Sông Hinh (Phú Yên) Vui Được Mùa Đậu Đỏ
Những ngày đầu năm, bà con nông dân huyện Sông Hinh (Phú Yên) phấn khởi hơn khi cây đậu đỏ được mùa, được giá, mang lại thu nhập tương đối cao.
Trồng sắn mì nhiều năm làm đất bạc màu và củ ít, nên đầu tháng 9/2014, anh Ma Blý (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) đã quyết định chuyển 1,9ha đất rẫy trồng sắn của mình sang trồng cây đậu đỏ. Niềm vui đã đến với gia đình Ma Blý, khi đậu đỏ vừa được mùa, được giá.
Với giá bán 29.000 đồng/kg, 3 tấn đậu đỏ vừa thu hoạch được trừ hết chi phí, Ma Blý cầm chắc trong tay hơn 70 triệu đồng; lợi nhuận này cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Ma Blý cho biết: “Trồng đậu đỏ rất là dễ, không tốn công làm cỏ, chỉ phun thuốc trừ sâu là được. Tôi làm gần 2ha rẫy này mà chẳng tốn đồng tiền thuê công nào, chỉ chi phí vài triệu tiền máy cày đất và giống ban đầu; thu hoạch được 3 tấn đậu, mình phấn khởi lắm”.
Cũng như Ma Blý, năm nay, anh Nguyễn Văn Hùng ở buôn Suối Mây, thị trấn Hai Riêng, sản xuất đậu đỏ cũng đạt năng suất khá cao. Dù chỉ có 7 sào đậu đỏ, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, sau 6 tháng xuống giống, anh cũng thu được 1,2 tấn. Anh Hùng nói: “Đậu đỏ nhà nào cũng có năng suất cao, bình quân đạt từ 1,3 đến 1,5 tấn/ha. Chi phí thấp, giá bán cao, cây đậu đỏ đã đem lại niềm vui lớn cho bà con nông dân”.
Mùa đậu đỏ năm nay tập trung nhiều chủ yếu ở các xã Ea Bia, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Ly và thị trấn Hai Riêng với diện tích trên 200ha, đây là loại cây trồng truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Đậu đỏ thích hợp với triền đồi có độ dốc lớn, phương thức canh tác đơn giản, đầu tư thấp.
Những năm qua, giá đậu đỏ luôn ổn định ở mức cao và được tư thương đến tận nhà đặt hàng thu mua. Tuy nhiên, năng suất đậu đỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên bà con nông dân chỉ tận dụng những diện tích gò đồi cao, các khe rãnh hoặc những diện tích nằm sâu trong rừng, đường sá đi lại khó khăn để tận dụng trồng.
Điều đáng quan tâm ở đây là cây đậu đỏ có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Những năm qua, cây sắn chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu các loại cây trồng, đến nay, diện tích sắn lên đến 10.000ha, vượt gấp đôi so với quy hoạch, bằng 50% tổng diện tích các loại cây trồng hàng năm. Điều này đã gây tác động xấu đến môi trường.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh, cho biết: “Bà con nông dân thường trồng sắn nhiều vụ trên một diện tích dẫn đến hiện tượng sa mạc hóa, đất đai bị chai cứng.
Vì vậy, huyện Sông Hinh đã khuyến cáo bà con nên luân canh cây họ đậu cũng như cây trồng khác với cây sắn mì, áp dụng khoa học kỹ thuật để từng bước ổn định năng suất. Cứ vài năm trồng sắn thì chuyển sang trồng đậu để cải tạo, bảo vệ đất, thì sản xuất nông nghiệp mới bền vững và đạt hiệu quả cao hơn”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao