Tin nông nghiệp Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa tại Yên Bái

Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa tại Yên Bái

Author Văn Thông, publish date Monday. May 27th, 2019

Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa tại Yên Bái

Hiện, lúa xuân đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ và ấm nóng sẽ là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng.

Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân.

Trên cánh đồng thôn Trung Tâm, xã Yên Bình, nông dân tấp nập ra đồng chăm sóc lúa xuân. Chị Nguyễn Thị Quang ở thôn Trung Tâm cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy 5 sào lúa bằng giống HT9. Hiện, lúa đã kết thúc giai đoạn đẻ nhánh nên tôi tập trung điều tiết nước, bón phân, làm cỏ. Thời tiết năm nay thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển tốt; tuy nhiên, một số chân ruộng lúa nhiễm khô vằn và rầy nâu, nên gia đình  tích cực theo dõi để có biện pháp phòng trừ”. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 19.558 ha lúa đạt 102,4% kế hoạch. Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tại trên đồng ruộng có một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu gây hại lúa như: ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, ruồi đục nõn, bọ trĩ, bọ xít đen, chuột, bệnh đốm sọc vi khuẩn. 

Bà Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Thời gian tới, điều kiện thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, nắng, mưa xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, cần đề phòng bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh khô vằn. Chúng tôi thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời ”.

Để bảo vệ tốt lúa xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến của từng đối tượng để có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch hại lây lan ra diện rộng. 

Trong đó, đặc biệt lưu ý các vùng ổ dịch, vùng trọng điểm, vùng thâm canh cao,  giống nhiễm. Hướng dẫn cơ sở và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng và sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng và các dịch hại khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá để phòng trừ kịp thời. 

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng cần khoanh vùng diện tích có mật độ rầy cao của các trà lúa. Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau để phun trừ như: Amira 25WG, Midan 10WP, Actara 25WG, Bassa 50EC, Bonus - gold 500EC; Victory 585EC, Sairifos 585EC. 

Sau khi phun thuốc 1 - 2 ngày phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao cần tiếp tục phun lại ngay. Khi sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, cần phải rẽ lúa thành từng luống nhỏ, mỗi luống từ 5 - 6 hàng lúa và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại. 

Bà con thăm đồng thấy lúa bị nhiễm đạo ôn lá cần dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước cho lúa; phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá khi bệnh mới phát sinh, nhất thiết phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước trỗ 5 - 7 ngày và sau trỗ 5 - 7 ngày bằng thuốc đặc hiệu như: Fujione 40EC, Fu-Army 40EC, Kabim 30WP, Katana 20SC. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của các đại lý trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc tăng giá, thuốc giả, thuốc kém phẩm chất. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ kịp thời, tiện lợi cho việc phòng trừ sâu bệnh.


Mô hình trồng nấm cho thu nhập cao Mô hình trồng nấm cho thu nhập cao Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ khép kín Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ khép…