Mô hình kinh tế Sẵn Sàng Trả Giá Cao Cho Gạo GlobalGap

Sẵn Sàng Trả Giá Cao Cho Gạo GlobalGap

Publish date Monday. November 11th, 2013

Sẵn Sàng Trả Giá Cao Cho Gạo GlobalGap

Một cuộc khảo sát cho thấy, có 60% số ý kiến được hỏi đồng ý trả giá cao hơn thị trường để được dùng gạo GlobalGap - thực hành sản xuất nông ngiệp tốt.

Đây là thông tin được nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học An Giang đưa ra sau khi đã có một cuộc khảo sát với 450 người tiêu dùng và 20 nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến tiêu chuẩn 4 sao tại Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ, TPHCM về nhu cầu tiêu thụ gạo GlobalGap.

Theo nhóm khảo sát, mức độ quan tâm sử dụng gạo của người tiêu dùng lâu nay chủ yếu quan tâm đến chất lượng như thơm, dẻo, mềm và người tiêu dùng hài lòng với chất lượng, giá cả gạo đang sử dụng.

Tuy nhiên, mức độ trung thành với một loại gạo của người tiêu dùng không cao vì số người cho biết họ sẵn sàng hoặc chuyển sang dùng một loại gạo khác. Trong số những người khảo sát chỉ có 10% người tiêu dùng biết về gạo GlobalGap. Tuy nhiên, có 78% số người được hỏi mong muốn gạo GlobalGap có trên thị trường, có 60% trong số này đồng ý trả giá cao hơn cho gạo đạt GlobalGap.

Đối với những nhà hàng, khách sạn nằm trong khảo sát này thường chọn gạo Thái Lan (không có thương hiệu cụ thể) với mức giá 13.000- 15.000 đồng/kg. Tiêu chí để chọn gạo là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có một ít các nhà hàng, khách sạn biết về gạo GlobalGap.

Theo chủ các nhà hàng khách sạn, việc họ có chuyển sang mua gạo GlobalGap hay không là phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai. Trong trường hợp người tiêu dùng thích ăn gạo GlobalGap thì các nhà hàng, khách sạn chấp nhận trả giá cao hơn giá gạo thông thường từ 1.000 đến 5.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thành Long, trưởng nhóm nghiêm cứu cho biết, mặc dù những sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGap nhưng phía tổ chức chứng nhận GlobalGap lại không cho ghi tên GlobalGap trên bao bì sản phẩm gạo bán ra. Vì thế, theo ông Long đây chính là một trở ngại để gạo GlobalGap ra thị trường.

”Nếu dòng chữ GlobalGap không được ghi trên bao bì, như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp muốn tiếp thị được sản phẩm phải có nguồn tài chính đủ lớn thì mới hy vọng thành công”, ông Long nói.

Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, theo quy định hiện hành thì việc quản lý GlobalGap hay VietGap thuộc quản lý của Cục Trồng trọt. Còn việc doanh nghiệp có được ghi dòng chữ GlobalGap trên bao bì sản phẩm hay không là do những thương lượng giữa hai bên có liên quan với nhau.

Theo ông Tùng, hiện diện tích trồng lúa theo GlobalGap của Việt Nam chỉ có vài chục ngàn héc ta. Nguyên nhân là do phí chứng nhận cao, khoảng 200 triệu đồng cho một diện tích khoảng 20 héc ta và sau một năm phải chứng nhận lại nên một số doanh nghiệp sản xuất gạo theo GlobalGap chỉ làm một lần rồi thôi.

“Gạo sản xuất GlobalGap thực chất là gạo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tương tự như những quy định về an toàn thực phẩm hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam nhiều người dân cứ mặc định rằng cứ làm GlobalGap là gạo ngon, bán được giá cao. Vì thế, khi sản phẩm làm ra không bán được với giá cao trên thị trường thì họ không làm nữa”, ông Tùng nói.

Ngày 7-11, Đại học mở TPHCM đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về khảo sát nhu cầu tiêu thụ nội địa của sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGap do thạc sĩ Nguyễn Thành Long, giảng viên Đại học An Giang, trưởng nhóm nghiên cứu trình bày. Đây là dự án do Sở NN&PTNT An Giang tài trợ nghiên cứu.


Bắp Không Hạt, Dân Lãnh Đủ Bắp Không Hạt, Dân Lãnh Đủ Sa Pa Mở Rộng Diện Tích Trồng Atiso Lên Gần 48 Ha Sa Pa Mở Rộng Diện Tích Trồng Atiso…