Quỳnh Lưu (Nghệ An) gần 5ha tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng và gan tụy
Hiện xã Quỳnh Bảng đã thả được 80% diện tích tôm nuôi, dự kiến đến cuối tháng 5 xã sẽ hoàn thành việc thả tôm vụ 1. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn tôm giống được thả ra ao nuôi thì xã Quỳnh Bảng đã có gần 2,5ha bị nhiễm bệnh tập trung ở HTX Lộc Thủy và Công ty nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn. Các diện tích tôm mắc bệnh đều mất trắng gây thiệt hại lớn đối với người nuôi.
Gia đình anh Thái Bá Tâm ở xóm Học Văn, xã Quỳnh Bảng có 2 ao nuôi tôm với diện tích 5.400 m2 ở vùng nuôi tôm công nghiệp thuộc xã Quỳnh Bảng. Sau khi xử lý ao đầm, giữa tháng 3 anh đã tiến hành thả trên 30 vạn giống tôm CP Quảng Bình. Khi tôm mới được 28 ngày nuôi, 1 ao nuôi diện tích 1.900m2 lác đác có tôm chết nổi trên mặt nước. Sau đó vài ngày thì tôm bắt đầu chết hàng loạt, gây thiệt hại cho gia đình anh Tâm hơn 50 triệu đồng.
Ngay sau khi xuất hiện bệnh, anh Tâm đã báo cáo với chính quyền địa phương và các hộ dân trong vùng nuôi tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, vớt tôm chết và xử lý nguồn nước bằng hóa chất trước khi xả thải ra môi trường.
Anh Thái Bá Tâm cho biết: “Ao tôm của gia đình tôi bắt đầu xuất hiện bệnh từ ngày 15/4, do tôm thả đang còn ít ngày tuổi nên sức đề kháng còn yếu nên dẫn đến tôm chết nhanh. Hiện nay, gia đình đang tập trung khắc phục hậu quả, thau rửa ao, diệt khuẩn, phơi ao. Sau khi xử lý khoảng 25 ngày cho đến 1 tháng gia đình sẽ xử lý lại rồi cho nước vào để tiếp tục nuôi.”
Các hộ dân ở xã Quỳnh Bảng rải vôi bột trên các tuyến đường vùng nuôi tôm để phòng dịch
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm đã xác định nguyên nhân tôm chết là do bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh được xem là nguy hiểm, có diễn biến phức tạp, tôm thường chết nhanh và hiện nay chưa có thuốc và phương pháp chữa trị nào hiệu quả. Như vậy, mấy năm gần đây xã Quỳnh Bảng luôn xảy ra dịch bệnh ở tôm gây thiệt hại cho người nuôi.
Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố thời tiết, con giống hơn nữa theo quy trình các ao nuôi lấy nguồn nước từ sông Mai Giang để vào ao lắng khoảng 10 ngày, sau đó mới đưa vào ao nuôi thế nhưng có một số hộ chỉ mới từ 3 – 5 ngày đã thả nuôi. Bên cạnh đó, các ao nuôi xả nước thải ra môi trường không tuân thủ theo quy định nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nuôi tôm.
Đến nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có 4,9ha tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng và gan tụy. Để tránh lây lan trên diện rộng, ngay sau khi phát hiện bệnh, Trạm thú y huyện Quỳnh Lưu phối hợp với phòng nông nghiệp huyện cử cán bộ xuống cơ sở để cùng với địa phương giám sát địa bàn khoanh vùng dập dịch; đồng thời, tuyên truyền người dân không được xả nước trực tiếp ao đầm nhiễm bệnh ra môi trường, phải xử lý ngay bằng thuốc clorine với liều lượng theo quy định của tỉnh đề ra, nhằm hạn chế sự phát triển của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, quản lý nghiêm ngặt cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, kiểm soát chặt chẽ và hướng dẫn bà con xử lý tôm bị chết theo đúng quy trình tránh tiềm ẩn dịch bệnh.
Ông Hồ Vinh Quang – Cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản Trạm thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Thời tiết giao mùa giữa mùa đông và mùa hè thì bệnh đốm trắng thường xuất hiện. Loại bệnh này khó chữa và không chữa được nếu người dân không chủ động khai báo mà tự ý xả nước ra thì lây lan ra các vùng khác.
Trạm cũng thông báo cho các xã thành lập các đoàn kiểm tra, khi dịch bệnh xảy ra cấp thuốc xử lý, tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức về cách phòng chống dịch bệnh, hạn chế thả trong thời gian giao mùa giữa tháng 3 và tháng 4.”
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao