Sơn Tây Đánh Cược Với Cây Mắc Ca
Hiện nay, ở khu vực duyên hải miền Trung chưa có tỉnh nào trồng cây Mắc ca. Song, huyện Sơn Tây đã mạnh dạn đưa cây này trồng trên diện tích 6 ha với tổng kinh phí đầu tư gần 1,3 tỷ đồng ở 3 địa phương: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long trong tháng 9 này.
Loại cây bạc tỷ!
Lên Sơn Tây những ngày trung tuần tháng 9 này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe cán bộ huyện, cán bộ xã và người dân bàn luận về việc đầu tư để trồng thử nghiệm 6ha Mắc ca ở 3 xã: Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Bua. Tại thôn Mang Rin, xã Sơn Bua, cán bộ Trạm khuyến nông huyện đang tất bật trộn phân đưa vào hố trên diện tích 2ha của 2 hộ dân để cuối tháng 9 xuống cây.
Anh Trần Quý - Trưởng Trạm khuyến nông huyện tâm sự: Từ khi huyện có chủ trương đưa cây Mắc ca về trồng, cán bộ khuyến nông chúng tôi mất ăn, mất ngủ trong việc tổ chức khảo sát, đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng, đối chứng đất đai xem có phù hợp với loại cây “cao cấp” này hay không. Sau một thời gian khảo sát và đánh giá là phù hợp, nên huyện vận động 12 hộ dân ở 3 xã tham gia dự án.
Để dự án triển khai có hiệu quả, huyện cử cán bộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và phối hợp với doanh nghiệp (DN) cung ứng cây giống tổ chức tập huấn kỹ thuật. Mặt khác, huyện hỗ trợ kỹ thuật, công chăm sóc và chi phí đầu tư 100% cho người dân theo kiểu trồng, chăm sóc, rồi bàn giao cho người dân quản lý, khai thác.
Khi thu hoạch (5 năm sau trồng), người dân hoàn vốn cho Nhà nước. Mặt khác, hiện nay có nhiều DN đến đặt vấn đề đầu tư 40% chi phí, người dân 60% và nhận bao tiêu sản phẩm. Khi thu hoạch người dân hoàn vốn 40% chi phí cho DN.
Cây Mắc ca hiện chưa phổ biến và mới chỉ trồng ở Việt Nam 10 năm trở lại đây ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Dự tính, sau 7 năm trồng, mỗi hécta có thể cho 3 tấn hạt, với giá 3,5 USD/kg hạt thì người trồng có thể đạt nguồn thu 200 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, để phát triển loại cây này không hề đơn giản. Rễ cây Mắc ca tương đối nông, dễ bị bật gốc nếu gặp bão lớn, mà ở Quảng Ngãi lại là địa phương thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của bão; chi phí đầu tư 1ha trong 4 năm tương đối lớn (215 triệu đồng).
Cây Mắc ca từ khi trồng đến lúc bắt đầu cho thu hoạch là 4 năm. Bởi cây này có nguồn gốc từ Úc và là loại cây khó tính, nó chỉ thích hợp với thổ nhưỡng màu mỡ, thoát nước tốt, lượng mưa từ 1.000 - 2.000mm, nhiệt độ trung bình khoảng 25 độ C và không xuống dưới 10 độ C…
Phải có tầm nhìn xa…
Trong lịch sử ngành nông nghiệp Quảng Ngãi nói chung và Sơn Tây nói riêng đã có không ít cây trồng được đánh giá là có lợi thế và tiềm năng, nhưng sau đó đã thất bại. Ngay cả ở Sơn Liên, Sơn Bua, một thời cây cà phê được xem là cây triển vọng, nhưng rồi thất bại.
Nay Sơn Tây đưa cây Mắc ca - cây trồng mới vào trồng với hy vọng làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo động lực cho người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cũng là điều đáng ghi nhận. Được biết, ngày 15.5.2014, Sở NN&PTNT có Công văn số 1049, về việc không thống nhất cho Sơn Tây trồng đại trà cây Mắc ca vì thiếu căn cứ pháp lý và thực tiễn. Sở NN&PTNT khuyến cáo Sơn Tây chỉ nên trồng thử nghiệm ở ít nhất 4 điểm... song cũng cần thận trọng.
Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Huyện cử các đoàn cán bộ đi khảo sát, nghiên cứu, tham quan tại các địa phương ở Tây Nguyên theo hướng xuống tận cơ sở, thấy tận mắt, sờ tận tay cây Mắc ca rồi cử cán bộ ra Ba Vì xem xét kỹ lưỡng.
Sau đó về đánh giá thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu và thấy ở Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Bua rất phù hợp. Trong đó, chất đất và thời điểm cây ra hoa, thụ phấn quyết định thành bại của dự án thì huyện đáp ứng được. Bởi ở Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Bua là đất bazan, khí hậu cận Tây Nguyên và thời điểm tháng 2, nhiệt độ từ 18 - 22 độ C là rất phù hợp cho cây ra hoa kết trái. Từ đó, huyện quyết định đưa vào trồng thử nghiệm 6ha tại 3 xã này, mỗi xã 2ha và cuối tháng 9 này sẽ trồng cây.
Cũng theo ông Tùng, nếu làm cái gì cũng sợ thất bại thì khó thành công. Do đó, huyện phải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và nếu thành công sẽ tạo động lực cho người dân đổi đời. Cây Mắc ca chỉ trồng 1 lần và thu hoạch cả trăm năm. Một số cán bộ ở huyện cho rằng, nên đưa cho dân trồng, nhưng huyện không làm vậy, bởi đưa cho dân sẽ không thành công, khiến nhiều người ngờ vực dự án này.
Theo quan điểm của huyện là phải chấp nhận rủi ro. “Sơn Tây sẽ trồng theo đúng quy chuẩn khoa học kỹ thuật rồi đánh giá nó có hiệu quả hay không mới nhân rộng. Việc Sở NN&PTNT khuyến cáo huyện chỉ nên trồng thử nghiệm 2 ha ở ít nhất 4 điểm là khó thực hiện. Bởi cây Mắc ca thụ phấn chéo mà trồng ít, đơn lẻ thì khó đánh giá được hiệu quả. Vì vậy, huyện quyết định trồng cây Mắc ca quy mô 2ha/điểm và chấp nhận rủi ro”, ông Tùng khẳng định.
Theo nhận định của lãnh đạo huyện Sơn Tây, từ năm thứ 7 trở đi, mỗi hecta cây Mắc ca cho hiệu quả kinh tế 300 triệu đồng, nhưng Sơn Tây chỉ hy vọng mỗi hecta đạt 50 triệu đồng là thành công rồi. Với mức này, so với cây keo thì lợi nhuận của cây Mắc ca lớn gấp nhiều lần. Hơn nữa, hạt Mắc ca không phụ thuộc thị trường Trung Quốc và hiện trên thế giới mới chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu của người tiêu dùng nên huyện Sơn Tây tin tưởng dự án sẽ thành công.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao