Tây Nguyên Sẽ Có 250.000 Ha Cây Mắc Ca Trong 5 Năm Tới
Mắc ca được đánh giá là “cây tỷ đô”, có thể phát triển rộng rãi tại Tây Nguyên, có thể đem lại hiệu quả cao bằng cách trồng xen canh với các loại cây công nghiệp khác.
Ngày 7.2, tại Lâm Đồng, Ban Kinh tế TƯ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Post Bank) tổ chức Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. Tham dự hội nghị có đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế TƯ, chủ trì hội nghị; ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Ngãi; các nhà khoa học, các ban ngành liên quan cùng nhiều nông dân.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Him Lam cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam, cây mắc ca được trồng chủ yếu tại các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên với diện tích khoảng hơn 1500 ha; nhiều nhất tại các tỉnh Đăk Nông (600 ha), Đăk Lăk (500 ha), Lâm Đồng (400 ha). Theo Lienviet Post Bank, trong vòng 5 năm tới ngân hàng này sẽ đầu tư cho Tây Nguyên khoảng 22.000 tỷ cho nông dân để phát triển khoảng 250.000 ha cây mắc ca. Dự kiến sẽ có khoảng 90% diện tích là của nông dân, phần còn lại là của doanh nghiệp, trong đó diện tích trồng xen sẽ chiếm đến 67%.
Mắc ca được đánh giá là “cây tỷ đô”, có thể phát triển rộng rãi tại Tây Nguyên, có thể đem lại hiệu quả cao bằng cách trồng xen canh với các loại cây công nghiệp khác. Không chỉ là một thực phẩm, mắc ca còn được dùng để chế biến dầu ăn rất tốt cho sức khỏe; chiết xuất làm sản phẩm chăm sóc da, tóc; hoa mắc ca tạo ra một loại mật ong rất tốt…
Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.
Theo khảo sát tại Tây Nguyên có 1 triệu ha phù hợp với cây mắc ca. Tuy nhiên theo giáo sư Hoàng Hòe, trước mắt chỉ nên trồng khoảng 1/5 diện tích với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Quá trình phát triển cần phải thận trọng, trong đó cần coi trọng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả; coi trọng khâu chế biến…
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký các ngành sinh học Việt Nam, tỏ ra rất tin tưởng về giá trị kinh tế của cây mắc ca. Ông cho rằng nên chăng cần phải có một cuộc cách mạng cho Tây Nguyên và khẳng định chỉ cần mỗi hộ nông dân có 50 cây mắc ca thì cả Tây Nguyên sẽ được xóa đói giảm nghèo. Cây mắc ca sẽ là thế mạnh, đòn bẩy giúp Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Martin Novak - một chuyên gia trong ngành mắc ca đến từ Australia cũng khẳng định giá trị kinh tế cao của cây mắc ca. Trong khi đó, cây mắc ca phải trồng trên loại đất tốt nên rất nhiều nước không thể trồng được loại cây này. Ông đánh giá, Tây Nguyên có thuận lợi là mắc ca có thể trồng xen vào các loại cây công nghiệp khác. Hơn nữa, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Việt Nam rất thuận lợi nên có thể nâng cao được sản lượng. Ông tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Hòa - một nông dân đã trồng mắc ca khẳng định, cây mắc ca dễ trồng, cho lợi nhuận cao và tốn ít công sức.
Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định lợi thế, tiềm năng kinh tế to lớn của cây mắc ca tại Tây Nguyên và vùng Tây Bắc.
Đại tướng nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu đưa cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, thường trực ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ NNPTNT và các cơ quan chức năng sớm đề xuất bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích việc trồng, tiêu thụ sản phẩm loại cây này.
Đề nghị Bộ NNPTNT thúc đẩy nhanh việc xây dựng chương trình quốc gia về phát triển cây mắc ca trên cơ sở phối hợp với vác địa phương có tiềm năng như Tây Nguyên; chú trọng việc trồng và sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tận thu các sản phẩm từ mắc ca. Tiến tới đưa mắc ca thành sản phẩm quốc gia, đưa Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ mắc ca thế giới mà kỳ vọng Việt Nam sớm trở thành một trong những cường quốc mắc ca thế giới.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao