Mô hình kinh tế Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Môi Hở Răng Lạnh

Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Môi Hở Răng Lạnh

Publish date Saturday. March 24th, 2012

Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Môi Hở Răng Lạnh

Khoảng cách quá xa

Tại cánh đồng tôm rộng bát ngát ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, dù đang thời điểm chính vụ nhưng không khí làm ăn lạnh ngắt. Số hồ tôm nằm trơ đáy chiếm phần lớn. Hỏi ra thì biết, do dịch bệnh suốt nhiều năm qua khiến các chủ hồ tôm kiệt quệ, không còn khả năng đầu tư thả nuôi vụ mới.

Lang thang mãi trên những bờ tôm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra vài hồ đang thả nuôi. Anh Phan Tư (43 tuổi) ở thôn Minh Tân Nam tiếp chúng tôi trong căn chòi tôm ọp ẹp. Với gương mặt buồn, anh Tư cho biết: “Suốt mấy vụ qua, người nuôi tôm ở đây liên tiếp thua. Thua quá nóng mặt, vụ này tui quyết gỡ gạc. Nhưng 1.500 m2 hồ mới thả giống 1 tháng  đã có hiện tượng tôm chết chìm dưới đáy”.

Tôi hỏi: “Vậy anh đã báo cáo với cán bộ thú y thủy sản chưa?”. “Báo cáo làm gì, bởi vì nếu có báo cũng chẳng ai tới. Suốt 3 năm nuôi tôm ở đây chưa bao giờ tui thấy mặt mấy ông cán bộ thú y về đồng tôm để can thiệp dịch bệnh. Có chăng là ở những lớp tập huấn chung chung, lâu lâu mới được tổ chức. Mình làm mình chịu thôi”, anh Tư chua chát nói.

Cũng theo anh Tư, mỗi khi tôm dính dịch bệnh, người nuôi quá nóng ruột chỉ còn biết gọi điện cầu cứu cán bộ kỹ thuật của các DN cung ứng giống và thuốc thú y. Thế nhưng thỉnh thoảng họ mới có mặt. Nhưng sự có mặt của họ cũng chẳng giúp được gì.

“Tôm của mình đang bị dịch, họ đến “bắt bệnh” xong, tư vấn cho mình mua hàng loạt loại thuốc. Thế nhưng sau khi “tra” thuốc, lũ tôm vẫn lăn đùng ra chết trắng hồ. Tui nuôi tôm ở đây đã 5 năm, vậy nhưng chưa bao giờ thấy cán bộ thú y thủy sản đến thăm hỏi mỗi khi tôm bị bệnh. Nếu như có họ hướng dẫn cụ thể phương cách phòng trừ thì tụi tui đỡ biết mấy, khỏi tiền mất tật mang”, anh Bùi Văn Tiết, người có 2 hồ tôm rộng 5.000m2 bức xúc.

Mộ Đức là huyện nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi, tập trung tại 2 xã Đức Minh (51,4 ha) và Đức Phong (43,5 ha). Trong thời gian gần đây, năm nào Mộ Đức cũng bị thiệt hại 40- 50 ha diện tích nuôi tôm. Tôm thường có triệu chứng đỏ thân, lờ đờ rồi rớt đáy chết hàng loạt. Ông Nguyễn Đức Lam, cán bộ thủy sản huyện Mộ Đức cho biết: “Huyện chỉ có 1 cán bộ thú y thủy sản. Khi tôm đã bệnh là lập tức tràn lan, 1 người không thể chạy xuể. Cán bộ thú y thủy sản của huyện chỉ là cho có, chứ không lo được gì cho người nuôi. Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, dân đối phó bằng kinh nghiệm là chính”.

"Tôm bị bệnh, đổ thuốc xuống hồ là xong" ?

Người nuôi tôm ở Quảng Ngãi không thể chống chọi với dịch bệnh nên thiệt hại rất lớn. Diện tích tôm nuôi bị dính dịch ngày càng tăng cao, trong khi số hồ nuôi giảm dần. Nếu như năm 2008 có 777 ha nuôi tôm thì 143 ha bị bệnh. Sang năm 2010, diện tích nuôi giảm còn 617 ha, diện tích tôm bị bệnh lại tăng lên 205 ha.

“Trong bối cảnh tôm liên tục bị dịch bệnh gây thiệt hại, người nuôi tôm chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cán bộ thú y thủy sản. Không biết đến khi nào chúng tôi mới có được sự giúp đỡ cần thiết!”, ông Phan Tư than thở.

