Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu Để Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Bền Vững

Tái Cơ Cấu Để Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Bền Vững

Publish date Wednesday. July 30th, 2014

Tái Cơ Cấu Để Ngành Chăn Nuôi Phát Triển Bền Vững

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi (NCN) trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả bấp bênh, thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra không ổn định…

Chính vì thế, tái cơ cấu (TCC) ngành Nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 là vấn đề cần thiết. Trong đó, NCN cũng phải tính đến phương án TCC phát triển bền vững.

Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, TCC là một vấn đề rất lớn và nó cũng không thể triển khai một ngày một bữa được.

Tới đây, ngành NN sẽ mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn, các ngành, người chăn nuôi giàu kinh nghiệm ngồi lại với nhau để cùng xác định thế mạnh, tiềm năng cũng như lợi thế của tỉnh trong tương lai.

Từ đó, chúng ta mới có kế hoạch cụ thể để TCC riêng cho NCN. Trong đó, những vấn đề then chốt cần tính đến là cơ cấu về con giống, cơ cấu về tổ chức, nhân sự…

* Phóng viên (PV): Là một người theo sát NCN nhiều năm, ông có thể đánh giá lại thực trạng của NCN tỉnh nhà? Vì sao chúng ta phải tái cơ cấu NCN?

* Ông Lê Minh Khánh: Qua thống kê của ngành NN, năm 2012, 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, ngoại trừ đàn trâu trên địa bàn có xu hướng giảm vì nhu cầu sử dụng sức kéo không còn, các con vật khác như: heo, gia cầm phát triển ổn định.

Hiện nay, đàn heo có 554.700 con, gia cầm 6,8 triệu con, đàn bò 73.046 con và 275 con trâu. Mức độ phát triển của đàn heo và gia cầm tương đối bình ổn. Mặc dù tình hình dịch bệnh, giá cả có biến động nhưng nhìn chung tương đối ổn định về số lượng, lẫn chất lượng.

Riêng đàn bò phát triển tương đối tốt: năm 2012 có 69.057 con, năm 2013 có 67.647 con, năm 2014 có 73.046 con. Số lượng đàn bò tăng là do nó không phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp, dịch bệnh cũng ít xảy ra, đầu ra lúc nào cũng thuận lợi vì cầu lớn hơn cung. Xu thế sắp tới chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển con bò.

Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi của chúng ta còn nhỏ, lẻ, tự phát, chăn nuôi theo thời vụ, theo giá cả chứ chưa có kế hoạch cụ thể. Phần lớn các trang trại chăn nuôi theo kiểu công nghiệp không nhiều. Từ thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển của ngành NN tỉnh nhà: từ quy hoạch đến phòng, chống dịch bệnh.

* PV: Hàng năm, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra một số nơi trên địa bàn tỉnh; giá cả bấp bênh đã khiến người chăn nuôi ngày càng khó khăn. Vậy ngành NN đã tính đến phương án tái cơ cấu NCN theo hướng nào, thưa ông?

* Ông Lê Minh Khánh: Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành NN có kế hoạch, phương án để NCN phát triển bền vững. Hiện nay, một trong những giải pháp mà tỉnh ta cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước cùng bắt tay làm là tập trung TCC nền kinh tế, trong đó có TCC nền NN; trong TCC nền NN thì có tái cơ cấu NCN.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã chuẩn bị những bước để tái cơ cấu NCN tỉnh nhà. Dự kiến của Sở NN&PTNT sẽ tổ chức hội thảo chuyên về tái cơ cấu NCN. Từ đó, mới có thể rút tỉa được kinh nghiệm, cũng như có kế hoạch chi tiết, lâu dài và hiệu quả cho NCN tỉnh nhà. Chúng tôi mong muốn tìm một hướng đi để NCN phát triển bền vững, giúp được người chăn nuôi có thể làm giàu trên đàn vật nuôi của mình.

Hiện nay, phong trào nuôi bò sữa đang có xu thế phát triển. Hiện nay nước ta sản xuất sữa không đủ dùng. Do đó việc quy hoạch phát triển bò sữa cần phải nghiên cứu kỹ để tập trung phát triển. Hiện nay, nước ta cũng chưa cung cấp đủ lượng thịt bò cho người tiêu dùng, mà phải nhập.

