Sâu bệnh trên cây thanh long, biện pháp phòng trừ
Thanh long là một trong 9 loại trái cây xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường thế giới.
Bệnh đốm nâu hại thanh long làm cành và trái đều hư hại. Ảnh: NK.
Do đó, việc phòng trừ sâu bệnh để cho trái thanh long chất lượng là một khâu rất quan trọng.
4 dịch hại nguy hiểm
Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước, với diện tích lên đến gần 30.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 600.000 tấn/năm. Hiện thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm từ 70-80% tổng sản lượng. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều dịch hại nguy hiểm cây trên thanh long xuất hiện khiến nhà vườn "đau đầu".
Theo các nông dân trồng thanh long, hiện 4 dịch hại nguy hiểm cây trên thanh long đó là bệnh đốm nâu, vàng cành, thối rễ teo tóp cành và ốc sên gây hại.
Đối với bệnh đốm nâu thường phát sinh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, ẩm độ không khí cao, nhất là vào mùa mưa. Do đó, những vườn trụ thanh long rậm rạp thường bị hại nặng. Biểu hiện bệnh này, trên thân cành khi mới xuất hiện là các vết lõm màu trắng (nhiều nơi gọi là bệnh đốm trắng, tắc kè). Sau đó vết bệnh nổi lên thành những đốm tròn màu nâu như mắt cua. Khi bệnh phát triển mạnh, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành thanh long sần sùi, gây thối khô từng mảng. Tương tự, trên quả triệu chứng cũng như trên thân cành, những đốm nâu làm cho vỏ quả sần sùi thối khô từng mảng.
Bệnh vàng cành xuất hiện trên cây thanh long vào mùa nắng, khi thời tiết thay đổi thất thường. Bệnh xuất hiện ở khắp vườn thanh long trên địa bàn tỉnh, tập trung ở vườn thanh long 7 năm tuổi trở lên. Biểu hiện của bệnh là các cành trên cùng của đầu trụ chuyển sang màu vàng. Tùy mức độ bệnh nhẹ hay nặng sẽ làm cho cành phía trên bị héo vàng, tóp khô hoặc bị thối.
Tương tự, bệnh thối rễ teo tóp cành cũng xảy ra trong mùa nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo. Bệnh này ban đầu biểu hiện cành có dạng mất nước, sau đó héo và cụp xuống. Tùy từng trụ có thể héo một cành hay một vài cành nhỏ. Sau đó héo toàn bộ cây, cành khô và chết toàn cây. Kiểm tra bộ rễ thanh long thấy có nốt sưng. Nếu cây bệnh nặng thì bị thối từng phần hoặc toàn bộ bộ rễ.
Các nhà vườn cũng đau đầu vì ốc sên cắn phá thanh long.
Còn đối với ốc sên, sên nhỏ gây hại thanh long từ chồi non cho tới trái xanh và chin. Chúng thường trú trong các bụi rậm, lớp đất có nhiều mùn ẩm dưới vườn hoặc bên trong trụ thanh long. Ban đêm, chúng bò lên thân cây, tìm những quả chín để ăn. Mỗi trái, chúng cắn nhăm nhăm phần vỏ rồi ăn sâu vào bên trong. Mỗi vết như vậy không quá to nhưng trái bị cắn thì thương lái không mua, đành vứt bỏ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nông dân trồng thanh long ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho biết: Những dịch bệnh trên nếu vườn thanh long nào bị tấn công đều làm giảm năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã trái thanh long.
Các nhà vườn cho biết, 4 dịch hại nguy hiểm cây trên thanh long nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái thanh long.
Đồng thời nông dân phải gia tăng chi phí để phòng trừ và phục hồi cho cây thanh long. Từ đó, dẫn đến hiệu quả kinh tế của người trồng thanh long rất thấp, không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng.
Biện pháp phòng trừ hiệu quả
Ông Nguyễn Hữu Quang, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt – BVTV Bình Thuận cho biết, qua xác định bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 12. Bệnh vàng cành từ tháng 1 đến tháng 4. Bệnh thối rễ teo tóp cành từ tháng 1 đến tháng 5. Còn ốc sên, sên nhỏ gây hại thanh long từ tháng 9 đến tháng 12.
Bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 12.
Dựa vào quy luật diễn biến và phát triển của các đối tượng gây hại trên Chi cục đưa ra các cảnh báo và phương pháp phòng trừ cho các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện.
Theo đó, đối với bệnh đốm nâu hiện không có thuốc đặc trị, chủ yếu biện pháp phòng bệnh là chính.
