Mô hình kinh tế Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Có Dấu Hiệu Chững Lại

Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Có Dấu Hiệu Chững Lại

Publish date Monday. February 24th, 2014

Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Có Dấu Hiệu Chững Lại

Dịch bệnh hoành hành, sức tiêu dùng sản phẩm thịt nội địa trong nước thấp, thịt nhập khẩu tăng… khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) năm nay có dấu hiệu chững lại.

Đây là dự báo được đưa ra trong hội nghị chuyên ngành cám gạo diễn ra ngày 21-2 tại Hà Nội.

Theo bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Công ty phân tích thị trường Agromonitor, năm 2013, tốc độ tăng trưởng sản lượng TACN công nghiệp chỉ đạt 1,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đạt gần 13,4 triệu tấn. Trong khi sản lượng thức ăn cho thủy sản tăng mạnh, tới gần 20%, mức tăng mạnh nhất từ năm 2008 trở lại đây, thì sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm lại giảm 3%.

Điều này được lý giải là do ngành thủy sản năm 2013 có tốc độ tăng trưởng tốt, xuất khẩu cao, đạt kim ngạch khoảng 6,7 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với năm 2012. Ngược lại, ngành chăn nuôi trong nước trồi sụt, đặc biệt là giá thịt heo có dấu hiệu suy giảm từ giữa năm 2012 đến giữa năm 2013. Chính vì vậy nhu cầu tiêu dùng TACN cũng giảm theo.

Sang năm 2014, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn chưa có đấu hiệu phục hồi bền vững do sức mua tiêu dùng nội địa vẫn thấp, cùng với đó là sức ép đến từ nhập khẩu bò sống đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Nhập khẩu bò sống từ Úc rồi giết mổ tại Việt Nam tăng mạnh trong năm 2013 với mức tăng gấp 4 lần về giá trị so với năm 2012. Kể từ tháng 6-2013 trở lại đây, trung bình mỗi tháng có khoảng 3.000-4.000 con bò sống được nhập về qua cảng Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) và 2.000-3.000 con nhập về qua cảng Hải Phòng, với trọng lượng trung bình mỗi con khoảng 250 kg”, bà Yến cho biết.

Một dấu hiệu nữa mà các doanh nghiệp sản xuất TACN cần quan tâm là tỉ lệ hộ nuôi sử dụng thức ăn tự trộn tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực phía Nam do giá nguyên liệu giảm trong khi giá thành TACN thành phẩm không giảm tương ứng. Điều này phần nào ảnh hưởng tới thị phần của các doanh nghiệp chế biến TACN.

Theo nhiều chuyên gia tham dự hội nghị, dự kiến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong năm nay nên ngành chăn nuôi và thủy sản sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm thịt nhập khẩu, đặc biệt là thịt bò, thịt heo và thịt gà. Điều này có thể làm tốc độ tăng trưởng sản lượng TACN chững lại trong năm 2014 và tiếp tục giảm trong những năm sau.

Cũng tại hội nghị, nhiều báo cáo chỉ ra rằng, thực tế trong những năm qua Việt Nam đã phải chi hàng tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu TACN và nguyên liệu để sản xuất.

Riêng năm 2013, nhập khẩu TACN và nguyên liệu đạt khoảng 3 tỉ đô la Mỹ và dự báo được Bộ Công Thương đưa ra cho thấy trong 2 năm tiếp theo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng này trung bình vẫn tăng 20% mỗi năm.

Làm thế nào để tạo nguồn cung nguyên liệu trong nước cho sản xuất TACN, tiến tới giảm chi phí, hạ giá thành, là một vấn đề lớn mà các nhà sản xuất đều rất băn khoăn.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Onine, ông Lee Swee Heng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam cho hay, hiện nay chỉ có cám gạo là công ty sử dụng 100% nguyên liệu trong nước, còn những loại nguyên liệu khác như ngô, đậu tương, bột cá…đa phần đều nhập khẩu lại từ các công ty thành viên.

“Hiện cả nước tiêu thụ 12,5 triệu tấn TACN mỗi năm trong khi nguồn cung nguyên liệu trong nước quá thấp. Chính vì vậy, để có được nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan phải làm việc với nhau để có những chính sách khuyến khích nông dân sản xuất quy mô lớn, tạo nguồn cung ổn đinh, có chất lượng. Có như vậy mới tránh được tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay”, ông Lee nói.


Người Trung Quốc Thu Mua Lá Khoai Lang Người Trung Quốc Thu Mua Lá Khoai Lang Giải Pháp Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống Nước Lợ Năm 2014 Giải Pháp Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống…