Tin nông nghiệp Sự thật loại xoài bị tố có ruột bằng nilon đến từ Trung Quốc

Sự thật loại xoài bị tố có ruột bằng nilon đến từ Trung Quốc

Author Khuất Minh, Hữu Hưng, Đức Cường, Chí Hiếu, publish date Wednesday. August 3rd, 2016

Sự thật loại xoài bị tố có ruột bằng nilon đến từ Trung Quốc

Cư dân mạng đang xôn xao khi tài khoản Facebook có tên Dương Thành Nam đăng tải clip cho rằng, ở Việt Nam đang có loại xoài bằng nhựa, nguồn gốc từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng Việt.

Chỉ sau gần 1 ngày đăng tải, đến 16h chiều 1.8, clip đã thu hút hàng triệu lượt xem, hàng chục nghìn bình luận và hơn 65.000 lượt chia sẻ.

Trong clip, người đàn ông vừa thái xoài vừa khẳng định xoài bị làm giả, là sản phẩm nhân tạo có nguồn gốc từ Trung Quốc, do “ở hạt có một lớp nilon được làm từ tinh dầu hoặc một thứ hóa chất, tinh chất nào đó”.

Nhiều người cảm thấy rất hoang mang trước thông tin trên, trong khi số khác lợi dụng sự việc này dựng clip để thu hút sự chú ý của dân mạng.

Trên Facebook nhóm kín có tên “Bí mật Eva” với hơn 85.000 thành viên, chủ đề này thu hút sự chú ý của rất nhiều người từ trưa nay, sau khi tài khoản có tên Label Pham chia sẻ clip với nội dung tương tự trên mạng.

Nhiều người tỏ ra lo ngại loại xoài này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Song cũng có nhiều người cho rằng, khả năng đây chỉ là tin đồn nhảm, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Nhận được phản ánh về việc này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã chỉ đạo các Cục, ngành có liên quan tìm hiểu, giải mã sự việc.

Chiều cùng ngày, ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định đó không phải là xoài Trung Quốc, mà chính là giống xoài Đài Loan được trồng ở Việt Nam.

Thông tin từ Cục Trồng trọt, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, đến nay các tỉnh Nam bộ đã trồng trên 6.000 ha xoài giống Đài Loan. Trong đó An Giang 4.315 ha, Đồng Tháp 827 ha (620 ha đang cho thu hoạch), Đồng Nai 740 ha, Vĩnh Long 100 ha, Hậu Giang 40 ha, Tiền Giang 25 ha.

Giống xoài Đài Loan (còn gọi là xoài ba màu, xoài Đài Loan xanh), sinh trưởng mạnh, ít bị sâu bệnh hại, vỏ trái dày thuận tiện cho việc chuyên chở đi xa, nên nông dân tăng diện tích trồng mới.

“Tuy nhiên giống xoài này chỉ đáp ứng nhu cầu ăn tươi, chưa được nghiên cứu kỹ, chưa được công nhận giống cho phép sản xuất tại các tỉnh Nam bộ”, ông Trung lưu ý.

Về kiểm dịch thực vật đối với giống xoài này, ông Trung cho hay, nếu các đơn vị đưa vào Việt Nam để tiến hành nghiên cứu thử nghiệm và có xin phép thì những giống này đã được kiểm dịch an toàn trước khi nhập vào Việt Nam.

“Tuy nhiên, có những trường hợp cây được mang vào Việt Nam qua con đường xách tay, hoặc nhập lậu tiểu ngạch thì chưa được kiểm soát về sâu bệnh hại”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho biết thêm, giống xoài Đài Loan tăng nhanh diện tích bất thường trong mấy năm gần đây. Cục Trồng trọt đã đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều tỉnh vùng Nam bộ quản lý tốt quy hoạch, kế hoạch trồng xoài đã được phê duyệt. Các địa phương cũng được yêu cầu có kế hoạch tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thận trọng trồng giống xoài mới tránh phá vỡ quy hoạch, kế hoạch và ảnh hưởng đến phát triển ổn định diện tích xoài của vùng.

“Đáng bao nhiều tiền đâu mà làm giả”

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho hay, đã cử cán bộ đi thực tế kiểm tra, nhưng không tìm mua được loại xoài đó ngoài thị trường hiện nay.

Tuy nhiên sau khi xem clip, ông Bảnh nói: "Giống xoài này rất rẻ, đáng bao nhiêu tiền mà làm giả?!.

“Chưa kể giờ đang là mùa xoài nên giá rất rẻ. Nếu làm giả người ta giả vàng, giả kim cương chứ giả mấy thứ rẻ quá thế làm gì? Nếu chỉ xem clip trên mạng không thể biết thật giả thế nào vì nhỡ người ta photoshop, cắt, ghép này kia…”, ông Bảnh nói.

Cũng theo vị Cục trưởng này, xoài Việt Nam thì hàng thật còn không bán được, không ai đi làm giả. Vị này cũng khẳng định không thể là xoài Trung Quốc, vì Trung Quốc khí hậu ôn đới, không có xoài xuất khẩu.

Đến 17h chiều nay (1.8), Facebooker Dương Thành Nam cũng xóa bài viết gây xôn xao dư luận trên. Tuy nhiên, rất nhiều Facebooker khác vẫn lợi dụng chuyện này để thu hút sự chú ý của dân mạng.


Bám đất làng làm rau sạch, thu lợi gấp 5 lần trồng lúa Bám đất làng làm rau sạch, thu lợi… Bệ phóng giúp nông dân Phù Cát vượt khó Bệ phóng giúp nông dân Phù Cát vượt…