Tin thủy sản Sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng bằng công nghệ phân tử

Sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng bằng công nghệ phân tử

Author Kim Sơ - Minh Hậu, publish date Tuesday. November 9th, 2021

Sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng bằng công nghệ phân tử

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 hợp tác với Đại học USC (ÚC) đã sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng quý hiếm trên thế giới bằng công nghệ phân tử.

Bước đầu nuôi sinh trưởng, phát triển tốt

Ngày 14/4, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 (Viện III) phối hợp với Đại học USC (Úc) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án Nâng cao sản xuất hải sâm giá trị cao thông qua công nghệ phân tử.

Theo đó, dự án trên xuất phát từ ý tưởng dự án: Thế mạnh của hợp tác giữa USC và Viện III về nghiên cứu hải sâm.

Tại Việt Nam, hợp phần đã lựa chọn hải sâm vú trắng (Holothuria fuscogilva) để nghiên cứu sản xuất giống và thử nghiệm ương nuôi do TS Nguyễn Đình Quang Duy (Viện III) làm chủ nhiệm.

Theo Giáo sư Abigail, USC (Úc), hải sâm vú trắng là một loài có giá trị kinh tế cao, và Viện III là nơi nghiên cứu về sinh sản ở hải sâm cát nên rất thích hợp để nghiên cứu hải sâm vú trắng do có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Hiện nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam cần tới 20 triệu hải sâm con. Nhưng hiện tại chỉ có khoảng 1 triệu con giống sâm cát. Vì vậy việc nhân giống hải sâm vú trắng là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời làm tăng giá trị kinh tế của hải sâm.

Với việc sử dụng hóc-môn sản xuất tại USC được chiết xuất từ dây thần kinh của chính loài hải sâm, sau đó được cấy vào nấm mem nhân lên với quy mô lớn trong phòng thí nghiệm, hóc-môn này có hiệu quả kích thích sinh sản cao và không ảnh hưởng đến sức khỏe của con hải sâm bố mẹ.

TS Nguyễn Đình Quang Duy xác nhận, việc sử dụng hóc-môn thay cho phương pháp truyền thống đã kích thích sinh sản hải sâm vú trắng thành công vượt trội.

Theo đó, công nghệ đã sản xuất gần 20.000 con giống phục vụ các thí nghiệm và nuôi thử nghiệm thương phẩm trên lồng bè tại Khánh Hòa và Quảng Ninh với 3 hộ dân tham gia.

Kết quả sau 8 tháng nuôi, hải sâm vú trắng đạt kết quả tốt. Cụ thể, từ con giống với trọng lượng khoảng 0,3 gram đã nuôi lên đạt trọng lượng 60 gram và tỷ lệ sống đạt 92%.

Về kết quả bước đầu thả nuôi thử nghiệm hải sâm vú trắng trên lồng bè, anh Nguyễn Đức Thoại, ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho hay, hải sâm sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Do đó, anh mong muốn dự án tiếp tục nhân giống trên diện rộng để phục vụ cho người nuôi có nhu cầu.

TS Nguyễn Đình Quang Duy chia sẻ: Kết quả dự án bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan khi sản xuất thành công hải sâm vú trắng, loài có giá trị kinh tế cao gấp 5 lần so với hải sâm cát. Đồng thời mở ra cơ hội tạo sinh kế cho người nuôi trong thời gian tới, cũng như sẽ giảm áp lực khai thác hải sâm vú tự nhiên đang có nguy cơ tuyệt chủng, góp phần bảo vệ môi trường...

Ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa USC và Viện III đã sản xuất thành công hải sâm vú trắng bằng phương pháp mới, mở ra cơ hội sản xuất hải sâm có giá trị cho ngành hàng này.

Không những thế, khi thị sát trại hải sâm nuôi trên biển ở Vạn Ninh, ông càng thấy rõ mục tiêu dự án rất rõ ràng, bước đầu tạo ra ngành nghề mới cho người nuôi, cũng như sẽ giảm áp khai thác hải sâm trong tự nhiên, từ đó bảo vệ môi trường tốt hơn.

Giảm áp lực khai thác tự nhiên, mở cửa mới về kinh tế

Tại hội thảo, đại diện Sở NN-PTNT Quảng Ngãi bày tỏ quan tâm về việc ứng dụng kết quả sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng. 

Theo đại diện này, hiện Quảng Ngãi chưa có mô hình nào nuôi hải sâm vú trắng. Còn hải sâm cát đã được nuôi trên địa bàn khoảng 3 năm nay với kết quả phát triển tốt, hiệu quả. Do đó, tỉnh Quảng Ngãi đang có định hướng phát triển hải sâm cát trên diện rộng.

GS. TS Ngô Xuân Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết, công nghệ kích thích sinh sản bằng hóc-môn hiện Việt Nam áp dụng chưa nhiều.

Vì vậy, với việc sản xuất thành công hải sâm vú trắng bằng công nghệ này thật sự mang tính đột phá, mở ra cơ hội cũng như tạo sinh kế sinh nhai cho người nuôi trồng. Tuy nhiên để công nghệ sản xuất hải sâm vú trắng thành công hơn, cần tiến tới thương mại hóa.

Đối với hải sâm vú trắng, địa phương mong muốn trong năm 2021 này có được con giống để thả tại khu bảo tồn biển Lý Sơn và sớm tiếp cận công nghệ nghiên cứu sản xuất giống hải sâm vú trắng.

Liên quan việc thả giống hải sâm vú trắng tại khu bảo tồn biển Lý Sơn, TS Trương Hà Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện III cho biết, dự kiến trong thời gian tới sẽ phối hợp thả giống tại khu vực này bằng nguồn giống nhân tạo.

Còn ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đánh giá, với việc sản xuất thành công hải sâm vú trắng, sẽ giúp đa dạng giống thủy sản, giảm áp lực khai thác tự nhiên, đặc biệt phục vụ cho định hướng chiến lược phát triển thủy sản trong thời gian tới.

Tuy nhiên ông Én cũng băn khoăn về việc hải sâm vú trắng thường phân bố ở độ sâu hàng chục mét nên việc thả nuôi trong lồng bè ở độ sâu thấp, liệu có thật sự mang hiệu quả?

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Quang Duy giải thích: Trước đây, hải sâm vú trắng phân bố rất nhiều ở vùng cạn. Tuy nhiên do quý hiếm và khai thác quá mức nên hải sâm ngày càng phân bố độ sâu ngày càng cao. Do đó việc nuôi hải sâm vú trắng trong lồng bè là rất khả quan, cũng như giúp cải tạo môi trường rất tốt.

Ông Lê Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cho biết, hiện công ty có nhà máy chế biến hải sâm theo tiêu chuẩn cao cấp của Nhật, Mỹ, chứ không phải chỉ chế biến phơi khô để xuất bán thô. Dù trên thị trường thế giới hiện khoảng 90% sản phẩm bán khô, nhưng công ty sẽ ra sản phẩm mà người tiêu dùng có thể mang về nhà cắt lát rồi ăn ngay.

Theo ông Nhàn, trong thời gian vừa qua, công ty đã đẩy mạnh thu mua hải sâm cát tại Phú Yên và Khánh Hòa. Công ty khẳng định với người nuôi hải sâm là đủ sức để bao tiêu sản phẩm. Bởi trong chiến lược của công ty là dành 90% sản phẩm phục vụ xuất khẩu và 10% phục vụ trong nước.

Hiện thị trường trong nước vẫn chưa quen dùng hải sâm. Điều đặc biệt, công ty chỉ dùng hải sâm nuôi chứ không dùng hải sâm tự nhiên chế biến. Tuy nhiên các sản phẩm của công ty đã xuất đi các nước Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và sắp tới sẽ mở rộng thị trường tại Mỹ, Trung Quốc…

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, Úc đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có thủy sản. Thông qua hợp tác, ngành thủy sản đã nắm bắt nhiều khoa học công nghệ mới, cũng như nâng cao năng lực, nghiên cứu.

Đối với hải sâm, trước đây nước ta sản xuất hải sâm cát bằng phương pháp truyền thống như kích nhiệt nên không chủ động được bằng phương pháp công nghệ kích thích sinh sản bằng hóc-môn với tỷ lệ tin cậy cao.

Ông Ninh tin rằng với công nghệ này, các đối tượng hải sâm quý hiếm khác sẽ được sản xuất thành công trong thời gian tới. Đồng thời, bày tỏ vui mừng khi công nghệ này đã có gắn kết doanh nghiệp. Các dự án có gắn kết với doanh nghiệp sẽ tiềm năng phát triển sản phẩm rất lớn.


Kết hợp men vi sinh và chất khử trùng Chloramine-T hiệu quả Kết hợp men vi sinh và chất khử… Phân tích chất rắn hòa tan và chất rắn lơ lửng trong nuôi trồng thủy sản Phân tích chất rắn hòa tan và chất…