Cụ thể, nông dân cần vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ sông và kênh rạch vì đây là nguồn bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan theo gió và nước.
Đồng thời, áp dụng biện pháp lấy chồi né bệnh và chỉ lấy chối thanh long từ tháng 12 đến tháng 2. Đối với những vườn bị đốm nâu nặng thì chỉ lấy chồi vào tháng 1 và tiến hành già hóa cành non (bấm dỉnh sinh trưởng khi cành đạt chiều dài mong muốn khoản 1 - 1,2 m).
Cũng theo ông Quang, nhờ phương pháp phòng trừ bệnh đốm nâu, kết hợp với sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả và đảm bảo thời gian cách ly nên từ năm 2016 đến 2019 diện tích bệnh đốm nâu gây hại trên thanh long trên địa bàn giảm nhiều. Cụ thể, năm 2015 diện tích nhiễm bệnh đốm nâu năm toàn tỉnh 8.039 ha, còn năm 2019 chỉ còn 4.770 ha.
Đối với bệnh vàng cành, lãnh đạo Trồng trọt – BVTV Bình Thuận khuyến cáo nông dân cần phát quang thông thoáng vườn và trồng ở mặt độ hợp lý 3 m x 3 m. Không nên tưới nước vào chiều tối đối với vườn bị vàng cành. Đồng thời tăng cường phân bón có chứa kali cao, bón bổ sung trung vi lượng để tăng tính chống chịu bệnh. Thêm vào đó, nông dân nên lấy chồi non vào tháng 12 và tháng 2 để phòng bệnh.
Bệnh thối rễ, teo tóp cành, Chi cục khuyến cáo nông dân bón phân hợp lý, chỉ bón phân khi đất đủ ẩm để tránh lãng phí phân bón và gây tổn hại cho rễ cây. Đối với vườn bị bệnh ở mức độ nhẹ, khuyến cáo sử dụng những sản phẩm phân bón có khả năng kích rễ để bón hoặc tưới cho cây ra rễ mới. Sau đó sử dụng những loại phân bón có hàm lượng lân cao để giúp rễ phát triển tốt hơn.
Đối với vườn bị nặng: xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ kết hợp phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi cây đã phục hồi rễ bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, lân phosphorite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục.
Để phòng trừ ốc sên gây hại người dân phải làm vệ sinh vườn thanh long sạch sẽ.
Đối với ốc sên gây hại, Chi cục khuyến cáo nông dân sử dụng phân chuồng ủ hoai (chú ý ủ nóng để diệt cỏ dại, mầm bệnh, trứng và ốc có trong nguồn phân). Đồng thời vệ sinh vườn: làm cỏ gốc sạch sẽ, phát quang bờ ranh và các nơi chú ẩn của ốc...
Sử dụng thuốc trừ ốc gốc Metaldehyde (Osbuvang 80WP, Bayluscide 250EC, 70WP, Yellow - K 250SC...) phun xung quanh gốc, những nơi ốc hay trú ẩn như: đầu trụ, hàng ranh... và nên phun vào lúc trời mát.
Hoặc sử dụng thuốc bẫy gốc Metaldehyde (Osbuvang 5GR, Toxbait 9AB, Yellow - K 12GB...) rải tại những nơi ốc hay trú ẩn như: đầu trụ, hàng ranh..., nên rải vào thời gian buổi chiều mát gần tối.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng bả diệt ốc bằng cách: trộn thuốc trừ ốc (các hoạt chất mataldehyde, niclosamide, saponin) với hoa thanh long sau khi rút râu hoặc trái thanh long hư cắt mỏng, cám ướt... để bỏ trên đầu trụ, dưới gốc, hàng ranh nơi ốc sên trú ẩn. Nên bỏ bả vào buổi chiều mát gần tối. Hay, sử dụng biện pháp sinh học để phòng trừ ốc như: nuôi vịt trong vườn thanh long theo mật số 10 con/ha để quản lý ốc.
Để phòng tránh dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trên thanh long, những năm qua Chi cục Trồng trọt – BVTV đã tham mưu cho cấp trên huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trên cơ sở thành lập BCĐ về quản lý dịch hại tại từng địa phương từ huyện tới xã. Trong đó, một phó chủ tịch làm trưởng ban, trưởng phòng NN-PTNT làm phó ban và các thành viên như các hiệp hội, đài truyền hình và truyền thanh... Đồng thời, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho nhà vườn, trang trại trồng thanh long để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của chính quyền và các biện pháp quản lý dịch bệnh. Cử cán bộ lên đài tọa đàm trực tiếp để nông dân hỏi và trả lời về các dịch bệnh trên thanh long.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao