Sâu Bệnh Hại Sầu Riêng
1. Bệnh thối gốc, chảy mủ do nấm Phytophthorapalmivora
Triệu chứng: Nấm Phytophthora palmivora gây hại trên sầu riêng từ giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành và cây đang cho trái, trên rễ, thân, lá và trái.
Trên rễ: Cây sầu riêng trồng trên vùng đất thấp, ẩm độ cao thì rễ dễ nhiễm nấm Phytophthora và thường thấy các rễ non bị thối có màu nâu đen, rễ chết dần làm cây phát triển chậm, sau đó nấm lây lan dần đến phần thân cây phía trên làm chảy nhựa thân, bộ lá chuyển màu vàng cây không phát triển và chết dần.
Trên thân, cành: Cây nhiễm bệnh có bộ lá không còn bóng mượt và chuyển màu vàng, sau đó rụng theo từng cành hay một phía của cây, bộ rễ phía dưới bị thối. Trên thân có dấu hiệu chảy nhựa ra trên bề mặt vỏ cây, vết bệnh ướt và nhựa có màu nâu, nấm thường tấn công xung quanh gốc và các cành của cây sầu riêng
Trên thân có dấu hiệu chảy nhựa ra trên bề mặt vỏ cây, vết bệnh ướt và nhựa có màu nâu, nấm thường tấn công xung quanh gốc và các cành của cây sầu riêng nếu cây bị hại nặng vết bệnh sẽ phát triển xung quanh thân chính và cành làm cho bộ lá biến màu vàng úa cuối cùng làm cây chết vì không được cung cấp dinh dưỡng. Khi cạo lớp vỏ bị bệnh ra thấy phần gỗ có màu nâu sẫm chạy dọc theo thân và cành.
Trên lá: Vết bệnh đầu tiên là những đốm đen nâu nhỏ trên mặt lávà lan rất nhanh, sau 2 ngày lá chuyển thành màu nâu và bào tử nấm lây sang lá kế cận, lá bị nhũng rồi khô dần và sẽ rụng sau vài ngày, khi có mưa kèm theo gió mạnh sẽ là điều kiện tốt cho bệnh lây lan khắp cả vườn.
Trên trái: Vết bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu nâu đen thường xuất hiện ở vị trí dọc theo chiều từ cuống trái sầu riêng trở xuống xung quanh trái, hiếm thấy vết bệnh ở phần cuối trái, sau đó phát triển thành hình tròn hay loang lỗ và có màu nâu trên vỏ trái. Khi trái già vết bệnh nứt ra và phần thịt bên trong bị thối, có rất nhiều sợi nấm màu trắng trên vết bệnh và làm trái sầu riêng rụng trước khi chín.
Đặc điểm phát sinh và phát triển của nấm Phytophthora palmivora
Nấm Phytophthora palmivora phát triển mạnh trong khoảng nhiệt độ từ 16 đến 32oC, ẩm độ không khí từ 80 đến 95 %, nhất là trong mùa mưa. Tuy nhiên, ở nhiệt độ dưới 10oC hay trên 35oC nấm ngừng phát triển.
Sự lưu tồn của nấm gây bệnh
Nấm Phytophthora palmivora thường lưu tồn trong đất dưới dạng bào tử vách dầy chúng có khả năng thích ứng và tồn tại trong điều kiện môi trường không thuận lợi. Ngoài ra, sợi nấm và bào tử còn lưu tồn trong các vết bệnh trên thân, trên cành, trên lá, trái bị bệnh và các xác bả thực vật, từ đây nấm dễ dàng phát tán khi gặp điều kiện thuận lợi.
Nguồn bệnh và lây lan
Từ nguồn bệnh ban đầu khi gặp điều kiện thích hợp như nhiệt độ thấp, mưa nhiều thì bào tử vách dầy có khả năng sinh sản động bào tử và chúng có thể bơi lội trong nước tự do đến vị trí rễ và lông hút để gây hại nhờ có 2 lông roi. Từ các vết bệnh ban đầu các sợi nấm sẽ sinh sản rất nhiều bào tử và lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa hay bị lũ lụt. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan rất nhanh trong vườn và trong cùng khu vực.
Ngoài ra, con người và côn trùng như mối, kiến nguồn cây giống cũng là những phương tiện góp phần làm lây lan và phát tán nguồn bệnh.
Biện pháp quản lý tổng hợp bệnh thối gốc, chảy nhựa và thối trái trên cây sầu riêng
* Cây giống: chọn giống, cây con và giá thể không nhiễm bệnh để trồng
* Thiết lập vườn:
- Chọn vùng đất cao để trồng sầu riêng. Ở vùng Đông Nam Bộ thiết kế mô không thấp hơn 50 cm từ mặt đất, không trồng gần và trồng trên nền đã trồng cây cao su. Ở ĐBSCL thiết kế mô cao từ 70 đến 100 cm tính từ mực nước cao nhất
- Mô đất trồng cây sầu riêng phải thấm và thoát nước tốt.
- Xử lý đất trước khi trồng bằng cách phơi nắng và các loại thuốc trừ nấm đất có gốc Fosetyl-aluminium hoặc Metalaxyl
- Khoảng cách trồng từ 8m x 8m đến 10m x 10m.
* Bón phân:
+ Giai đoạn kiến thiết cơ bản.
- Bón phân chuồng: phân gà, phân bò, phân dơi hoai mục từ 5 đến 10 kg, chia 4 lần trong năm cho mỗi cây.
- Bón phân hóa học: N:P:K:Mg, tỷ lệ 18:11:5:3 hoặc 15:15: 6: 4, liều lượng 0,3 kg, chia 4 lần trong năm cho mỗi cây, mỗi năm tăng từ 0,1 đến 0,15 kg cho mỗi cây.
+ Giai đoạn cho trái ổn định
- Bón phân chuồng: bón phân gà hoai, phân dơi, phân trâu bò từ 10 đến 20 kg cho mỗi cây trong năm, bón một lần vào giai đoạn sau thu hoạch.
- Phân hóa học: bón phân N:P:K:Mg, liều lượng từ 2 đến 3 kg cho mỗi cây vào giai đoạn sau khi thu hoạch, đoạn trước khi ra hoa từ 30 đến 40 ngày, giai đoạn trái có đường kính từ 4 đến 5 cm.
* Chăm sóc
- Tỉa cành gần mặt đất, cành nhỏ, cành vô hiệu, cành sâu bệnh, cành trong tán cây, cành mọc đứng giúp cây thông thoáng.
- Cành thấp nhất của cây không nhỏ hơn 0,7 mét từ mặt đất
- Phủ gốc bằng rơm khô hay cỏ khô, không phủ gốc bằng xơ dừa
- Không giẫm lên mặt đất của gốc cây, gây tổn thương cho bộ rễ.
- Thiết kế lối đi lại, chăm sóc cách xa hệ thống rễ.
* Tưới nước
- Thiết kế hệ thống tưới và thoát nước thật hoàn chỉnh
- Cung cấp đủ nước trong mùa nắng, thoát nước triệt để trong mùa mưa
- Tránh để ngập úng hay khô hạn
- Tưới theo xung quanh tán cây bằng nguồn nước sạch
- Thiết kế đê bao khống chế nước trong trường hợp lũ lụt
- Tưới bằng nguồn nước sạch.
* Thu hoạch
- Treo trái trên cây vào giai đoạn một tháng trước khi thu hoạch
- Thu hoạch không để trái rụng hay chạm mặt đất
* Biện pháp sinh học
Sử dụng các sản phẩm hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng, rơm khô, cỏ khô, vi sinh vật đối kháng để bón cho cây.
* Biện pháp hóa học để phòng bệnh
- Thuốc Phosphonate: Sử dụng liều lượng 30 ml bơm vào thân cho một mét đường kính tán cây 3 lần trong năm, mỗi lần cách nhau 4 tháng và dùng 10 ml thuốc trong 10 lít nước phun lên tán cây để phòng bệnh.
- Thuốc trừ nấm đất có hoạt chất Fosetyl-Aluminium hay Metalaxyl để xử lý đất, phun lên tán cây hay bôi lên vết bệnh.
Cách bơm thuốc phosphonate vào thân cây để phòng bệnh
Pha thuốc với nước sạch theo tỷ lệ 1:1 cho vào ống bơm thuốc bằng nhựa 20ml (injector) và khoá lại. Dùng khoan tay hay khoan máy với đường kính mũi khoan là 6 mm, khoan vào thân theo hướng vuông gốc với thân cây, sâu khoảng 40-50 mm, cách mặt đất từ 0,5 – 0,7 m và đưa mũi ống bơm vào lổ đã khoan, vặn mũi ống bơm theo chiều kim đồng hồ áp sát vào thân cây và mở khóa, lò xo của ống bơm nén thuốc vào thân cây. Có thể tự tạo ống bơm thuốc bằng ống chích xúc vật với vòi và ruột xe đạp.
2. Bệnh thối rễ
Do nấm Phythium complectens gây ra. Nấm tấn công vào các rễ nhánh trước khi đến rễ cái làm hư chóp rễ. Biểu hiện bên trên là các nhánh thân non bị chết dần. Sau đó, mặc dù có những chồi mới mọc ra ở bên dưới vùng chết, nhưng cây vẫn bị chết đột ngột.
Cách phòng trị: Loại bỏ bộ phận nhiễm bệnh và đốt. Khử đất bằng các loại thuốc gốc đồng trước khi gieo trồng cây con. Phun hoặc tưới Rovrral 50 WP (0,3%), Mancozeb 80 BHN (0,2%), Cuzate M8 72 WP (0,25%).
3. Bệnh nấm hồng hay mốc hồng
Do nấm Corticium salmonicolar gây ra. Nấm tạo những mảng màu hồng trên vỏ cành, đôi khi có các gai màu hồng phát triển từ các vết nứt trên vỏ thân, cành. Cành nhiễm bệnh nặng sẽ khô chết. Bệnh thường xuất hiện tháng ba của cây, trong những vườn trồng dày (tán rộng rạp), vào các tháng mưa giầm (tháng 8-10 dương lịch ), trên những cây 6 năm tuổi
Cách phòng trị: Cắt tỉa cành tạo cho cây được thoáng, cắt bỏ những cành bệnh. Phun Nustar 40 EC (0,05%), Validacin 5SC (0,3-0,5%), Score 250 EC (0,25%).
4. Bệnh thán thư
Do nấm Colletotrichum gloeosporioidess gây ra. Bệnh phát triển nhiều trên lá, tạo những đốm bệnh lõm, khô từ bìa hay chóp lá lan vào. Bệnh xuất hiện và lây lan nặng trên cây con, vườn ươm, nhất là vào đầu mùa mưa (tháng 4-6 dương lịch ) và các tháng có sương (tháng 12-2 dương lịch )
Cách phòng trị:Cắt bỏ lá bệnh, phun các loại thuốc Dithane M-45 (Mancozeb 80 BHN, Manzate 80 WP), Pencozeb 80 WP), Benomyl (Benlate 50 WP, Fundaơl 50 WP), Copper – B 65 BHN, Antracol 70WP (Propineb) để phòng trị
Ngoài ra sầu riêng còn có các bệnh đốm nâu, đốm đen trên lá gây ra bởi các loài nấm như Homostegia durionis và Phyllosticta durionis. Cách phòng trị giống như bệnh thán thư, mốc hồng.
5. Sâu đục cành
Do ấu trùng đục vào bên trong ngọn cành làm chết khô.
Cách phòng trị: Tiêm các loại thuốc trừ sâu vào lỗ đục của sâu rồi bịt kín bằng đất sét. Dùng mốc sắt để bắt sâu. Cắt bỏ những cành khô chết. Phun Sevin, Trebon nồng độ 0,2 % trước và sau khi cây ra đọt non.
6. Sâu đục trái
Sâu có màu trắng xám nhạt, lưng màu hồng nhạc đốm to,thường đục vào bên trong trái, đùn phân và mạc vỏ ra ngoài.
Cách phòng trị: Vệ sinh vườn, dọn sạch các dư thừa thực vật trong vườn. Phun các loại thuốc trừ sâu như Sevin, DDVP nồng độ 0,2% ở giai doạn trái đang phát triển, phun định kỳ 10 - 15 ngày/lần.
7. Rầy phấn
Là đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây sâu riêng. Chúng trưởng thành và ấu trùng thường sống ở mặt dưới lá và chích hút các lá non. Là bị hại thường có những chấm vàng, bị nặng lá thường bị khô, cong lại và rụng hàng loạt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa và đậu trái của cây. Rầy phấn còn tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rầy phát triển nhiều vào những tháng mùa nắng.
Cách phòng trị: Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để trừ rầy, phun thuốc khi lá non vừa mở để giảm mật số rầy. Khi mật số rầy cao, có thể dùng các loại thuốc như Butyl, Bascide, Actara, Applaud, Confidor... phun theo liều lượng hướng dẫn.
8. Bệnh cháy lá chết ngọn
Bệnh do nấm Rhizoctonia sp. gây ra, thường xuất hiện trên vườn ươm và cây trưởng thành. Ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau lan rộng dọc theo hai mép lá, làm lá không phát triển, co rúm lại đến khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết. Cây trưởng thành bị bệnh lá non khô rụng, chết ngọn. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa.
Cách phòng trị: Vệ sinh thu dọn cành lá bị bệnh dưới tán cây, tỉa cành thông thoáng. Phun các loại thuốc như Bonanza, Super Tilt, Topcin- M...
9. Phòng trừ sâu bệnh sầu riêng giai đoạn ra hoa kết trái
Trong các giai đoạn sinh trưởng của sầu riêng thì giai đoạn ra hoa, kết trái là giai đoạn rất mẫn cảm với sâu bệnh, trong đó đáng kể nhất là sâu ăn bông và sâu đục trái sầu riêng đã làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không phòng trừ kịp thời.
Sâu ăn bông: Là loài sâu hại khá phổ biến trong các vườn sầu riêng đang ra bông. Sâu thuộc Họ Limantridae, Bộ Lepidoptera. Thành trùng là một loại bướm màu vàng lợt, có chiều dài sải cánh khoảng 28-30 mm, ấu trùng màu nâu nhạt, ở giữa lưng có sọc đỏ, hai bên có sọc vàng, đầu có màu đỏ, sâu dài khoảng 10 mm. Bướm thường đẻ trứng trên các chùm bông, mỗi con có thể đẻ từ 50-60 trứng. Sâu non nở ra ăn phần cuống bông, đục vào bên trong bông, ăn cánh bông, nhụy đực và nhụy cái làm cho bông bị hư và rụng, dễ dàng nhận biết qua những lổ đục và những đám phân màu nâu đen được thải ra rất nhiều ngay cuống bông. Ấu trùng gây hại nặng nhất ở vào tuổi 3 và tuổi 4. Sâu hóa nhộng trên cây bên trong kén bằng bông kết dính lại.
Giai đoạn sầu riêng hình thành trái:
- Quan trọng nhất là sâu đục trái gây hại giai đoạn trái non và cả những trái lớn. Sâu đục trái có nhiều loài nhưng phổ biến nhất là loài Conogethes punctiferalis thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera.
-Bướm sâu đục trái tương đối nhỏ, thân dài khoảng 12 mm, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rãi rác trên các trái non. Sâu non có đầu nâu, thân mình sâu có màu trắng ửng hồng. Sau khi vũ hóa, con cái thường tiết ra Pheromone để hấp dẫn con đực.
-Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên trái non. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20-30 trứng. Sâu non khi nở bò rất nhanh và đục ngay vào trái.
Đầu tiên sâu tấn công vỏ trái sầu riêng, sau đó khi tuổi lớn, sâu tiếp tục đục vào phía trong trái. Sâu thường hóa nhộng ngay trên đường đục, gần bề mặt của vỏ trái hoặc sâu chui ra ngoài, nhã tơ, kết lá và phân thành kén rồi hóa nhộng trong kén ngay giữa các gai của trái.
Sâu có thể phá hại từ khi trái còn non đến khi già sắp chín nhưng nặng nhất khi trái bắt đầu có cơm. Sâu gây hại vào lúc trái nhỏ sẽ làm trái sẽ bị biến dạng và bị rụng sau đó, nếu tấn công vào giai đoạn trái đã phát triển thì sẽ làm mất phẩm chất của trái. Bên cạnh đó, khi bị sâu gây hại, trái thường bị các loại nấm bệnh tấn công làm thối trái. Triệu chứng để nhận diện là từng đám phân màu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lổ đục. Thường những giống sầu riêng trái chùm bị gây hại nhiều hơn trái đơn.
Biện pháp phòng trừ:
Phòng trừ sâu ăn bông và sâu đục trái phải phối hợp nhiều biện pháp:
- Trong tự nhiên, sâu đục trái có nhiều loài thiên địch như: kiến sư tử và chim sâu tấn công sâu non khi ở bên ngoài vỏ trái; bọ ngựa và nhiều loài nhện có khả năng bắt và ăn thịt bướm sâu đục trái.
- Thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn ra hoa, kết trái để phát hiện sớm sâu ăn bông và sâu đục trái.
- Thu gom và tiêu hủy những chùm hoa có sâu hoặc trái bị sâu gây hại.
- Tỉa cành hàng năm để tạo thông thoáng vườn cây.
- Tỉa bỏ bớt những trái kém phát triển trong chùm.
- Dùng bao giấy bao trái sau khi thụ phấn khoảng 1 tháng, cũng rất có hiệu quả.
- Trong chùm trái chưa bị nhiễm nên sử dụng miếng giấy cứng để chêm giữa các trái để hạn chế sự gây hại.
- Sử dụng bẫy Pheromone hấp dẫn bướm đực sâu đục trái để tiêu diệt.
- Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, sử dụng thuốc hóa học phun ngừa giai đoạn ra hoa và tượng trái. Các loại thuốc có hiệu quả đối với sâu ăn bông và sâu đục trái như: Abatin 5,4 EC, Regent 5SC, Brightin 1.8EC, Sagolex 30EC. Phát hiện phun thuốc khi sâu chưa đục sâu vào trong trái sẽ đạt hiệu quả cao.
Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc để tránh dư lượng thuốc tồn dư trong trái gây ngộ độc cho người tiêu dùng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao