Mô hình kinh tế Sản Xuất Rau Sạch Cần Giám Sát Dư Lượng Hóa Chất

Sản Xuất Rau Sạch Cần Giám Sát Dư Lượng Hóa Chất

Publish date Thursday. February 20th, 2014

Sản Xuất Rau Sạch Cần Giám Sát Dư Lượng Hóa Chất

Toàn tỉnh Gia Lai có 23.000 ha đất trồng rau, phân bổ tại các địa phương như: Đak Pơ, Pleiku, An Khê, Ayun Pa, Đak Đoa, Phú Thiện, Kbang và Ia Grai… Các loại rau sản xuất ra không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế…

Những năm trước đây, nông dân sử dụng hóa chất, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật với số lần phun 8-10 lần/một vụ rau. Vì vậy, không đảm bảo thời gian cách li, dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong rau xanh không giảm bớt đã gây ngộ độc cho người tiêu dùng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất.

Trước thực trạng này, từ năm 2011 đến năm 2013, được sự hỗ trợ của dự án cạnh tranh nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã thực hiện chương trình phân tích, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau, củ, quả và trái cây tại các vùng trọng điểm rau xanh.

Năm 2011, Chi cục Bảo vệ Thực vật và nông dân đã phân tích định tính cho 2.100 mẫu rau xanh các loại. Năm 2012 tiếp tục phân tích 2.352 mẫu và năm 2013 cũng thực hiện phân tích định tính 1.470 mẫu rau. Bên cạnh đó, còn phát 1.500 phiếu điều tra tình hình sử dụng hóa chất trên rau-quả.

Kết quả phân tích mẫu năm 2013 cho thấy, trong 735 mẫu rau ăn lá thì phát hiện 9 mẫu có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vượt định mức cho phép; 385 mẫu rau ăn quả thì có 5 mẫu vượt mức cho phép và 211 mẫu trái cây thì có đến 11 mẫu vượt. Điều đáng mừng là 112 mẫu rau ăn củ không phát hiện trường hợp nào vượt.

Đối chiếu con số trên với kết quả phân tích mẫu năm 2012 có đến 32 mẫu rau ăn lá, 29 mẫu rau ăn quả và 8 mẫu rau ăn củ vượt mức cho phép thì đến năm 2013 số mẫu vượt dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã giảm hẳn.

Kết quả phân tích năm sau giảm hơn năm trước nên so với năm 2013 nhóm rau ăn lá có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức an toàn giảm từ 3,17% năm 2011 xuống còn 1,22%; rau ăn củ giảm từ 4,11% xuống còn 0% và nhóm trái cây giảm từ 11,34% xuống còn 5,6%.

Trong tổng số 4 nhóm rau trên, trái cây là loại vượt mức an toàn cao nhất. Điều này cũng dễ hiểu bởi trái cây là mặt hàng không phải trồng ở tỉnh mà chủ yếu nhập từ tỉnh khác về hoặc mua ở các chợ đầu mối nên rất khó kiểm soát.

Cùng với việc hỗ trợ phân tích, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về việc sử dụng các thiết bị phân tích nhanh, giúp nông dân trồng rau từng bước tiếp cận và sản xuất rau đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn.

Sử dụng các hóa chất phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, quá lạm dụng và phụ thuộc các sản phẩm này trong sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Do vậy việc giám sát dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả và trái cây có tác dụng rất lớn, góp phần giúp người trồng rau sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.


Toàn Tỉnh Đã Phát Triển Hơn 20.800 Hécta Cà Phê Toàn Tỉnh Đã Phát Triển Hơn 20.800 Hécta… Giá Mì Có Lợi Cho Nông Dân Giá Mì Có Lợi Cho Nông Dân