Tin nông nghiệp Tây Ninh: Kinh nghiệm làm giàu từ mô hình nuôi lươn công nghiệp

Tây Ninh: Kinh nghiệm làm giàu từ mô hình nuôi lươn công nghiệp

Author Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh, publish date Monday. August 27th, 2018

Tây Ninh: Kinh nghiệm làm giàu từ mô hình nuôi lươn công nghiệp

Những năm gần đây, sản lượng lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, để đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình nuôi lươn công nghiệp thương phẩm đang được nhiều hộ dân đầu tư nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Tâm Long được thành lập với 113 hồ nuôi.

Sau quá trình tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn ở Dầu Tiếng – Tây Ninh, năm 2005, anh Út Hà, ngụ tại ấp Gia Tân, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã mạnh dạn đầu tư nuôi lươn công nghiệp thương phẩm trong bể xi măng. Từ 3 hồ nuôi lươn, đến nay anh đã phát triển quy mô nuôi lươn lên tới hàng trăm hồ, được công nhận và cấp giấy phép kinh doanh với thương hiệu “Trang trại nuôi trồng thủy sản Tâm Long”, và thành lập Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Tâm Long. Theo anh Út Hà, mô hình nuôi lươn công nghiệp này đòi hỏi đầu tư khá lớn, dễ gặp rủi ro, vậy với bí quyết nào anh Út Hà có thể đứng vững và sở hữu một trang trại nuôi lươn lớn như vậy?

Ban đầu anh nuôi 3 hồ, do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp rất nhiều khó khăn và nhiều lần thất bại, nhưng không nản chí anh vẫn tiếp tục tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm nuôi. Sau những lần thất bại, chính là lúc giúp anh đúc rút kinh nghiệm chăm sóc lươn. Năm 2006 tận dụng diện tích xung quanh nhà gần 300m2, anh đã đầu tư chi phí xây thêm 12 hồ.

Năm 2007, mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế anh đã mở rộng diện tích nuôi đầu tư xây dựng thêm 20 hồ. Năm 2011 anh phát triển mô hình với quy mô lớn, đầu tư xây dựng tiếp 25 hồ, nâng tổng số hồ hiện nay là 60 hồ, mô hình đang phát triển với quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao và rất thành công.

Kinh nghiệm xây dựng hồ nuôi và kỹ thuật chăm sóc lươn

Anh Hà cho biết, hồ nuôi được xây bằng gạch, có dạng hình chữ nhật. Diện tích mỗi hồ khoảng 7m2 và cao 1m, bên trong ốp gạch tàu và có thiết kế đường ống đưa nước vào và hút nước ra. Trong mỗi hồ lắp ráp các vĩ sắt ghép theo kiểu hình ô vuông để lươn bán vào vừa tiện cho ăn và vừa để lươn hít thở không khí, phía trên mỗi hồ nuôi có lắp đặt mái che cho ½ hồ để có ánh sáng không che toàn mặt hồ nuôi. 25 hồ nuôi mới của anh thiết kế cũng tương tự như 35 hồ nuôi trên nhưng chỉ khác là phía trên mỗi hồ không có mái che mà thay vào đó là anh dùng lưới hoặc cây lục bình che toàn bộ mặt hồ. 

Trước khi thả giống anh cho khử trùng hồ bằng cách cho vôi vào trong nước vệ sinh làm sạch hồ rồi mới tiến hành thả giống để nuôi. Nguồn nước sử dụng nuôi lươn của gia đình anh chủ yếu từ nguồn giếng khoan có độ pH ổn định từ 6 – 8, không nhiễm độc.

Theo anh Hà, việc lựa chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng là một trong những yếu tố quyết định thành công vụ nuôi, tuy nhiên, gia đình anh cũng như những gia đình khác hiện nay chưa chủ động được nguồn giống, chủ yếu phụ thuộc ngoài tự nhiên, gia đình anh đặt mua giống tận gốc tại vùng giáp ranh Thái Lan và Campuchia. Khi nhập giống về, gồm các loại có kích thước khác nhau, sau khi thả vào hồ nuôi anh tiến hành phân ra 3 loại. Mỗi hồ anh thả khoảng 100kg giống (đã qua quá trình thuần dưỡng), có cùng kích thước. Giá lươn giống (sau khi thuần dưỡng) hiện nay là 200.000 đồng/1kg.

