Tin thủy sản Tận mục hàng loạt sinh vật ngoại lai tấn công miền Tây

Tận mục hàng loạt sinh vật ngoại lai tấn công miền Tây

Author Huỳnh Xây, publish date Wednesday. September 7th, 2016

Tận mục hàng loạt sinh vật ngoại lai tấn công miền Tây

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa sinh vật ngoại lai và bảo tồn đa dạng sinh học” do Sở TNMT TP.Cần Thơ tổ chức hôm 31.8.

Theo ngành chức năng và nhà khoa học, vùng ĐBSCL có nhiều sinh vật ngoại lai, điển hình như cây mai dương, lục bình, sò đo cam, ốc bươu vàng, cá lau kính… Những sinh vật ngoại lai này đang gây hại lớn đến đời sống, sản xuất của người dân các địa phương.

Cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh.

Sau khi phát tán ra môi trường tự nhiên chúng phát triển rất nhanh, một con cá có thể đẻ từ 5.000-6.000 trứng, chúng có khả năng cạnh tranh thức ăn với các loài khác và gây mất cân bằng sinh thái.

Hiện loại cá này có mặt khắp sông rạch, thậm chí ở các ao nuôi cá.

Nhiều người dân ở ĐBSCL cho biết, trong khi tôm cá đang sụt giảm vì nhiều nguyên nhân thì loại cá này ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa những loài sinh vật này gặp nhiều khó khăn mặc dù đã có Luật Đa dạng sinh học (ban hành năm 2008) và nhiều quyết định, nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện.

Con đường du nhập sinh vật ngoại lại khó kiểm soát, nó có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách khác nhau, tác động gây ra phức tạp.

Đặc biệt là rất khó khống chế khi nó đã thích nghi môi trường sống.

Theo ông Nguyễn Minh Thế - Phó Giám đốc Sở TNMT TP.Cần Thơ, ở địa phương này, sinh vật ngoại lai gồm có sáu loài thực vật và năm loài động vật gây hại, bao gồm: Mai dương, trinh nữ móc, lục bình, trâm ổi, cúc bò, sò đo cam, bọ cánh cứng hại dừa, ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, cá lau kính lớn và cá lau kính bé.

“Sinh vật ngoại lai gây hại chủ yếu đến nông nghiệp trong khi đó công tác phối hợp về kiểm soát loài sinh vật này chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, các sở ngành liên quan” - ông Thế nói.

Về giải pháp kiểm soát và tiêu diệt loài sinh vật ngoại lai, PGS.TS Trương Thị Nga - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH.

Cần Thơ) cho biết, có ba cách là sử dụng cơ giới, hóa học (rất cẩn trọng khi sử dụng) và sinh vật học (dùng thiên địch để diệt trừ).

Tuy nhiên, có loài sinh vật gây hại cần làm tổng hợp ba cách này.

Dân Việt xin gửi đến bạn đọc hình ảnh về một số loại sinh vật ngoại lai xuất hiện và gây hại ở ĐBSCL:

Cây mai dương có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới châu Mỹ, xuất hiện tại Việt Nam từ giữa thế kỷ 20.

Ở ĐBSCL, nhiều năm qua loại cây này bùng phát và gây hại ở nhiều nơi.

Riêng ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có khoảng 2.000 ha mai dương.

Loại cây này làm thay đổi thảm thực vật, gây độc hại với nhiều loài động vật.

Thế nhưng, việc diệt trừ cây mai dương rất khó khăn, tốn kém vì nó mọc khỏe, không kén đất, hạt phát tán xa theo dòng nước, sinh sản mạnh.

Được biết, ở huyện Tam Nông, phải tốn từ 50-100 triệu đồng/năm nhưng vẫn không tiêu diệt được loại cây này.

Ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ trước năm 1975.

Vào khoảng năm 1995, loại ốc này tấn công mạnh vào ruộng lúa, ao hồ và đã phát thành dịch trong cả nước.

Hiện ốc bươu vàng vẫn đang tồn tại khắp các ruộng đồng ở ĐBSCL, vẫn đang sinh sôi, lai giống và làm suy giảm nguồn gen ốc bản địa.

Chi phí cho những chiến dịch tiêu diệt loài ốc bươu vàng trong nước đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Riêng tiền viện trợ khẩn cấp của FAO trong hỗ trợ kỹ thuật để hạn chế nạn ốc bươu vàng cho Việt Nam đã lên đến 250.000 đô la Mỹ.

Sò đo cam có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Phi và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng.

Cây này thích nghi, phát triển nhanh số lượng ở ĐBSCL.

Riêng ở TP.Cần Thơ, hiện sò đo cam có mặt ở nhiều tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Cái Răng.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và nhà khoa học, đây là loại cây ngoại lai có nguy cơ xâm hại, bông của loại cây này rất độc.

Lục bình (bèo Nhật Bản, bèo tây) có nguồn gốc từ Nhật Bản đang lan nhanh, phủ kín mặt nước ở nhiều địa phương.

Theo cơ quan chức năng, lục bình không những cản trở giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy.

Khi thối mục, loài này làm giảm oxy hòa tan trong nước, có thể làm cá và các loài thủy sinh khác chết…Thời gian qua, người dân ở một số địa phương ĐBSCL đã phun thuốc làm ngăn cản sự phát triển của loài sinh vật này…


Hẹ nước - đặc sản vùng Đồng Tháp Mười Hẹ nước - đặc sản vùng Đồng Tháp… Nông dân dễ dàng thu tiền tỷ nhờ cá bống bớp Nông dân dễ dàng thu tiền tỷ nhờ…