Thảm hại nhất là năm 2011, diện tích nuôi tôm giảm mạnh, chỉ còn 590 ha; diện tích tôm bị bệnh tăng vọt đến 216 ha. Năm qua bệnh tôm diễn biến phức tạp, nhất là ở giai đoạn từ 10- 40 ngày sau khi thả nuôi. Tôm thường có biểu hiện đốm trắng, đỏ thân, phân trắng, bơi lờ đờ rồi chết dần. Đặc biệt, mức độ lây nhiễm rất nhanh và gây thiệt hại từ 70- 100%. Ngành chức năng xác định, có 3 “con đường” đưa mầm bệnh đến với con tôm là giống, môi trường và thức ăn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Bàn về con giống, chúng tôi được bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó trưởng phòng NTTS, Sở NN- PTNT Quảng Ngãi cho biết: “Mỗi năm, nhu cầu về con giống tôm ở Quảng Ngãi là trên 1.500 triệu con. Trong khi đó, lượng giống SX tại địa phương chỉ đạt từ 50- 150 triệu con. Vì thế giống được mua gom từ rất nhiều nguồn, trôi nổi không rõ nguồn gốc. Việc kiểm tra, kiểm soát nhằm sàng lọc, loại bỏ con giống mang mầm bệnh chưa được thực hiện triệt để”.

Xác định chất lượng tôm giống là 1 trong những yếu tố quyết định cho sự thành bại của nghề nuôi tôm, do đó lãnh đạo Sở NN- PTNT yêu cầu ngành thú y phải chú trọng công tác xét nghiệm bệnh thủy sản (mầm bệnh virus) trên tôm giống bằng máy móc hiện đại, không thể kiểm dịch cảm quan bằng mắt thường.

Sở NN-PTNT đã chỉ đạo kiểm dịch tôm giống, cần làm luôn xét nghiệm mới có thể khẳng định là giống không mang virus nhằm hạn chế dịch bệnh do giống gây ra. “Ngành thú y vừa được bàn giao 2 máy xét nghiệm từ Chi cục Quản lý chất lượng thủy sản (cũ). Xét nghiệm giống không phải đưa đi đâu xa. Nếu con giống được xét nghiệm tốt thì khi tôm bị bệnh, chúng ta có thể loại trừ yếu tố do con giống gây ra. Khi ấy tập trung đối phó với các nguyên nhân khác sẽ đạt hiệu quả cao hơn, ngành NTTS của tỉnh sẽ được giảm thiệt hại. Thế nhưng trong thời gian qua không biết bên ngành thú y có thực hiện không?”, bà Đông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ngãi cho biết một sự thật “trớt quớt”: “Muốn xét nghiệm tôm giống chúng tôi phải mua bộ “kít”, mỗi bộ có giá gần 40 triệu đồng với khoảng 2.000 mẫu. Thời hạn sử dụng bộ "kít" này chỉ có 1 năm, nếu để quá hạn sẽ bỏ. Chúng tôi ngại mua bộ “kít” về sử dụng không hết phải bỏ đi thì phí. Vì tiết kiệm nên chúng tôi chưa thực hiện. Khi nghi ngờ tôm có bệnh nguy hiểm, chúng tôi đưa mẫu ra Đà Nẵng làm xét nghiệm”.

Hiện cán bộ biên chế của Chi cục Thú y có đến 86 người. Nhưng chỉ có 7 cán bộ thú y thủy sản, trong đó 5 người cắm chốt ở huyện và 2 ở văn phòng. Chúng tôi đặt câu hỏi liệu như vậy có đủ nhân lực quán xuyến hết 590 ha tôm nuôi trên địa bàn toàn tỉnh? Ông Tuấn khẳng định: “Không có gì phải lo, bởi khi tôm bị dịch bệnh chết, chỉ cần mang thuốc đến đổ xuống hồ tôm bị bệnh xử lý là xong”.

Chúng tôi lại hỏi: “Lực lượng mỏng, vậy mỗi khi tôm bị dịch bệnh ngành thú y có phối hợp với ngành nuôi trồng thủy sản trong công tác khắc phục?”. Ông Tuấn lắc đầu: “Chúng tôi chỉ báo cáo tình hình lên lãnh đạo Sở chứ không phối hợp làm việc với Phòng NTTS, việc của chúng tôi thì chúng tôi làm”.

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó trưởng phòng NTTS cũng cho biết: “Nhiều khi thông tin về tình hình dịch bệnh tôm diễn biến trên địa bàn chúng tôi cũng không được biết. Do vậy, từ hồi nào đến giờ tôi chưa thấy 2 bên có sự phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm”.


Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Giải Pháp Chống Dịch Chưa Đủ Tầm Rệu Rạo Thú Y Thủy Sản: Giải Pháp… Hàng Việt Về Biên Giới Tây Nam: Còn Chờ Bán Lúa! Hàng Việt Về Biên Giới Tây Nam: Còn…