Sản xuất lúa sạch theo hướng giảm phát thải
Mô hình sản xuất lúa bằng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) theo hướng giảm phát thải ở huyện Núi Thành đã mở ra triển vọng mới cho nông dân trong việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn.
Mô hình ICM được tài trợ bởi Dự ánTrường Sơn Xanh thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành thực hiện. Trên diện tích 1.000m2 triển khai mô hình ICM và diện tích ứng dụng khoảng 5ha bằng giống Thiên ưu 8 tại thôn Thọ Khương (Tam Hiệp), mô hình thu hút sự tham gia của 30 hộ nông dân. Với mô hình ICM, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn quy trình sản xuất, cách làm đất, sạ cấy, chăm bón, phòng ngừa sâu bệnh cho người dân. Kỹ sư Hà Văn Tâm, cán bộ phụ trách trồng trọt Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện chia sẻ, khi thực hiện mô hình, điểm mới là cán bộ phụ trách phải quan tâm hướng dẫn nông dân khái niệm về quản lý dịch hại tổng hợp; cách điều tra, phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trong từng giai đoạn. “Nông dân chỉ xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi các đối tượng dịch hại vượt quá tầm kiểm soát của thiên địch mà thời tiết có lợi cho sâu bệnh phát triển.
Nhờ vậy, lượng thuốc bảo vệ thực vật phun giảm 2 lần so với ruộng đối chứng. Kết quả sau 3 tháng thực hiện mô hình (từ tháng 5 đến tháng 8.2018), năng suất cây lúa đạt 60 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha, lợi nhuận tăng so với ruộng đối chứng hơn 277.000 đồng/sào (tương đương 5,5 triệu đồng/ha). Điều quan trọng là nhờ ứng dụng mô hình (ICM) nên tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh giảm, nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” - ông Tâm nói.
Những tín hiệu từ vụ lúa ứng dụng mô hình ICM đã tạo được sự phấn khởi lớn cho các hộ dân tham gia. Ông Hà Trung Phong, nông dân thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp) cho hay, nhờ thực hiện mô hình, nông dân bắt đầu nắm một cách khoa học, bài bản về đặc tính sinh học cây lúa, hiểu được việc gieo sạ mật độ thưa hợp lý sẽ ít sâu bệnh hơn cũng như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. “Thực hiện mô hình này, chúng tôi nhận thấy trên ruộng lúa số lượng thiên địch phong phú hơn như nhện, bọ rùa đỏ, chuồn chuồn kim, bọ xít nước, bọ ba khoang. Đây là những loại côn trùng tiêu diệt sâu bệnh hại lúa, mà lâu nay nhiều người trong chúng tôi không để ý đến lợi ích của chúng. Khá bất ngờ khi ứng dụng kỹ thuật được tập huấn, vừa tiết kiệm chi phí, công sức do ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, mà thu về năng suất có phần nhỉnh hơn so với cách làm truyền thống” - ông Phong nói.
Qua thực tế, mô hình ICM trên cây lúa theo hướng giảm phát thải tại thôn Thọ Khương đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, thể hiện qua việc giảm chi phí đầu tư, giảm lượng giống, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, cây lúa vẫn cho năng suất cao, chất lượng gạo sạch. Hiệu quả từ mô hình đã mở ra kỳ vọng cho việc ứng dụng rộng rãi vào sản xuất trên địa bàn huyện Núi Thành trong thời gian tới. “Đây là chương trình hết sức thiết thực đối với nông dân, chúng tôi đề nghị các địa phương duy trì và ứng dụng rộng rãi mô hình này trong những vụ tiếp theo. Chúng tôi cũng đề nghị Dự án Trường Sơn Xanh tiếp tục đầu tư kinh phí, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức nhiều mô hình ICM trên cây lúa theo hướng giảm phát thải để nông dân có điều kiện học tập và ứng dụng rộng rãi mô hình” - kỹ sư Hà Văn Tâm nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao