Mô hình kinh tế Sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá không đúng cách lợi bất cập hại

Sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá không đúng cách lợi bất cập hại

Publish date Saturday. April 18th, 2015

Sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá không đúng cách lợi bất cập hại

Cá chết hàng loạt do nước bẩn

Trên diện tích hơn 7 sào, gia đình chị Giáp Thị Thu ở thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang) đào ao nuôi cá kết hợp xây dựng chuồng trại nuôi lợn từ nhiều năm nay. Dẫn chúng tôi đi xung quanh ao, chị Thu nói: “Gia đình tôi không có điều kiện nuôi thâm canh nên chỉ tận dụng sản phẩm phụ trong nông nghiệp như: Rau, củ, quả và chất thải của lợn sau khi rửa chuồng cho chảy thẳng xuống ao làm thức ăn cho cá”.

Quan sát kỹ chúng tôi thấy nước ao nhà chị Thu có màu xanh đen do lượng phân lợn thải xuống hằng ngày nhiều, trong khi ao không có cống lấy nước vào thay thế. Theo chị Thu, mấy năm gần đây, cá liên tiếp mắc bệnh đốm mang và liên cầu khuẩn chết hàng loạt. Dịp này năm ngoái, lứa cá ước khoảng 6 tạ sắp được thu hoạch bị bệnh chết nổi trắng ao, thiệt hại gần 20 triệu đồng.

Theo ông Tống Văn Vi, trưởng thôn Ghép, xã Thái Đào, thôn hiện có 40 hộ nuôi cá với diện tích 13 ha mặt nước, trong đó gần nửa số hộ nuôi lợn và xả chất thải trực tiếp xuống ao. Nhiều hộ nuôi lợn số lượng lớn nhưng không có hầm khí biogas, xả chất thải ra cả mương máng, chảy tràn sang ao cá của hộ khác.

Được biết, xã Thái Đào hiện có 60 ha mặt nước nuôi thủy sản theo phương thức bán thâm canh và quảng canh. Phần lớn các hộ đều nuôi lợn và thả cá, trong đó nhiều hộ tận dụng phân lợn làm thức ăn cho cá với lượng lớn nên năm 2014 trên địa bàn xã bùng phát dịch bệnh liên cầu khuẩn làm chết khoảng 5 tấn cá, tập trung ở các thôn: Ghép, Tân Đông, Then… ước thiệt hại 150 triệu đồng.

Không chỉ ở xã Thái Đào, từ năm 2012 đến năm 2014, dịch bệnh trên cá xảy ra ở nhiều xã khác trong tỉnh như: Ngọc Châu, An Dương (Tân Yên); Thượng Lan, Nghĩa Trung, Minh Đức (Việt Yên); Dương Đức (Lạng Giang), Song Mai, Tân Tiến (TP Bắc Giang) với các bệnh như: Liên cầu khuẩn, nấm mang... Theo số liệu ước tính của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), ba năm qua toàn tỉnh có gần 30 tấn cá bị chết do dịch bệnh, thiệt hại hàng tỷ đồng...

Chăn nuôi an toàn để tăng hiệu quả

Ông Đoàn Bá Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu làm cá bị bệnh là do người dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Chất thải gia súc, gia cầm vẫn được nhiều hộ dân xả thẳng xuống ao; thức ăn chăn nuôi dư thừa lưu cữu nhiều năm làm phát sinh khí độc như: H2S, NH3… Nhiều hộ nuôi cá với mật độ dày”.

Toàn tỉnh hiện có 14.500 hộ nuôi cá, trong đó khoảng 30% số hộ thải phân gia súc, gia cầm trực tiếp xuống ao. Năm 2014, Chi cục Thủy sản kiểm tra 60 hộ chăn nuôi ở một số huyện: Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, lấy 25 mẫu nước; 14 mẫu thức ăn gửi Trung tâm Khảo nghiệm và Kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi Hà Nội phân tích. Kết quả có 3/25 mẫu nước có chỉ tiêu COD và BOD (nhu cầu ô xi hóa chất hữu cơ trong ao) cao hơn giới hạn cho phép; 2/14 mẫu thức ăn không đạt chất lượng như công bố trên bao bì.

Năm 2014, sản lượng cá toàn tỉnh ước đạt gần 30 nghìn tấn, trong đó 40% được tiêu thụ ở các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP Hà Hội. Hiện nay, TP Hà Nội đã đặt trạm kiểm dịch, kiểm soát nguồn gốc thủy sản, giấy chứng nhận vùng nuôi an toàn đối với tư thương trước khi đưa cá vào thành phố. Vì vậy, Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ dân áp dụng đúng quy trình an toàn để tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm cho khâu tiêu thụ thuận lợi. Ngoài bổ sung đầy đủ thức ăn có chất lượng tốt, người nuôi cần duy trì môi trường nước ao trong lành, tuyệt đối không xả chất thải chăn nuôi trực tiếp xuống ao làm thức ăn cho cá khi chưa ủ hoai mục bằng vôi bột.

Cần xây dựng riêng hệ thống bể lắng lọc xử lý mầm bệnh trước khi dẫn nước vào ao nuôi cá cũng như trước khi thải ra môi trường bởi phòng bệnh cho thủy sản khó hơn so với động vật trên cạn, khi cá mắc bệnh dễ lây lan nhanh trong ao và các ao liền kề. Hơn nữa, việc sử dụng phân chuồng không đúng cách để nuôi cá như “con dao hai lưỡi” gây hại lớn cho cả chủ ao và người tiêu dùng vì trong phân lợn, gia cầm tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc bón phân chỉ thực hiện khi ao mất màu nước hoặc màu nước xanh nhạt và phải ủ hoai mục bằng vôi bột. Khi màu nước ao xanh đậm không được xả phân xuống sẽ gây ô nhiễm môi trường nước do quá trình phân huỷ tiêu tốn nhiều ôxi và sinh ra các loại khí độc. Ngoài ra, các hộ duy trì mật độ thả 2 - 3 con/m2, cân đối lượng thức ăn tránh bị dư thừa lắng đọng dưới đáy làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm.

Hằng năm, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và PTNT) đều tổ chức các lớp hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn cho các hộ dân. Riêng năm nay, hai đơn vị này đang triển khai hai mô hình nuôi cá an toàn sinh học tại một số xã ở huyện Việt Yên, Yên Thế, giúp các hộ tiếp cận, nhân rộng.


Ông Tùng nuôi trùn quế có lãi Ông Tùng nuôi trùn quế có lãi Hướng phát triển kinh tế bền vững của nông dân Hòa Hiệp (Dak Lak) Hướng phát triển kinh tế bền vững của…