Tăng Cường Các Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Hại Rừng Thông
Từ tháng 5/2014 đến nay, dịch sâu róm tấn công rừng thông phát triển mạnh tại địa bàn các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hướng Hóa (Quảng Trị), gây thiệt hại nặng nề cho hơn 1.000 ha rừng thông. Năm nay dịch sâu róm xuất hiện sớm, xảy ra trong điều kiện nắng nóng kéo dài nên diễn biến rất phức tạp.
Ngành Kiểm lâm và các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp dập dịch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ rừng.
Dịch sâu được phát hiện vào cuối tháng 5/2014 tại rừng thông nhựa của Công ty lâm nghiệp Đường 9, thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với diện tích trên 6 ha. Với tốc độ lan tràn nhanh, đến tháng 9/2014 đã lây lan đến 923 ha.
Một số địa điểm khác như rừng thông nhựa của Công ty lâm nghiệp Bến Hải (Vĩnh Linh), rừng thông nhựa và thông ba lá của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông (Hướng Hóa) cũng bắt đầu bị dịch sâu róm tấn công mạnh.
Hầu hết diện tích thông ở các địa điểm này đều bị sâu róm ăn trụi lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, trong đó nhiều diện tích có nguy cơ bị chết do bị sâu róm phá hoại và nắng hạn kéo dài. Dự báo trong thời gian tới khi trời có mưa làm cho ẩm độ cao, sẽ là điều kiện rất thuận cho sâu róm phát triển, lan rộng ra các lâm phần khác.
Không chỉ diện tích rừng thông của các đơn vị sản xuất lâm nghiệp bị ảnh hưởng, mà tại huyện Cam Lộ, gần 100 ha rừng thông của xã viên Hợp tác xã An Mỹ, xã Cam Tuyền cũng phải ngừng khai thác nhựa do dịch sâu róm bùng phát và phá hoại.
Trước diễn biến phức tạp của sâu róm, để phòng trừ sâu gây hại, bảo vệ rừng, Công ty lâm nghiệp Đường 9 nhanh chóng tiến hành các biện pháp như dùng máy phun chạy bằng động cơ xăng phun thuốc hóa học OFATOX trên diện tích bị sâu ăn trụi lá nhằm khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của sâu róm, tiến hành bẫy đèn bắt bướm, mỗi đêm bẫy trung bình 20 kg sâu, liên tục trong gần mười ngày.
Đến giai đoạn sâu non thế hệ thứ ba xuất hiện thì tiến hành dùng máy phun và nối sào cao từ 10-12 m tiến hành phun thuốc sinh học lên tán lá trên diện tích bị nhiễm. Xã viên Hợp tác xã An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ thì tiến hành phương án bắt sâu theo phương thức thủ công, tổ chức bẫy bướm bằng đèn vào ban đêm.
Cũng khẩn trương vào cuộc dập dịch sâu róm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), các đơn vị chủ rừng điều tra, theo dõi diễn biến tình hình sâu hại rừng, kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, trừ dịch, trong đó tập trung phương án bắt sâu, kén, bẫy đèn bắt bướm giai đoạn sâu trưởng thành.
Một trong những vấn đề khó khăn gặp phải trong công tác dập dịch sâu róm trên diện rộng là việc sử dụng thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn vì thân của cây thông quá cao, một số cây cao trên 10 m vì vậy khi phun thuốc phải sử dụng các máy bơm cao áp có công suất lớn. Đa số rừng thông được trồng trên các địa hình cao, cách xa nguồn nước nên rất khó vận chuyển nước nếu sử dụng phương pháp phun nước.
Chi cục BVTV cũng khuyến khích biện pháp bảo tồn, khích lệ các loài thiên địch có sẵn trên rừng thông để kìm hãm số lượng sâu róm lây lan, sử dụng que, sào có câu liêm, thang để bắt sâu, sử dụng các chế phẩm sinh học để phun trừ sâu róm thông.
Việc phòng trừ sâu róm thông được tiến hành bằng các biện pháp phòng trừ sinh học, bắt diệt bằng thủ công và phun trừ bằng hóa chất, đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi các công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ và người dân các thôn bị ảnh hưởng dịch sâu thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ gặp khó khăn về kinh phí.
Chia sẻ về những biện pháp hỗ trợ các đơn vị bị ảnh hưởng dịch sâu róm thông, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết: “Chi cục Kiểm lâm cũng đã trích nguồn kinh phí dự phòng công tác phòng trừ sâu bệnh hại rừng năm 2014 để hỗ trợ cho một số hoạt động thiết yếu phục vụ công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu róm thông.
Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm cũng đã chủ động đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí dập dịch cho các chủ rừng, đề xuất xin kinh phí mua thêm máy phun cao áp, xe chuyên chở nước ...để chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả”.
Về lâu dài, Ban Quản lý rừng phòng hộ xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp lâm sinh tổng hợp như tỉa thưa rừng, trồng thêm băng cây xanh bằng các loài cây lá rộng dưới tán rừng thông, tạo đai cách ly sâu, nâng cao sức chống chịu sâu, bệnh của các cá thể và lâm phần rừng, kết hợp xây dựng môi trường cho các thiên địch tồn tại và phát triển.
Toàn tỉnh hiện có trên 30.000 ha rừng thông ( theo số liệu diễn biến rừng năm 2013), trong đó nhiều diện tích đã khai thác nhựa. Những năm trở lại đây sản lượng nhựa thông thu được khoảng trên 2.500 tấn/năm, giá bình quân 30.000đ/kg, thu về 70 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động làm nghề rừng.
Ngoài giá trị kinh tế, rừng thông còn có giá trị về cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái và phòng hộ rất hiệu quả. Chính vì vậy, việc khẩn trương dập dịch sâu róm là biện pháp cấp bách hiện nay nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho các chủ rừng, chủ động phòng chống dịch bùng phát trên diện rộng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao