Quy trình sản xuất cá tra giống sạch bệnh
Nuôi cá tra đang ngày càng giảm hiệu quả do chất lượng cá giống xuống thấp làm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi có khi lên đến 40 - 50% và nhiều dịch bệnh, phải kéo dài thời gian nuôi mới đạt trọng lượng thu hoạch. Do đó, sản xuất con giống sạch bệnh, có sức đề kháng tốt, tăng trưởng nhanh được đặt ra nhiều năm nay và mới đây, TS Nguyễn Quốc Bình ở Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, đề xuất một quy trình sản xuất giống cá tra sạch bệnh.
Cá tra giống chất lượng sẽ mang lại thành công trong sản xuất - Ảnh: CTV
Thực trạng lạc hậu
Theo TS Bình, nước ta mỗi năm thả nuôi khoảng 2 tỷ cá tra giống (20 - 50 g/con), tỷ lệ cá hao hụt trong quá trình nuôi đến khi trưởng thành khoảng 40%. Tỷ lệ cá giống nhiễm hai thứ bệnh nguy hiểm là gan thận mủ hay phù đầu xuất huyết đến 20%. Bệnh gan thận mủ do Edwardsiella ictaluri, thời điểm cá bị bệnh kéo dài từ lúc con cá giống mới 12 ngày cho đến khi đạt trọng lượng 0,5 kg, thời gian ủ bệnh 5 - 7 ngày. Còn bệnh phù đầu xuất huyết do Aeromonas hydrophila, thời điểm cá bệnh từ lúc mới 12 ngày đến khi đạt trọng lượng 1 kg, ủ bệnh trong 1 - 3 ngày.
Như thế, con cá giống đã có thể mang hai loại bệnh nguy hiểm, trong lúc quy trình ương nuôi cá tra từ bột lên giống trong môi trường không kiểm soát bệnh. Việt Nam cũng chưa có quy chế, quy định rõ ràng về chất lượng cá tra giống phải có trước khi thả nuôi. Tóm lại là chưa có quy trình nuôi cá tra giống sạch bệnh và chưa có quy định kinh doanh cá giống sạch bệnh.
Nhìn ra các nước tiên tiến, cá giống trước khi thả nuôi thương mại hay cá cảnh đều phải có chứng chỉ sạch bệnh; chỉ có những cơ sở đủ điều kiện mới được sản xuất cá giống dưới sự kiểm tra thường xuyên; hơn thế, cá phải được vaccinated trước khi thả nuôi.
Nghiên cứu và đề xuất
Nghiên cứu của TS Bình cho biết, cá mẹ tiêm vaccine vẫn chưa có kháng thể kháng lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri, tuy có khả năng di truyền kháng thể kháng lại một số vi khuẩn khác cho cá con. Nhưng nếu xử lý vaccine giai đoạn cá bột và cá giống thì đạt hiệu quả bảo vệ cao. Đó là dùng phương thức ngâm ở 2 giai đoạn cá bột và cá giống, kết quả vi khuẩn không tồn tại trong mẫu nước sau 5 ngày và trong mẫu cá sau 14 ngày.
Nghiên cứu thử nghiệm vaccine ở quy mô sản xuất tại tỉnh Tiền Giang và An Giang. Ngâm vaccine cá bột, thử nghiệm 2 ao, ao thứ nhất có xử lý vaccine và ao thứ hai không xử lý vaccine. Kết quả sau 15 - 17 ngày, tỷ lệ cá sống rất cao lên đến 30 - 40% nhưng từ ngày 18 - 20 trở đi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh và sau 1 tuần sau cá chết hoàn toàn. Sau đó thử nghiệm đợt hai cũng với hai ao bố trí như đợt thứ nhất, tuy nhiên 1 ao xử lý Chlorine (B7) với nồng độ 15 ppm và 1 ao không xử lý Chlorine (B5), 1/2 ao cá được xử lý vaccine, 1/2 ao cá không xử lý vaccine. Kết quả sau 15 - 17 ngày, tỷ lệ sống của cá khoảng 30 - 40%, sau 18 - 20 ngày trở đi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh tương tự đợt thứ nhất nhưng cá bị bệnh trong khoảng 1 tuần thì ngưng chết.
Còn ngâm vaccine cá giống ở quy mô sản xuất. Khi xử lý vaccine ở giai đoạn cá bột, tỷ lệ sống 17%; nếu xử lý vaccine ở giai đoạn cá giống tỷ lệ sống tăng lên 56%; nhưng xử lý vaccine ở hai giai đoạn cá bột và cá giống thì tỷ lệ sống tăng lên đến 60%. Như thế, hiệu quả bảo vệ xử lý giai đoạn cá bột và cá giống là cao, trong lúc vaccine an toàn trên cá bột và cá giống.
Từ kết quả nghiên cứu, TS Bình đề xuất phương án sản xuất cá tra giống sạch bệnh. Đó là, cần thiết lập quy trình ương cá bột lên giống trên bể có kiểm soát môi trường nước và bệnh dịch; yêu cầu bắt buộc về việc vaccination cho cá tra giống trước khi thả nuôi; vaccination cá trong quá trình nuôi bằng phương pháp cho ăn. Từ đó, Bộ NN&PTNN đề ra quy định về chất lượng cá tra giống và quy trình sản xuất; các cơ sở sản xuất cá tra giống phải được cấp chứng chỉ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao