Mô hình kinh tế Sơn Tân mất mùa điều

Sơn Tân mất mùa điều

Publish date Tuesday. May 19th, 2015

Sơn Tân mất mùa điều

Năng suất thấp

Chị Cao Thị Thảo (thôn Suối Cốc) cho biết, gia đình chị đã gắn bó với cây điều từ năm 1998 đến nay. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, cây điều sai quả, thu nhập từ vườn điều khá cao. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị bớt vất vả. Thế nhưng năm nay, vườn điều chỉ cho quả lưa thưa. “Nắng hạn, việc chăm sóc cây điều cũng gặp khó khăn, cây ra hoa ít, ngọn thì bị khô chết; trong khi đó sâu bệnh lại nhiều, hoa không thể đậu quả. Với diện tích hơn 1ha, những năm trước gia đình tôi có thể thu được đến 2 tấn điều, nhưng năm nay chỉ được 700 - 800kg, với giá bán hiện nay thì cả vụ gia đình tôi chỉ thu được khoảng 15 - 16 triệu đồng”, chị Thảo nói.

Gia đình anh Tro Tên (thôn Valy) đã 17 năm gắn bó với cây điều. Anh Tên chia sẻ: “Đầu vụ, nông dân chúng tôi rất vui vì giá điều cao hơn so với năm trước (22.000 đồng/kg, năm trước chỉ 15.000 đồng/kg). Thế nhưng, những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 thì gặp nắng hạn, lại bị sương muối nên phần lớn diện tích đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả bị rụng hoa, thối quả”. Theo ước tính của anh Tên, năm nay năng suất điều giảm khoảng 60 - 70%, dự kiến chỉ thu được khoảng 1,5 tấn, tương đương khoảng 33 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 10 triệu/ha, anh thu lãi chỉ 6,5 triệu đồng/ha. “Hiệu quả cây điều mang lại ngày càng thấp nên tôi tính chuyển đổi 1ha sang trồng keo có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều hộ khác cũng đang tính bỏ cây điều để trồng keo, mì”, anh Tên cho biết.

Chuyển đổi giống cây trồng

Xã Sơn Tân hiện có 258 hộ dân; trong đó có đến 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương khá lớn với hơn 44,5% số hộ trong xã. Theo thống kê của địa phương, có đến 60% số hộ dân trồng điều, cuộc sống chủ yếu trông chờ vào cây điều. Năm nay điều mất mùa đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ dân trong xã, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ khó khăn. Chị Cao Thị Thảo cho biết: “Vài năm được mùa, cứ tưởng cuộc sống khó khăn rồi sẽ qua đi, ai ngờ điều mất mùa. Tôi chưa biết phải làm gì để lo cho cuộc sống gia đình với 5 miệng ăn”.

Được biết, điều là một trong những cây trồng chủ lực của xã Sơn Tân. Tuy nhiên, diện tích điều tại địa phương đang giảm dần, từ 400ha nay chỉ còn khoảng 300ha. Diện tích điều chủ yếu được nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như keo, mì. Ông Cao Minh Sao - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết: “Cây điều là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, giống điều được trồng chủ yếu là giống cũ, cây trồng đã lâu năm nên năng suất không cao. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh đã khiến hiệu quả cây điều mang lại thấp. Hiện nay, một số hộ dân đã chuyển đổi giống điều cũ sang giống điều ghép cho năng suất cao hơn. UBND xã đã kiến nghị huyện cho phép chuyển đổi diện tích điều giống cũ sang trồng giống điều ghép”.

Trước hiệu quả của cây điều ngày càng thấp, việc chuyển đổi giống cây trồng cũng như giống điều được địa phương xác định là việc làm cần thiết nhằm tránh tình trạng tái nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn vậy, địa phương cần sự trợ lực từ cấp trên và ngành nông nghiệp.


Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất… Nhộn nhịp mùa tiêu Nhộn nhịp mùa tiêu