Mô hình kinh tế Sống Khỏe Nhờ Nghề Nuôi Cá Chình

Sống Khỏe Nhờ Nghề Nuôi Cá Chình

Publish date Tuesday. June 26th, 2012

Sống Khỏe Nhờ Nghề Nuôi Cá Chình
Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đời sống của nhiều nông dân (ND) Quảng Trị đã có những khởi sắc.

Có học mới khấm khá

Ông Lê Thanh Cương- nguyên Chủ tịch Hội ND xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, cho biết: "Trước đây ND quê tui nghèo lắm, một phần sống bằng nghề nông, phần còn lại bấp bênh theo chài lưới. Vốn không có, kiến thức làm ăn cũng không nên quanh năm thiếu đói. Mấy năm trở lại đây, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (TTDNHTND) tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, Hội ND tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn để sản xuất nên đời sống của bà con đã đổi thay. Đặc biệt, nghề nuôi cá chình lồng đã đem về cho bà con nguồn thu nhập không nhỏ".


Ở Hải Tân, nhắc đến cựu chiến binh Lê Văn Đằng ai cũng biết. Ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, trở về quê sống chật vật với nghề chài lưới. Trận lụt năm 1995, khi ngụp lặn vớt cá ông bắt được hàng chục chú cá chình con. Ông nảy ý đóng lồng nuôi thử và thấy cá phát triển rất tốt.

Theo ông Đằng, cái lợi nhất khi nuôi cá này là gia đình làm nghề chài lưới nên thức ăn cho cá chình chủ yếu là cá, tôm bắt được nên không phải tốn tiền mua. "Hai năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn TTDNHTND cho vay, tui đóng 2 lồng nhôm nuôi 400 con cá chình, từ khi nuôi đến khi xuất bán là 2 năm. Với giá hiện tại là 500.000 đồng/kg cá chình, tính ra mỗi năm tôi thu lãi cả trăm triệu đồng" - ông Đằng cho biết.

Cạnh nhà ông Đằng, anh Phạm Văn Thiện cũng nuôi đến 400 con cá chình. Anh Thiện cho hay: "Tui tham gia lớp học nuôi cá chình lồng, rồi được TTDNHTND cho vay 10 triệu đồng để nuôi cá chình. Tui vừa bán lứa cá đầu tiên được hơn 60 triệu đồng. Đúng là có qua học hành mới khấm khá được".

Cho cần câu hơn cho mớ cá

Theo TTDNHTND tỉnh Quảng Trị, năm 2010 - 2011, trung tâm đã dạy nghề cho 1.050 người, trong đó 750 người học nghề nông nghiệp, số còn lại phi nông nghiệp. Đó là chưa kể tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng ngàn lượt người có nhu cầu; Hỗ trợ gần 8 tỷ đồng cho nông dân vay phát triển kinh tế.

Ngành nghề đào tạo tập trung chủ yếu vào các ngành nông nghiệp như trồng và chăm sóc, khai thác cao su, hồ tiêu, cà phê, kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng lúa, sắn, ngô, lạc, chăm sóc cây ném; kỹ thuật nuôi cá chình lồng, cá nước ngọt, nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đào tạo phi nông nghiệp gồm các nghề bảo trì, sửa chữa máy móc và thiết bị cơ khí, kỹ thuật gò hàn, điện công nghiệp, điện dân dụng, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, kỹ thuật xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…

“Từ 2007 đến nay, ND trong xã được Trung tâm tạo điều kiện cho vay 500 triệu đồng để phát triển kinh tế, trong đó chủ yếu nuôi cá chình lồng".

Ông Nguyễn Cảnh - Chủ tịch Hội ND xã Hải Tân

Ông Nguyễn Ngọc Lương - Giám đốc TTDNHTND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Chúng tôi chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động; đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Thông qua hoạt động đào tạo nghề, lao động nông thôn được trang bị nghề mới, tiếp thu kiến thức KHKT ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm tăng năng suất, hiệu quả. Đặc biệt, người nông dân đã thực sự làm chủ được kỹ thuật, tự chủ được tay nghề và có nghề để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Chưa Sẵn Sàng Bứt Phá Chưa Sẵn Sàng Bứt Phá Để Mướp Đắng Cho Nhiều Trái Để Mướp Đắng Cho Nhiều Trái