Tin nông nghiệp Sửa đổi thói quen để có rau sạch

Sửa đổi thói quen để có rau sạch

Author Nguyên Vỹ, publish date Monday. October 24th, 2016

Sửa đổi thói quen để có rau sạch

Để tối ưu hóa năng suất nông trại, việc sửa đổi thói quen truyền thống của nhân công phải được thực hiện thường xuyên trong từng công đoạn. Ông Lê Đình Mạnh- Giám đốc Nông trường Vineco Long Thành (Đồng Nai) đã chia sẻ như vậy khi đưa chúng tôi tham quan các mô hình rau sạch.

Đi vào hoạt động từ tháng 7.2015, Long Thành là 1 trong 12 nông trường của công ty sản xuất nông nghiệp VinEco (một thành viên của Vingroup) đang triển khai trong cả nước.

Trong ảnh: Công nhân phòng sơ chế lưu chụp mẫu bệnh trên rau. Ảnh: N.V

Ngoài 6 nhà kính đang trồng dưa lưới theo công nghệ nước ngoài, Vineco đã chủ động triển khai mô hình nhà kính theo công nghệ Việt Nam cho hiệu quả tương đương mà chi phí đầu tư thấp. Năng suất hiện tại của toàn nông trường đạt bình quân 5 – 6 tấn sản phẩm các loại mỗi ngày, góp phần đáng kể vào nguồn cung rau sạch cho thị trường TP.HCM và Đông Nam Bộ.

Hiện nông trường đang canh tác 62ha trên 83,9ha tổng diện tích tự nhiên. Với 3 mô hình trồng rau nhà kính, nhà màng và canh tác ngoài đồng, nông trại đang trồng rau ăn quả, rau ăn lá, gia vị đến các mặt hàng cao cấp xuất khẩu. Đặt phương châm sử dụng lao động tại chỗ, nông trại Long Thành đang có hơn 300 nhân lực đến từ các xã lân cận như Long Phước, Bàu Bàng, Phước Thái. Có nhiều người làm tại đây từ lúc nông trường mới thành lập.

Ông Mạnh cho biết: “Tất cả nông dân vào đây làm việc đều được đào tạo qua 2 bước. Trước là nghiệp vụ chung, sau là kỹ thuật cho từng mô hình canh tác, từng loại rau ở từng giai đoạn. Những người trực tiếp trồng rau đa phần đều lớn tuổi, ít nhiều đã có kinh nghiệm. Có nhiều điều hay, nông dân giúp ngược lại mình. Nhưng cũng có không ít điều hạn chế mà nông trường phải hướng dẫn liên tục”.

Một trong số đó là thói quen tiếc của. Cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên từ khâu làm đất, gieo trồng đến thu hoạch đều phải theo quy trình kỹ thuật. Ví như cà tím, đến độ tuổi nhất định phải tiến hành vặt lá chân, cách mặt đất khoảng 20cm để tạo độ thông thoáng và phòng trừ sâu bệnh lây nhiễm trực tiếp. Thấy lá đang xanh mơn mởn mà bảo lặt thì nông dân lại sợ cây bị đau, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh trưởng nên họ xót, cứ ngại ngần. Hoặc trái cây thu hoạch chỉ bị ruồi đốt một lỗ nhỏ họ lại chẳng nỡ vứt đi.

Những lỗi này tưởng nhỏ nhưng bộ phận kỹ thuật phải thường xuyên có mặt trực tiếp tại ruộng để hướng dẫn. “Khi hàng lỗi vào đến khâu sơ chế, nhân công cũng phải tiến hành thải loại lại lần nữa, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến năng suất của toàn nông trường” - ông Mạnh chia sẻ.

Ông Lê Đình Mạnh kiểm tra dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: N.V

Là người gắn bó với nông trại ngay từ những ngày đầu, chị Nguyễn Ngọc Lan cho biết, bên ngoài nông dân áp dụng kỹ thuật để làm rau sạch cũng nhiều. Nhưng quy trình kỹ thuật ở đây nghiêm ngặt hơn. Sản phẩm dù chỉ bị một lỗi nhỏ cũng phải loại bỏ, cũng không để lọt ra khỏi nông trại. Ngồi giải lao trong lán trại dựng cạnh cánh đồng, chị Lan kể nhiều công nhân cũng có hoàn cảnh giống chị. Vì lớn tuổi không còn đủ sức khỏe phụ hồ; làm ở xí nghiệp thì hoặc nguồn hàng không ổn định, thu nhập bấp bênh hoặc lớn tuổi người ta không nhận nên xin vào nông trường.

“Ngoài một số việc phải làm thủ công, hầu hết đều có cơ giới hóa can thiệp. Tác phong và kỹ thuật cũng khác. Công việc ở đây đều đặn, không ngơi nghỉ nên giải quyết được cho rất nhiều lao động nông nhàn, nhất là những người lớn tuổi” - chị Lan tâm sự.

Là thành viên trẻ tuổi nhất khâu sơ chế, công nhân Trần Kim Hồng được giao luôn khâu lưu chụp mẫu bệnh trên rau để gửi lên phòng kỹ thuật. “Lương không cao hơn làm nhà máy nhưng môi trường thoải mái, không ô nhiễm, có đầy đủ các chế độ nghỉ phép nên em vẫn thích làm làm việc ở nông trường hơn” - Hồng nói. Chỉ tay ra khắp cánh đồng, Giám đốc trẻ Lê Đình Mạnh cho biết, nông trường đang tiến hành cơ giới hóa tối đa trong các khâu. “Vì diện tích không tăng nên việc áp dụng công nghệ là bước đi tiếp theo mà nông trại phải hoàn thiện để nâng cao năng suất”.


9 tháng, giải ngân 7,1 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân 9 tháng, giải ngân 7,1 tỷ đồng Quỹ… Nông thôn mới TP.HCM: Ngân sách bỏ 1 đồng, huy động được... 32 đồng Nông thôn mới TP.HCM: Ngân sách bỏ 1…