Tin nông nghiệp Ra mắt mạng lưới sản xuất sạch

Ra mắt mạng lưới sản xuất sạch

Author Ngọc Bích, publish date Saturday. April 23rd, 2016

Ra mắt mạng lưới sản xuất sạch

Ngày 15.4, mạng lưới sản xuất sạch do câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia thành lập đã chính thức ra mắt: 60 công ty, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và các nhà vườn đang thực hiện quy trình sản xuất an toàn cam kết sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ và hành động cùng cộng đồng về “Một cách sống tử tế với con người và môi trường”.

Nông dân làm ra sản phẩm sạch thì khó bán. Còn người mua lại than thiếu hàng sạch. Mạng lưới sản xuất sạch ra đời hy vọng sẽ góp phần kết nối được giữa người sản xuất hàng sạch và người có nhu cầu.

Câu lạc bộ đưa ra bốn nội dung:

1 – Tập hợp nhu cầu của nhà sản xuất và nối kết chuyên gia về công nghệ, quản trị, truyền thông, các nhà nghiên cứu, các mối nối thông tin cơ hội và cảnh báo rủi ro.

2 – Hỗ trợ thông tin hoàn thiện mô hình sản xuất “bậc thang”: An toàn, Sạch, Hữu cơ (tiếp cận những tiêu chuẩn, cơ hội tiêu thụ hàng hoá, tạo ra sản phẩm giá trị tăng thêm…)

3 – Kết nối các lớp học khởi nghiệp, cơ hội thực hành, phân tích tình huống từ chuyên gia, nắm bắt những xu hướng để điều chỉnh hoạt động thích ứng thời tiết kinh tế và biến đổi khí hậu.

4 – Nối kết mạng lưới truyền thông đa phương tiện để quảng bá các hoạt động sản xuất bền vững.

10 lý do khiến khó tiêu thụ sản phẩm an toàn, theo câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia, có mười lý do khiến tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn: 1- Chủng loại chưa đa dạng; 2 – Giá cao; 3 – Chưa có mối tiêu thụ số lượng lớn; 4 – Cách nhận biết – Cách chứng minh chưa tương thích; 5 – Lòng tin gói gọn.

6 – Hoạt động kiểm định và ngăn chặn sản phẩm không an toàn rất kém; 7 – Những cam kết mang tính hình thức; 8 – Đạo đức sản xuất – kinh doanh chưa được đề cao; 9 – Mạnh ai nấy làm; 10 – Tái cơ cấu – Làm lại – Không biết bắt đầu từ đâu!?

Tại TP Cần Thơ, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ tám điểm bán hàng nông sản an toàn (22,8 triệu đồng/điểm) nhưng vài tháng sau, có 3/8 điểm ngừng hoạt động do những nguyên nhân nêu trên.

Ông Tám Bi (Nguyễn Văn Bi), giám đốc HTX rau an toàn Hoà Phát, Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, HTX có diện tích hơn 5ha, cung cấp hơn 3 tấn rau an toàn mỗi ngày, nhưng chủ yếu bán cho các chợ đầu mối ở Ô Môn, Tân An với giá tương đương với các loại rau cùng loại; trong khi sản xuất an toàn chi phí cao hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn.

Nhiều HTX,  THT sản xuất theo hướng an toàn như ông Bi cũng đồng tình. “Bán trong siêu thị bị giam vốn, thủ tục phức tạp, thật ra giá cũng không cao hơn được bao nhiêu.

Với các HTX sản xuất thì vấn đề thị trường đang là khâu khó nhất”, ông Triệu Công Đỉnh, đại diện HTX rau an toàn Long Tuyền, Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, nói.

TS Lê Đăng Trung, CEO Real-Time Analytics (RTA) nêu hai rào cản trong thực tế sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản: người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch hay không, thiếu lòng tin và có quá nhiều khâu trung gian.

Cần làm gì?

TS Lê Đăng Trung gợi ý ứng dụng smartphone vào quản lý sản xuất và kết nối thị trường.

Thông qua công cụ này, giúp được người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm họ đang dùng có phải sạch, an toàn hay không.

Đồng thời, người sản xuất cũng có được công cụ, tự tin rằng sản phẩm mình làm ra thật sự sạch.

Để làm được điều này, TS Trung cho rằng đó là trách nhiệm của những người nghiên cứu, nhà sản xuất, tiêu dùng, các đơn vị truyền thông… Cần có sự liên kết chặt chẽ và cam kết lâu dài.

Ông Minh Phạm, ban quản lý NOCNDeal  (Mỹ) nói: “Muốn đưa hàng qua Mỹ, chúng ta cần nghiên cứu các tiêu chuẩn nông sản của Mỹ (Global GAP, hữu cơ thì quá tuyệt). Cách giúp sản phẩm có đầu ra cần quyền lực của truyền thông, hệ thống bán lẻ. Sắp tới, tôi sẽ gặp gỡ các đơn vị sản xuất hàng sạch để tìm cách đưa hàng ra thị trường nước ngoài”.

Anh Trần Vĩ Dân, giám đốc công ty Lợi Lợi Dân, sản xuất lưới sinh học phục vụ nông nghiệp để phòng trừ côn trùng trong sản xuất nông nghiệp, cho biết: vùng trồng mận An Phước ở Tân Lộc, dùng lưới sinh học phủ vườn cây.

Ruồi vàng không phá hại và giúp hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí thấp hơn nhà kính rất nhiều.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, DNTN Hồ Quang, chia sẻ thêm mô hình trồng lúa thơm – tôm sạch, nấm xanh – nấm trắng và chương trình nông dân trở thành nhà khoa học, nói rằng: muốn xây dựng mạng lưới sản xuất sạch, chỉ với những tiến bộ kỹ thuật đơn giản có thể giảm rất nhiều chi phí.

Theo ông, mạng lưới nên mở rộng và mời các nhà khoa học đã về hưu cùng tham gia.

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm BSA nhận xét, hiện nay, xã hội có tâm trạng chung là khủng hoảng niềm tin, bắt đầu từ thực phẩm, những món ăn hàng ngày.

Có rất nhiều người trồng sản phẩm sạch, có rất nhiều câu chuyện hay, nhưng chưa có sự tập hợp thành hệ thống. Mạng lưới thành lập để trả lời câu hỏi, quá nhiều người cần, quá nhiều người sản xuất nhưng chưa thể kết nối được cung –  cầu.

Vậy nên cần cung cấp mạng lưới thông tin, là sự lựa chọn có nhận thức, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để có thể truy nguyên nguồn gốc… Điều đó chỉ làm được khi mỗi người tham gia thật sự muốn làm.


Diện mạo mới trên đất Tổ Diện mạo mới trên đất Tổ Xử lý vật tư nông nghiệp giả, chất cấm công phá vào 4 mũi Xử lý vật tư nông nghiệp giả, chất…