Mô hình kinh tế Tạo Thế Và Lực Cho Cây Ăn Trái

Tạo Thế Và Lực Cho Cây Ăn Trái

Publish date Friday. October 18th, 2013

Tạo Thế Và Lực Cho Cây Ăn Trái

Theo thống kê của Sở nông nghiệp - PTNT Đắk Nông thì tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.700 ha cây ăn trái, tăng 500 ha so với năm 2005. Tính riêng năm 2012, sản lượng đạt trên 11.280 tấn, tăng trên 5.500 tấn so với năm 2005.

Thế nhưng, thực tế nhiều loại trái cây như: cam, quýt, sầu riêng, xoài, chanh không hạt... được đầu tư sản xuất theo hướng VietGap, song hầu như đều bị "thua thiệt" so với các sản phẩm cùng loại ở các tỉnh lân cận như: Ðắk Lắk, Lâm Ðồng, Bình Phước…

Ðơn cử, việc sản xuất cây cam ở thị xã Gia Nghĩa, huyện Ðắk Glong những năm trước đây khá sôi động do được mùa, được giá, nhưng sau một vài năm lại trầm lắng xuống. Các nhà vườn chỉ đầu tư cầm chừng hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác để có nguồn thu nhập an toàn hơn.

Còn đối với cây sầu riêng thì có những lúc phát triển rất nhanh với số lượng diện tích lớn, dẫn đến nguồn cung dư thừa. Nguyên nhân là do việc phát triển cây ăn trái còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh, chưa theo quy hoạch và định hướng thị trường; cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, tập trung chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất; việc áp dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; mối “liên kết bốn nhà” chưa chặt chẽ; xây dựng nhãn hiệu nông sản cũng chưa được đẩy mạnh... khiến cho trái cây của tỉnh chưa có vị thế vững chắc trên thị trường.

Trước thực tế đó, ngày 4/10/2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm (cây ăn trái) tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông đến năm 2015 và định hướng đến 2020.

Theo đó, quan điểm dự án là tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn trái phục vụ nhu cầu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là thị xã Gia Nghĩa, các khu công nghiệp, thị trấn, các khu dân cư tập trung và hướng đến xuất khẩu với bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ðồng thời, khai thác có hiệu quả điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn lao động, nguồn vốn để sản xuất cây ăn trái an toàn theo hướng tập trung, chuyên canh, đi đôi với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm ổn định lâu dài, giá cả phù hợp với thị trường tiêu thụ…

Dự án quy hoạch và xây dựng 4 vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, với quy mô mỗi vùng phải đạt 1.000 ha, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng và từng loại cây.

Trong đó, tập trung phát huy các loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh như: sầu riêng, bơ, xoài, mít, chuối, cam, quýt, măng cụt, chanh dây… Mỗi vùng chọn 2 – 3 loại cây ăn trái chủ lực, hội đủ các điều kiện để phát triển sản xuất thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Cụ thể các vùng là: vùng Chư Jút, Bắc Ðắk Mil, Bắc Krông Nô được xem là vùng chuyên canh các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, mít, nhãn; tập trung chủ yếu là ở Chư Jút và xã Ðắk Gằn (Ðắk Mil). Vùng Ðắk Mil, gồm các xã thuộc huyện Ðắk Song giáp với Ðắk Mil và các xã phía Nam huyện Krông Nô là vùng chuyên canh các loại cây ăn quả là sầu riêng, bơ, mít; tập trung chủ yếu tại huyện Ðắk Mil.

Tương tự, vùng thị xã Gia Nghĩa và một số xã thuộc huyện Ðắk Song, Ðắk Glong giáp với Gia Nghĩa là vùng chuyên canh các loại cây sầu riêng, bơ, cam, quýt, măng cụt, chanh dây và chuối; tập trung ở vùng ven thị xã Gia Nghĩa. Còn lại là vùng Ðắk R’lấp và Tuy Ðức, chủ yếu chuyên canh các loại cây chanh dây, sầu riêng, bơ, chuối, mít; tập trung tại huyện Ðắk R’lấp.

Ðể thực hiện hiệu quả chương trình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng các giải pháp thiết thực như: áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn khu vực cũng như thế giới cho các cơ sở sản xuất trong vùng quy hoạch.

Theo đó, đến năm 2015, có 70% diện tích sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGap; 80% sản lượng trái cây tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; 30% cơ sở sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn thực hành quản lý tốt và thực hiện vệ sinh tốt (BMP/GMP). Ðến năm 2020, phấn đấu 100% sản lượng trái cây tươi đạt vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% diện tích áp dụng VietGap; 70% cơ sở được công nhận BMP/GMP.

Ðể xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa mang tính ổn định, bền vững, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề như: thị trường tiêu thụ; vốn đầu tư cho sản xuất, hạ tầng cơ sở; đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân; đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất; tiến hành dồn điền, đổi thửa; thực hiện chính sách khuyến nông; áp dụng thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất…

Ðây là những giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản thực phẩm hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản. Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm với giá trị gia tăng cao.


Mua Bán Thanh Long Ở Cửa Khẩu Vẫn Diễn Ra Bình Thường Mua Bán Thanh Long Ở Cửa Khẩu Vẫn… Gần 600 Ha Ca Cao Bị Đốn Bỏ Gần 600 Ha Ca Cao Bị Đốn Bỏ