Mô hình kinh tế Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó

Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó

Publish date Saturday. September 21st, 2013

Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề sản xuất rau theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn gặp một số khó khăn.

Sản xuất theo hướng an toàn

Là địa phương được ngành Nông nghiệp định hướng sản xuất rau an toàn, xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) có hơn 25ha đất trồng rau. Tuy nhiên, phần lớn vùng rau ở địa phương có quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình với diện tích trung bình từ 400 - 700m2/hộ. Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết: “Từ năm 2005, Chi cục Bảo vệ thực vật và xã đã định hướng cho người dân sản xuất rau an toàn. Nhiều lớp tập huấn về biện pháp sản xuất rau an toàn như VietGAP, IPM… đã được triển khai. Xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất rau an toàn để thu gom rau của các hộ gia đình đi tiêu thụ trong siêu thị và các chợ đầu mối”.

Nhiều hộ dân ở xã Cam Phước Đông cho biết, sản xuất rau có thu nhập cao và ổn định hơn sản xuất lúa. Người dân thường sản xuất các loại rau ăn lá có nhu cầu tiêu thụ lớn như: Cải, mồng tơi, rau thơm, xà lách... Từ khi được tập huấn sản xuất rau theo hướng an toàn, người dân đã bỏ dần thói quen sử dụng nhiều phân bón hóa học. Anh Hồ Trọng Phương (thôn Trà Sơn) chia sẻ: “Trước đây, người làm rau thường sử dụng nhiều phân hóa học, phân chuồng, thuốc trừ sâu; thậm chí gần thu hoạch còn bón đạm để rau có màu xanh.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, chúng tôi không sản xuất rau như trước, mà sản xuất theo hướng an toàn như: Sử dụng phân bón vi sinh, khoảng cách thời gian bón phân cho đến khi thu hoạch phải từ 10 - 15 ngày…”. Gia đình anh Phương có hơn 700m2 đất trồng rau. Với mỗi luống rau có diện tích khoảng 10 m2, anh thu về khoảng 350.000 - 500.000 đồng. Một lứa rau (từ khi cấy giống đến thu hoạch) chỉ khoảng trên dưới 1 tháng.

Nhiều năm nay, người dân xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) cũng được vận động, hướng dẫn sản xuất rau an toàn theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách). Bà Nguyễn Thị Tặng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Xã có hơn 5ha sản xuất rau với năng suất 1,9 tấn/ha/năm. Do có lợi thế về thị trường tiêu thụ là TP. Nha Trang nên nhiều hộ gia đình cũng tập trung đầu tư sản xuất rau theo hướng an toàn. Chi cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu thử nhiều lần tại địa phương nhưng đều không thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất rau an toàn Tiến Ra (xã Cam Phước Đông), khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc sản xuất rau an toàn là vấn đề chứng nhận rau đảm bảo an toàn. Người dân đầu tư để sản xuất rau an toàn nhưng khi đưa ra chợ bán thì bị đánh đồng với các loại rau không an toàn.

Do đó, thu nhập của người trồng rau an toàn chưa cao. “Chúng tôi thu gom rau của các hộ trong xã đem ra chợ bán và bỏ hàng trong siêu thị. Tuy là rau sản xuất theo hướng an toàn nhưng do chưa có giấy chứng nhận nên giá bán rất thấp”, ông Tiến bày tỏ. Ông Cao Hữu Lý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Đông cũng cho biết: “Vận động người dân sản xuất rau an toàn nhưng khi bán thì không phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau không an toàn.

Chúng tôi cũng chưa được hướng dẫn cách làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm này. Vì vậy, mong các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong vấn đề này”. Ngoài ra, tuy có diện tích đất sản xuất rau khá lớn nhưng vùng rau của xã Cam Phước Đông lại nằm trong vùng dân cư. Vì vậy, chủ trương xây dựng vùng sản xuất rau an toàn có quy mô lớn để đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.

Người dân xã Vĩnh Thạnh cũng đang gặp khó về nguồn giống cho sản xuất rau an toàn. Do mua phải giống không thuần chủng, không đảm bảo chất lượng nên năng suất rau của các hộ dân đạt thấp. Nguồn giống rau mà người dân tự sản xuất nhiều lần cũng bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, người dân mong ngành Nông nghiệp quan tâm vấn đề giống, đảm bảo chất lượng cho việc sản xuất rau an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản: “Việc quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cần sự hỗ trợ của nhiều ban, ngành về cơ chế, chính sách, biện pháp khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nông dân, cơ sở chế biến nông sản và người tiêu dùng cũng là động lực để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người nông dân và quan trọng là để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi đang triển khai dự án rau sạch tại xã Ninh Đông (Ninh Hòa) với sự liên kết sản xuất tiêu thụ giữa nông dân, các siêu thị và cơ sở chế biến nông sản”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường thực hiện các biện pháp sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, nông dân thông qua hợp tác xã và các hình thức phù hợp trong vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn…


Tiềm Năng Thủy Sản Ở Than Uyên (Lai Châu) Tiềm Năng Thủy Sản Ở Than Uyên (Lai… Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore Lợi Ích Của Mô Hình Trồng Lúa GroMore