Tôm sú Quy trình nuôi tôm sú cho mùa vụ nuôi năm

Quy trình nuôi tôm sú cho mùa vụ nuôi năm

Publish date Tuesday. December 1st, 2015

Quy trình nuôi tôm sú cho mùa vụ nuôi năm

1. Chọn địa điểm xây dựng ao nuôi:

– Xây dựng ao nuôi ở những vùng đã được quy hoạch

– Nền đất xây dựng ao nuôi phải là đất thịt hoặc đất pha cát, ít mùn hữu cơ, có kết cấu chặt chẽ, giữ nước tốt, thuận tiện cho việc cấp và thoát nước.

– Chủ động nguồn nước cấp, không bị ô nhiễm nước thải công nghiệp, nông nghiệp và nước sinh hoạt.

– Vùng nuôi thuận lợi về giao thông, có đủ nguồn điện cung cấp và an ninh trật tự tốt.

2. Xây dựng hệ thống ao nuôi:

Hệ thống ao nuôi bao gồm: Ao lắng, ao nuôi và ao chứa thải

– Ao lắng: có diện tích chiếm 20 – 25% diện tích mặt nước nuôi.

– Ao nuôi: có diện tích chiếm 60 – 70% tổng diện tích mặt nước.

– Ao thải: có diện tích 10 – 15% diện tích nuôi.

Thiết kế ao ương:

– Ao ương có diện tích từ 200 – 500 m2.

– Độ sâu mực nước từ 0,7 -1m.

Thiết kế ao nuôi:

– Tốt nhất mỗi ao có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2.

– Để tránh hiện tượng bị rò rỉ trong khi nuôi cần thi công bằng cơ giới (máy ủi, máy đào…).

– Nên thiết kế ao nuôi có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, chiều dài không quá 1,5 lần chiều rộng.

– Đáy ao bằng phẳng và có độ nghiêng về phía cống thoát.

– Mức nước trong ao từ 1,3 – 2m.

– Bo tròn để tạo dòng chảy thông thoáng.

– Bờ ao có thể lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ.

3. Cải tạo ao và xử lý nước:

Cải tạo ao ương, ao nuôi và ao lắng

– Bước 1: Tháo cạn nước trong ao, sên vét làm sạch lớp bùn ở đáy ao, loại bỏ địch hại. Gia cố bờ ao chắc chắn, lót bạt bờ ao (nếu có) để chống xói lở và hạn chế rò rỉ.

Rào lưới xung quanh để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài.

– Bước 2: Bón vôi nông nghiệp (CaO), tùy vào điều kiện pH đất mà bón cho phù hợp.

– Bước 3: Phơi đáy ao từ 5 – 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.

Đối với những ao nuôi không phơi được đáy: bơm cạn nước, dồn chất thải về góc cuối ao, bơm chất thải vào ao chứa thải rồi bón vôi với liều lượng như Bước 2.

Sau đó phải cấp nước vào ao ngay để tránh hiện tượng xì phèn.

Đối với ao mới: Cần có thời gian ngâm rửa đáy ao nhiều lần rồi tiến hành xử lý.

4. Lấy nước và xử lý nước:

– Bước 1: Lấy nước vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 – 5 ngày.

– Bước 2: Cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi (qua túi lọc) đạt từ 1,3 – 1,4 m, tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở.

– Bước 3: Xử lý Chlorine nồng độ 30 ppm (25 – 30 kg/1.000 m3 nước) hoặc TCCA 20 ppm (20 kg/1.000 m3 nước) vào buổi tối để diệt tạp và diệt khuẩn nước ao.

– Bước 4: Sau khi xử lý Chlorine hoặc TCCA 7 ngày, tiến hành xử lý EDTA liều 2 – 3 kg/1.000 m3 nước để khử kim loại nặng và độ cứng của nước ao.

Lưu ý: Chạy quạt liên tục trong thời gian xử lý nước để bay hơi dư lượng Chlorine có trong ao.

5. Gây màu nước:

– Gây màu nước bằng mật đường + cám gạo + bột đậu nành (tỉ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ. Liều lượng: 2 – 3 kg/1.000 m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày vào lúc 9 – 10 giờ sáng kết hợp với vôi Dolomite 10 – 15 kg/1.000 m3.

Khi màu nước trong ao chuyển sang màu của tảo khuê (vàng hay nâu nhạt) hay màu xanh vỏ đậu thì tiến hành sử dụng 3 kg mật đường/100 m3 nước kết hợp cấy men vi sinh rồi tiến hành thả giống.

– Đối với những ao khó gây màu nước, hay màu nước không bền nên bổ sung thêm vôi Dolomite, tảo Silic để giữ màu nước cho ao nuôi. Sử dụng dây xích kéo đáy 2 lần/ngày.

– Kiểm tra và điều chỉnh môi trường ao nuôi trước khi thả giống.

+ pH: 7,5 – 8,5 (dao động trong ngày không quá 0,5)

+ Độ trong: 30 – 40 cm

+ Độ mặn: 3 – 25‰ (thích hợp nhất > 5‰)

+ Kiềm: 80 – 150 mg/l

+ NH3 < 0,1 mg/l

+ H2S <0,003 mg/l

+ Hàm lượng ô xy hòa tan: > 4 mg/l

6. Quạt nước và thời gian chạy quạt:

– Vị trí đặt quạt:

+ Cách bờ 3 – 5 m hay cách chân bờ 1,5 m

+ Khoảng cách giữa 2 cánh quạt 60 – 80 cm, lắp so le nhau.

– Tùy theo hình dạng ao mà bố trí hệ thống quạt nước phải đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm nuôi và gom chất thải vào giữa ao…

7. Chọn và thả giống:

– Chọn giống: Quy trình chọn giống: Chọn bằng cảm quan, gây sốc (formol, độ mặn), xét nghiệm PCR.

– Thả giống: Tùy vào điều kiện của từng hộ nuôi mà có thể thả nuôi trực tiếp hoặc thả ương trước khi đưa vào ao nuôi.

Tốt nhất chọn ao ương ngay trong khu vực nuôi để thuận tiện trong việc sang ao.

– Mật độ ương: 500 – 1.000 con/m2

– Mật độ nuôi: 8 – 25 con/m2

– Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả giống cần chạy quạt khoảng 6 giờ để đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong ao lớn hơn 4 mg/l.

– Trường hợp độ mặn chênh lệch không quá 5‰, thả nổi các bọc tôm trên mặt nước 10 – 15 phút, sau đó mở bọc cho tôm ra từ từ.

– Trường hợp độ mặn chênh lệch lớn hơn 5‰, thuần tôm từ 40 – 60 phút trong các thau, thùng nhựa, có sục khí, sau đó cho tôm ra ao từ từ.

8. Chăm sóc và quản lý:

– Cho ăn:

+ Giai đoạn ương giống cho ăn theo hướng dẫn, đồng thời tùy thuộc vào tình hình thực tế (sức khỏe của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết…) để điều chỉnh cho phù hợp.

+ Giai đoạn tôm từ 1 tháng tuổi trở lên: cho ăn 4 – 5 lần:

6 giờ 30 phút sáng: 25% lượng thức ăn

10 giờ: 20% lượng thức ăn

16 giờ: 30% lượng thức ăn

21 giờ: 25% lượng thức ăn

– Sử dụng sàn ăn:

+ Sau khi thả tôm khoảng 20 ngày cần đặt sàn tập cho tôm vào ăn để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau.

Sàn ăn đặt cách chân bờ 1,5-2 m, sau cánh quạt nước 12-15 m, không đặt ở các góc ao.

+ Điều chỉnh lượng thức ăn: nếu tôm ăn hết, tăng 5% thức ăn cho lần sau;

Còn 10% giữ nguyên thức ăn cho lần sau;

Còn 11 – 25%, giảm 10% thức ăn cho lần sau; Còn 26 – 50% giảm 30% thức ăn lần sau; còn nhiều hơn 60% ngưng cho ăn lần sau.

+ Số lượng sàn ăn: mỗi sàn ăn đặt cho diện tích 1.000 – 1.500 m2.

Quản lý môi trường ao nuôi:

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ trong (đo mỗi ngày), độ kiềm và NH3 (3 – 5 ngày/lần) để có điều chỉnh cho thích hợp với sự phát triển của tôm.

9. Thu hoạch:

Tùy theo giá cả mà người nuôi chọn thời điểm thu hoạch cho phù hợp khi tôm đạt kích cỡ.

Trước khi thu hoạch cần theo dõi chu kỳ lột xác của tôm và hạn chế thu khi tôm còn mềm vỏ để tránh tình trạng tôm bán bị rớt giá.


Hiệu quả của chế phẩm sinh học Lactobacillus acidophilus Hiệu quả của chế phẩm sinh học Lactobacillus… Bệnh đóng rong ở tôm sú nuôi thâm canh và biện pháp phòng trị Bệnh đóng rong ở tôm sú nuôi thâm…