Tin nông nghiệp Sinh sôi đàn dê, cừu ở vùng rốn hạn

Sinh sôi đàn dê, cừu ở vùng rốn hạn

Author Công Tâm - Phương Đông, publish date Monday. December 12th, 2016

Sinh sôi đàn dê, cừu ở vùng rốn hạn

Những đàn dê, cừu chen chúc, những ngôi nhà xây mới kiên cố liên tiếp mọc lên - đó là bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng ở vùng nông thôn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Làm nên thành quả đó có sự góp phần không nhỏ của các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH.

Trong ảnh: Nhờ được vay 2 chu kỳ vốn ưu đãi, chị Nguyễn Thị Hà (thôn Nho Lâm, xã Phước Nam) đã thoát nghèo bằng mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo. Ảnh: Công Tâm

Anh Tiền nay đã có tiền

Thuận Nam là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Thuận với điều kiện khí hậu khô hạn, lượng mưa khan hiếm so với nhiều tỉnh trong khu vực. Vượt lên khó khăn, nhiều nông dân trong huyện đang thoát nghèo nhờ biết đầu tư hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi.

Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Thuận Nam đạt 152 tỷ đồng với 8.200 hộ vay, riêng doanh số cho vay hộ nghèo, cận nghèo từ đầu năm đến nay đạt hơn 26 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà (thôn Nho Lâm, xã Phước Nam) là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình có 4 người con đang tuổi ăn học, nên chị phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Năm 2011, chị được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Số tiền vay được chị dồn thêm vốn tích cóp của gia đình để mua 10 con cừu, 15 con dê giống. Sau hơn 2 năm nuôi chị đã có tiền trả nợ ngân hàng và tiết kiệm được thêm ít vốn nuôi con ăn học.

Đầu năm 2014, một lần nữa chị Hà lại được vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để mua thêm 20 con dê và 12 con cừu. Bình quân mỗi năm, chị Hà nuôi từ 2 - 3 đợt dê vỗ béo, mỗi đợt nuôi 20 con, trừ chi phí lãi trên 15 triệu đồng/đợt, vào những dịp tết lãi gần 20 triệu đồng.

Cũng làm mô hình nuôi bò, cừu, anh Nguyễn Văn Tiền cùng thôn Nho Lâm chia sẻ: “Trước đây nhà tôi nghèo lắm, 2 vợ chồng làm mướn. Năm 2010 được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng, vợ chồng vay mượn thêm họ hàng để mua 10 con cừu và 1 cặp bò về nuôi. Năm 2014 gia đình được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà theo Chương trình 167. Vợ chồng tôi bán bớt bò và cừu phụ vô gần 60 triệu đồng xây cái nhà mới khang trang này…”. Theo anh Tiền, nhờ mô hình nuôi cừu, bò vỗ béo mà gia đình anh thoát nghèo, mỗi năm còn để dư được vài chục triệu đồng.

Khấm khá và trù phú

Cách đây hơn 3 năm, thôn Nho Lâm chỉ lèo tèo dăm ba hộ áp dụng mô hình nuôi dê, cừu, bò. Nhưng đến nay, số hộ tham gia mô hình này lên tới cả trăm. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 25-30 con dê, cừu, cho lời bình quân 3 triệu đồng/tháng. Anh Trương Văn Lâm - Chi hội trưởng chi hội ND thôn Nho Lâm, cho biết: “Ưu điểm của mô hình là vốn đầu tư thấp phù hợp với hộ nghèo, hộ khó khăn. Thức ăn xanh cho đàn gia súc tận dụng được lá nho, táo có sẵn trong vùng, rồi nhiều hộ trồng cỏ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Chu kỳ quay vòng nhanh, sau 3 tháng vỗ béo, trọng lượng mỗi con dê, cừu đạt từ 30-35kg là có thể xuất chuồng. Cũng nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH mà chăn nuôi trong thôn phát triển mạnh…”.

Ông Thiên Hoàng Long Phụng – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Nam cho biết: “Là địa phương khan hiếm nguồn nước, có khí hậu nắng nóng quanh năm nên những năm qua, các ngành giúp bà con chuyển từ trồng lúa sang chăn nuôi dê, cừu, bò kết hợp trồng cỏ. Chính quyền, các ngành cũng hướng dẫn, mở lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn về chăn nuôi để bà con phát huy hiệu quả đồng vốn mà Ngân hàng CSXH đã giải ngân. Từ đó, đã có nhiều hộ ăn nên làm ra nhờ vào vốn của Ngân hàng CSXH... 


Nghịch lý ngành rau quả: Xuất nhiều nhưng nhập cũng cao Nghịch lý ngành rau quả: Xuất nhiều nhưng… Giống lúa J02 bội thu trên đất Vĩnh Bảo Giống lúa J02 bội thu trên đất Vĩnh…