Tin nông nghiệp Sớm áp dụng quy trình trồng cam sạch bệnh

Sớm áp dụng quy trình trồng cam sạch bệnh

Author Nhóm PV, publish date Friday. December 1st, 2017

Sớm áp dụng quy trình trồng cam sạch bệnh

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ cam trong và ngoài nước rất cao cùng với yêu cầu về chất lượng. Đây chính là thời cơ để cây cam Nghệ An với thương hiệu cam Vinh có thể phát triển mạnh, bền vững, đặc biệt tạo được nguồn giống tốt.

Trồng cam công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: P.V

Thực trạng suy thoái của cây giống gốc

Với chất lượng cao và thương hiệu nổi tiếng, cam Vinh là hàng hóa rất dễ tiêu thụ nhất là khi có sự đảm bảo về chất lượng, được Nhà nước bảo hộ trên toàn quốc, được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Trồng cam được xem là nghề làm giàu trên vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ và ở nhiều huyện khác như Con Cuông, Yên Thành, Hưng Nguyên...

Từ trồng cam, nhiều nông hộ đã thu tiền tỷ mỗi năm; đất trồng cam được giao dịch trên thị trường từ 300 triệu đồng/ha trở lên. Đây chính là tiền đề quan trọng để UBND tỉnh Nghệ An xây dựng đề án "Phát triển cây cam xứ Nghệ với thương hiệu cam Vinh thành sản phẩm hàng hóa lớn, với quy mô lên đến 8.000 ha, sản lượng 160.000 tấn vào năm 2020 và 10.000 ha, sản lượng 200.000 tấn vào năm 2025”.

Tuy nhiên, như đã nói ở kỳ trước, cam chưa được quản lý quan tâm từ gốc. Một thời gian dài Nhà nước chưa có sự khuyến khích cũng như quan tâm để có những trung tâm giống cam đảm bảo sạch bệnh cho bà con. Người trồng cam tự tìm kiếm giống cam trôi nổi và đưa tới nhiều hệ lụy…

Theo các chuyên gia nông nghiệp của Nghệ An, giống gốc của cam Vinh chủ yếu là cam Xã Đoài. Đến bây giờ thì giống cam Xã Đoài không còn bó hẹp ở vùng Xã Đoài (Nghi Lộc) nữa, mà nó đã được đem đi trồng ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh nhờ phương pháp nhân giống vô tính.

Riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có những vùng cam ngon nổi tiếng hiện nay như: Cam Sơn Tây (Hương Sơn - Hà Tĩnh); cam Bãi Phủ (Con Cuông); cam Minh Thành, Thịnh Thành, Đồng Thành (Yên Thành); cam Xuân Thành, 3/2 (Quỳ Hợp)… Tất cả những vùng cam này đều trồng bằng cây giống được ghép bằng mắt ghép giống cam Xã Đoài và lại được trồng trên đất có tầng canh tác dày xung quanh các núi đá vôi. Vì vậy cam ở những nơi này thơm, ngon và bao giờ cũng được bán với giá cao hơn các vùng cam khác. Tuy nhiên, công tác nhân giống cũng rất tự phát, Quỳ Hợp lấy từ Xã Đoài, Con Cuông lại lấy từ Quỳ Hợp... 

Hiện diện tích cam toàn tỉnh có 5.096 ha, trong đó hơn 2.500 ha cam kinh doanh cho quả thu hoạch. Trong số diện tích cam nói trên có 70 - 75% là cam trồng bằng mắt ghép giống cam Xã Đoài, số còn lại là giống cam V2 và cam Vân Du. Riêng giống cam V2 (Valencia) có các đặc trưng về thân, cành, lá, hình dạng quả, màu sắc quả, màu sắc thịt quả, thời gian ra hoa, thời gian quả chín và chất lượng - hương vị quả cam gần giống cam Xã Đoài.

Nhưng đáng lo ngại nhất hiện nay ở vùng cam chính gốc Xã Đoài, nơi khai sinh ra thương hiệu cam Vinh, người trồng cam cảm thấy cây cam đang già nua và còi cọc dần, số quả ra trên mỗi cây cũng giảm dần theo thời gian, quả nhỏ, hạt nhiều. Đây là hiện tượng thoái hóa về mặt sinh học.

Bất cứ một loại cây trồng nào, gieo trồng lâu ngày, nếu không được phục tráng đều phát sinh hiện tượng thoái hóa dần được biểu hiện rõ cả mặt sinh trưởng và phát triển. Với cây cam biểu hiện rõ nhất từ chỗ không hạt hoặc rất ít hạt, dần trở thành quả cam ngày càng nhiều hạt, quả nhỏ lại, vỏ quả dày thêm và chất lượng quả cũng giảm dần cả về độ ngọt và hương vị thơm. 

Vấn đề mà người nông dân vùng Xã Đoài nói riêng, người trồng cam Nghệ An nói chung quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để vừa có năng suất cam cao, vừa giữ lấy chất lượng và thương hiệu cam Vinh trên thị trường cả nước và tiến tới là sản phẩm xuất khẩu lớn của tỉnh nhà. Đây là nỗi lo chính đáng, cần được cộng đồng doanh nghiệp, nhà  khoa học, Nhà nước quan tâm.

Một trong những vườn ươm giống cây cam tự phát trên địa bàn xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp.

Bức thiết có quy trình sản xuất mới

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hiền - Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh cho rằng: Hiện người dân các địa phương vùng sản xuất cam tự nhân giống rất nhiều, chỉ quan sát bằng mắt thấy nhiều quả, phát triển tốt, là chọn làm cây đầu dòng, chứ không kiểm tra được dịch bệnh bằng khoa học, nên chất lượng cây giống kém, cây cam sau khi trồng dễ nhiễm bệnh, năng suất giảm nhanh.

Thực trạng cho thấy, vùng cam ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn xuất hiện nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ghẻ. Để quản lý tốt giống cam, đối với các cơ sở sản xuất giống không đảm bảo chất lượng, các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra và có chế tài xử lý. Hơn nữa, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân không nên mua giống cam trôi nổi trên thị trường về trồng. Nghệ An cần sớm xây dựng được những trung tâm sản xuất giống cam sạch bệnh, chất lượng tốt, có bảo hành cho người sản xuất. 

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hiền cũng cho biết: Theo nguyên tắc, cây giống phải được nhân giống trong vườn cách ly từ 18 - 24 tháng, sau đó chọn lọc ngay tại vườn mới đưa ra trồng. Do vậy, để có nguồn giống cam tốt, địa phương cần xây dựng trung tâm nhân giống công nghệ cao, đảm bảo chất lượng. Khi đó cây đầu dòng đã qua được kiểm tra các đối tượng sâu bệnh, nguồn cây giống mới đảm bảo chất lượng.

Trao đổi điều này với ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, được biết: Ngành nông nghiệp cũng đã nhận thấy sự bất cập này và đã tham mưu cho tỉnh sửa đổi Quyết định 87/2014 của UBND tỉnh về một số chính sách đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Theo đó, đối với cây cam, quýt giống mới sẽ hỗ trợ cây giống cam, quýt giống mới sạch bệnh với mức 10.000 đồng/cây; hỗ trợ làm đất trồng mới cam, quýt giống mới với mức 5 triệu đồng/ha. 

Khách hàng tham quan vườn cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Cũng theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, mức hỗ trợ này không phải là nhiều và quan trọng là doanh nghiệp đầu tư. Tín hiệu vui là hiện nay một số doanh nghiệp đang chuẩn bị vào đầu tư các trung tâm sản xuất giống cam sạch bệnh. Hiện nay trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có một vài đơn vị trồng cam sạch bệnh theo quy trình VietGAP. Họ đi mua giống từ Viện Nông nghiệp rau quả ở Hà Nội về và thuê kỹ sư chăm sóc. HTX Dịch vụ cây ăn quả 19/5 có 30 ha cam, tổng đầu tư 15 tỷ đồng.

Theo ông Trần Công Ninh - Giám đốc HTX này, thì HTX phải đi mua giống từ Hà Nội về và thuê kỹ sư về chăm sóc, giá cây giống 30.000 đồng/bầu, gấp 3 lần giống trên địa bàn. Phải tìm hiểu dòng cam, kiểm tra từ khi trồng cho đến lúc trưởng thành và được bảo hành. 

Như vậy, trước hết phải có nguồn giống cam được quản lý, theo dõi bởi Nhà nước và được kiểm định chất lượng bằng các trung tâm uy tín, có bảo hành rõ ràng, điều này Nghệ An cần tiến hành sớm. Thứ hai là sản xuất cam theo quy trình sạch. Hiện nay cam Vinh đã dán tem truy xuất nguồn gốc. Tuy số lượng cam được dán tem còn ít ỏi, nhưng đó là những khu vườn được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều đó cho thấy cũng là vùng cam Vinh, nhưng Nhà nước chưa dám dán tem cho tất cả các vườn chưa kể là những vùng cam ngon ngoài chỉ dẫn địa lý cam Vinh chưa được dán tem. Con tem này không chỉ là chỉ dẫn địa lý, mà còn là dấu chứng nhận của Nhà nước về chất lượng quả cam Vinh để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Chính vì vậy, người trồng cam phải tự mình ý thức được trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Vào mùa cam, người dân địa phương cho rằng nhiều người đã bị ngất xỉu khi hít thở phải thuốc trừ sâu được dùng bừa bãi cho vườn cam. Đây cũng chính là một nguyên nhân khiến cam bị trơ dần và thoái hóa, còi cọc. 

Ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp nghệ An cho rằng: Các Viện Khoa học, Viện Nông hóa thổ nhưỡng cũng cần vào cuộc với người dân Nghệ An nói riêng xem đất trồng cam hiện nay cần những chất gì, thừa chất gì, thiếu chất gì, chứ không phải là nơi nào cũng trồng được cam và bón phân, chăm sóc như nhau.

Cam sạch cần ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu như tưới nước theo công nghệ Israel, tưới nước nhỏ giọt kết hợp hòa phân để tưới bón trực tiếp vào gốc cây. Nếu có điều kiện nên sử dụng nhà lưới để trồng cam nhằm ngăn ngừa bướm và các côn trùng khác vào gây hại cây cam.

Trường hợp chưa có điều kiện làm nhà lưới để trồng cam thì phải thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trừ kịp thời. Cố gắng hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho cây cam, nhất là thời kỳ trước khi thu hoạch trên dưới 1 tháng, tuyệt đối không được phun bất kỳ một loại thuốc trừ sâu bệnh nào.

Phương pháp ghép cam, quýt hiện nay là ghép chữ T hoặc ghép mắt dạng mảnh. Cây giống sau khi ghép cần được chăm sóc tốt, tốt nhất được giữ trong nhà lưới chống côn trùng và phòng trừ triệt để sâu bệnh như rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, bệnh sẹo, loét. Cây con trong vườn ươm cần được bấm ngọn tạo tán, khi cây có 2-3 cành cấp 1, chiều cao thân chính từ 40-60 cm và sinh trưởng tốt không bị bệnh vàng lá mới đem trồng. 


Nông dân Đà Lạt thành công với trồng rau trong không khí Nông dân Đà Lạt thành công với trồng… Phòng bệnh lùn sọc đen trước vụ đông xuân Phòng bệnh lùn sọc đen trước vụ đông…