Tin nông nghiệp Sâu xám gây hại cây măng tây và biện pháp quản lý

Sâu xám gây hại cây măng tây và biện pháp quản lý

Author Phan Công Kiên, publish date Thursday. June 6th, 2019

Sâu xám gây hại cây măng tây và biện pháp quản lý

Măng tây là loài rau cao cấp nhiều dinh dưỡng và có giá bán rất cao trên thị trường hiện nay. Bộ phận sử dụng là đọt măng non, nẩy chồi từ thân cây mẹ. Cây măng tây hiện đang được mở rộng và khuyến khích trồng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Nhiều diện tích trồng măng tây bị sâu xám phá hại.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích măng tây toàn tỉnh ước đạt 121 ha; trong đó, huyện Ninh Hải khoảng 20 ha và chủ yếu được trồng tập trung tại xã Xuân Hải. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại xã Xuân Hải, sâu hại trên cây măng tây đã xuất hiện và gây hại khá phổ biến; qua ghi nhận của cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố thì sâu hại xuất hiện và gây hại chủ yếu là sâu xám, một số ít diện tích đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng măng, thậm chí còn không cho thu hoạch. Theo ông Thái Bá Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã An Xuân cho biết thêm: Trong thời gian gần đây, nhiều diện tích trồng măng tây của địa phương bị sâu hại tấn công và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; nhiều hộ nông dân đã thuê nhân công để bắt sâu vào buổi tối và sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nhưng một số hộ vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của măng tây.

Sâu xám thuộc họ ngài đêm, bộ cánh vảy, là loài sâu đa thực, gây hại trên rất nhiều loại cây trồng, gây hại chủ yếu giai đoạn cây con, sâu phá hại rất nghiêm trọng. Sâu non mới nở sống trên thân, lá măng; ăn phần mô non tạo nên những vết thủng li ti trên bền mặt thân măng. Vào ban ngày, sâu non giai đoạn tuổi 2 thường ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc măng, ban đêm chui lên ăn đọt măng hoặc gặm xung quanh thân cây măng non. Từ tuổi 3 -4 trở đi, sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân măng non, kéo xuống đất… Để quản lý hiệu quả sâu xám hại măng tây, bà con nên áp dụng đồng loạt các biện pháp sau:

- Kỹ thuật canh tác: Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trên ruộng măng tây và quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu; định kỳ xới xáo bề mặt luống măng để diệt trứng, nhộng và không tạo điều kiện trú ẩn thuận lợi cho sâu non; tưới tiêu hợp lý, tránh để ruộng măng quá khô để tạo những chỗ nứt nẻ là nơi sâu non trú ẩn;

- Biện pháp thủ công: Sâu non thường hoạt động vào chiều tối hoặc sáng sơm vì thế có thể bắt sâu bằng tay, nên bới đất xung quanh gốc măng bị sâu cắn để bắt chúng.

- Biện pháp sinh học: Hạn chế phun thuốc để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng như nhện, bọ rùa, ong ký. Dùng bẫy bả chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy bả chua ngọt: Trộn hỗn hợp gồm 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 - 4 ngày thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết; cứ 2 - 3 ngày nhúng bả lại 1 lần.

- Biện pháp hóa học (chỉ sử dụng giai đoạn trước khi trồng, giai đoạn tạo cây mẹ): Dùng các loại thuốc hạt, dạng bột để rắc vào hàng trước khi trồng để diệt sâu hại. Dùng cám rang thơm trộn với thuốc Vibasu 10G để bẫy sâu. Trộn 2 kg cám với 0,5 kg thuốc, rải cho 1.000 m2 trước khi trời tối; rải thuốc theo hàng hoặc hốc gần gốc. Khi mật độ sâu cao (chỉ sử dụng khi thật cần thiết, không tiến hành thu hoạch măng) nên chọn các loại thuốc hỗn hợp có nhiều hoạt chất, nhiều tác dụng (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, thấm sâu) hoặc phối hợp các loại thuốc trừ sâu có tác dụng khác nhau để diệt trừ sâu xám cho hiệu quả cao. Phun vào chiều tối, nên cho thêm 10ml chất bám dính hoặc 20- 30ml dầu khoáng vào mỗi bình 8-12lít để tăng khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, sâu chết nhanh, nhiều hơn.


Vị ngọt từ những vụ chanh tứ quý Vị ngọt từ những vụ chanh tứ quý Máy ép phân 'cứu cánh' nuôi bò Máy ép phân 'cứu cánh' nuôi bò