Tiền Giang có lợi thế về đồng cỏ, ruộng lúa, có phụ phẩm trong trồng trọt, đầu tư ít vốn, ít dịch bệnh nên có khả năng phát triển đàn bò thịt. Con chim cút của Tiền Giang hiện nay cũng phát triển khá mạnh và giàu tiềm năng. Nếu như NCN chú trọng đến công tác phòng, chống dịch và có quy hoạch chăn nuôi, áp dụng các quy trình kỹ thuật thì chúng ta có thể đứng thứ 2 của khu vực phía Nam sau Đồng Nai.

Qua theo dõi, vịt giống của tỉnh ta cũng phát triển khá tốt và chuyên cung cấp cho người chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh miền Tây.

* PV: Việc quy hoạch lại NCN theo chủ trương TCC nền NN có giúp được gì cho người chăn nuôi?

* Ông Lê Minh Khánh: NCN hiện nay nhỏ, lẻ, hiệu quả không cao, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, “được mùa, mất giá”, không thể quyết định được đầu vào và đầu ra. Vì vậy, muốn TCC thì phải sắp xếp lại, có kế hoạch, có định hướng, có trọng tâm cụ thể thì lúc đó mới khá được.

Đó là một trong những vấn đề mà ngành NN rất quan tâm để giúp người chăn nuôi phát triển bền vững. Muốn chăn nuôi phát triển bền vững thì phải an toàn dịch bệnh, hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường. Cái lợi của TCC là người nuôi sẽ xác định được nuôi con gì, ở đâu, bán cho ai thì lúc đó mới có hiệu quả.

Tôi đã từng có kiến nghị với Cục Chăn nuôi hãy dự báo tình hình chăn nuôi như: dịch bệnh, số lượng, cung - cầu… thì người chăn nuôi mới an tâm đầu tư chăn nuôi được. Nhưng tới thời điểm này, ngành chủ quản vẫn chưa làm được. Thực trạng hiện nay, nông dân thấy giá cả lên thì ồ ạt tái đàn, đến khi bán thì giá cả lại xuống thấp. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến cho người dân cảm thấy chán nản.

* PV: Nhiều tỉnh, thành đã và đang triển khai chăn nuôi theo kiểu an ninh sinh học (ANSH). Vậy tỉnh ta đã triển khai như thế nào, đến đâu? Việc tham gia mô hình này giúp được gì cho người chăn nuôi?

* Ông Lê Minh Khánh: ANSH là biện pháp nhằm kiểm soát mầm bệnh, những yếu tố bất lợi từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong chuồng trại chăn nuôi; đồng thời giám sát mầm bệnh từ bên trong phát tán ra bên ngoài (môi trường chăn nuôi hay con người). ANSH khác với các mô hình tiêm phòng phòng, chống dịch bệnh.

Trước đây, tiêm phòng phòng, chống dịch bệnh thì chỉ hạn chế được con vật đó, còn chăn nuôi theo kiểu ANSH thì phòng dịch được cả đàn. Đây là biện pháp hiệu quả, khoa học cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do người chăn nuôi cứ theo thói quen, chăn nuôi nhỏ, lẻ, tự phát… nên mô hình này muốn nhân rộng cũng rất khó khăn.

Hiện ngành NN cũng tuyên truyền, hướng dẫn bà con cố gắng áp dụng các mô hình để hạn chế dịch bệnh. Cụ thể, Chi cục Thú y đã triển khai thực hiện 79 mô hình ANSH, trong đó 24 mô hình do Phòng Chăn nuôi (Chi cục Thú y) thực hiện, 55 mô hình do các Trạm Thú y (TP. Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước và TX. Gò Công) vận động hộ chăn nuôi thực hiện. 79 mô hình này được chia theo đối tượng vật nuôi: 15 hộ chăn nuôi chim cút, 28 hộ chăn nuôi gà, 26 hộ chăn nuôi heo, 9 hộ chăn nuôi vịt, 1 hộ chăn nuôi bò.

Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Thú y huyện, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã triển khai trong 75 hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi theo kiểu đệm lót sinh học, trong đó có 40 hộ chăn nuôi gia cầm và 35 hộ chăn nuôi heo.

* PV: Xin cảm ơn ông!


Hoài Ân Tập Trung Đẩy Nhanh Tiến Độ Xây Dựng Nông Thôn Mới Hoài Ân Tập Trung Đẩy Nhanh Tiến Độ… Những Mô Hình Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Đảm Bảo Tính Bền Vững Và Hiệu Quả Kinh Tế Cao Những Mô Hình Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh…