Tin thủy sản Tăng tốc sản xuất thủy sản, đảm bảo không thiếu nguồn cung

Tăng tốc sản xuất thủy sản, đảm bảo không thiếu nguồn cung

Author Trung Quân, publish date Wednesday. November 6th, 2024

Tăng tốc sản xuất thủy sản, đảm bảo không thiếu nguồn cung

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn đang tranh thủ các yếu tố thuận lợi, xuống giống vụ tôm đông, nhân nuôi hàu giống để kịp thời có nguồn cung.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang khẩn trương vệ sinh ao nuôi, xử lý nước, xuống giống vụ tôm đông, tăng tốc nhân nuôi hàu giống để kịp thời có nguồn cung cho thị trường.

Ông Phạm Văn Hào, xã Kim Trung chia sẻ, thời tiết liên tục có mưa, cùng với nước lũ tràn về sau bão số 3 khiến độ mặn của nước giảm xuống mức 0-3‰ nên hầu hết các hộ nuôi hàu giống trong vùng mất gần 2 tháng phải tạm dừng sản xuất. Hiện tại, độ mặn của nước đã tăng lên hơn 20‰, đây là điều kiện lý tưởng để quay trở lại hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phát triển mạnh nuôi hàu như Quảng Ninh, Hải Phòng… bị thiệt hại nặng nề, đang “khát” con giống để khôi phục sản xuất nên đẩy giá bán lên mức 175.000-180.000 đồng/chùm đối với hàu giống Thái Bình Dương (1 chùm có 270 nắp hàu giống), cao hơn so với cùng kỳ năm trước 35.000-40.000 đồng/chùm và thời điểm trước bão 100.000 đồng/chùm.

Theo ông Hào, mùa thu là quãng thời gian nuôi hàu giống thuận lợi nhất, giá bán cũng ở mức cao nên tất cả các cơ sở đã huy động mọi nguồn lực, hoạt động hết công suất để kịp thời có nguồn cung. Trong đó, 2 yếu tố được đặc biệt quan tâm là nguồn nước nuôi và thức ăn cho hàu.

Các hộ đã cùng nhau thống nhất do sử dụng chung đường cấp và xả nước nên mỗi cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ, tránh để xảy ra rủi ro. Nước thải hằng ngày từ bề, ao nuôi phải được đẩy xuống hố ga xử lý rồi mới đưa ra sông, mương, máng. Về thức ăn, sử dụng nước nuôi tôm thẻ chân trắng có hàm lượng tảo cao hoặc sử dụng tảo Nanochloropsis đưa vào bể nhân sinh khối để chủ động cung cấp đủ thức ăn cho hàu.

“Mọi yếu tố đang thuận lợi, nếu không nhanh chóng nhân nuôi, thời tiết chuyển rét đậm hàu giống sẽ chậm lớn, tiêu tốn thêm chi phí và công lao động. Hiện tại, gia đình tôi đã sẵn sàng hơn 5 triệu con giống để cung ứng ra thị trường”, ông Hào cho hay.

Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vệ sinh ao nuôi lần cuối trước khi xuống giống vụ đông. Ảnh: Trung Quân.

Cũng tranh thủ độ mặn của nước trở về mức ổn định, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn những xã Kim Đông, Kim Hải, thị trấn Bình Minh… huy động nhân lực vệ sinh ao nuôi, gia cố lại mái che, nhanh chóng xuống giống vụ tôm đông. Anh Đặng Thanh Tân, thị trấn Bình Minh, cho biết, nuôi tôm vụ đông (nuôi tôm trái vụ) trước đây là một bài toán khó đối với người dân trong vùng, nhưng hiện tại, nhờ áp dụng mạnh mẽ hình thức nuôi trong ao nổi có mái che, tỷ lệ thành công đã nâng lên rõ rệt.

Năm nay, cũng giống như nuôi hàu, nguồn nước cấp cho các ao tôm bị gián đoạn do độ mặn không đảm bảo. Khi tình hình ổn định, các cơ sở đồng loạt xuống giống để kịp có nguồn cung dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

“Dự báo năm nay, thời tiết có thể rét đậm hơn nhưng không đáng lo ngại, vì hầu hết các cơ sở đã dày dặn kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ tôm. Quan trọng hơn, khi nuôi tôm trong ao nổi có mái che sẽ kiểm soát được chất lượng nước, thức ăn, dịch bệnh… nên chắc chắn nguồn cung năm nay không thua kém mọi năm”, anh Tân đánh giá.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản (Chi cục Thủy sản Ninh Bình) thông tin: Hiện nay, toàn huyện Kim Sơn có 300ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Trong đó, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 75ha. Sản lượng hằng năm từ 2.100-2.300 tấn; sản lượng tôm nuôi vụ động từ 1.000-1.200 tấn/năm.

Các hộ chủ động nhân nuôi tảo để đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn cho hàu giống. Ảnh: Trung Quân.

Về nuôi hàu giống, toàn huyện có khoảng 350 cơ sở. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng… để phục vụ nuôi thương phẩm và cung cấp cho các tỉnh như Nha Trang, Khánh Hòa, Phú Yên… làm thức ăn cho tôm hùm. Hiện tại, 100% các cơ sở đã cho hàu đẻ, ương nuôi ấu trùng.

Để nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản trong vùng, Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Kim Sơn, UBND các xã tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chất lượng con giống khi nhập vào địa phương. Bên cạnh đó, Trạm Thủy sản triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật, hình thức nuôi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến cho các hộ để nâng cao năng suất, chất lượng. 


Cảnh giác với bệnh đốm trắng trên tôm khi La Nina tái xuất Cảnh giác với bệnh đốm trắng trên tôm… Cà Mau năm thứ 4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD Cà Mau năm thứ 4 kim ngạch xuất…