhờ được nuôi và chăm sóc theo đúng quy trình, giá bán gà đạt mức 80.000 - 110.000 đồng một kg gà lông, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi. Gà đồi Ba Vì chủ yếu đang được bán cho thương lái, các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.


An toàn sinh học phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm An toàn sinh học phòng chống dịch bệnh… Khuyến nghị cho ăn trước thời kỳ cao điểm đối với gà đẻ Khuyến nghị cho ăn trước thời kỳ cao…