Về quá trình thuần dưỡng, anh Hà làm như sau: Sau khi nhập giống vào và phân loại theo các kích cỡ khác nhau, thì xử lý qua nước muối 2 – 3% tùy theo biểu hiện của lươn, sau đó anh cho vào bể thuần dưỡng. Trong 2 - 3 ngày đầu không cho lươn ăn tạo điều kiện cho lươn thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Trong quá trình cho ăn anh cố định lượng thức ăn vừa đủ, cố định thời gian cho ăn lúc 8 – 9 giờ sáng và cố định vị trí cho ăn. Quá trình này kéo dài 1 tháng, là bước khởi đầu quyết định sự thành công hay thất bại trong nuôi lươn công nghiệp thương phẩm.

Đối với khâu cho ăn, thức ăn của lươn là các loại cá nhỏ (10.000 đồng/1kg) được xay mịn. Thời gian đầu cho ăn 1 – 2% , sau đó khẩu phần tăng dần lên 5 – 8% trọng lượng lươn. Mỗi ngày chỉ cho lươn ăn 1 lần vào buổi sáng, đầu giờ chiều anh tiến hành xả nước ra và bơm nước mới vào. Sau 6 – 8 tháng nuôi, lươn đạt kích cỡ thương phẩm và cho thu hoạch, lươn thả với các kích cỡ khác nhau vì vậy sau 6 tháng có thể cho thu hoạch đợt 1 với lươn đạt kích thước từ 180 – 200 g/con và 2 tháng tiếp theo thu hoạch đợt cuối.

Trước khi thu hoạch anh chuẩn bị đầy đủ nhân lực cũng như dụng cụ bắt lươn: vợt, thùng chứa và phương tiện để vận chuyển lươn (bạt lót có nước sạch đặt trên ô tô). Tiếp đến anh rút cạn nước, dọn sạch bể lươn gom về một góc bể trống để có thể thu gom một cách dễ dàng. Bình quân mỗi hồ anh thu được 400 kg lươn thương phẩm. Thị trường tiêu thụ lươn của anh chủ yếu là các tiểu thương ở thành Phố Hồ Chí Minh, với giá dao động từ 105.000 - 140.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hồ anh thu được 20 - 25 triệu đồng. Với 35 hồ nuôi lươn mỗi năm gia đình anh Út Hà thu nhập khoảng 700 – 875 triệu đồng/năm.

Vượt qua khó khăn bằng cách nào?

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi lươn công nghiệp thương phẩm của gia đình anh Út Hà còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Theo anh đối với mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư phải lớn, gia đình nào có tiền nhàn rỗi (nếu mất đi số tiền đầu tư cho lươn cũng không làm gia đình trở thành hộ nghèo), thì mới nên đầu tư nuôi lươn công nghiệp thương phẩm, đây không phải là mô hình xóa nghèo.

Bên cạnh đó, cần phải có kinh nghiệm nuôi thực tế, bởi theo anh, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn qua Internet, tài liệu tập huấn có thể có được, tuy nhiên khi đem vào áp dụng nuôi thực tế lại có rất nhiều vấn đề xảy ra, vì vậy ngoài lý thuyết cần phải thực hành nhiều để đúc rút ra kinh nghiệm nuôi lươn. Đây là vấn đề quyết định sự thành công hay thất bại của việc nuôi lươn công nghiệp thương phẩm. Ngoài ra, cần phải xác định chính xác thời điểm bán lươn công nghiệp thương phẩm, bởi vì các thời điểm trong thị trường có lươn đồng thì người tiêu dùng sẽ không chấp nhận lươn công nghiệp. Đây là vấn đề mà gia đình anh Út Hà cũng như nhiều gia đình nuôi lươn khác vẫn chưa tìm ra được cách giải quyết.

Chính vì vậy, mặc dù chất lượng lươn thương phẩm tốt nhưng vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ và mở rộng thị trường. Đến năm 2012, anh nhận thấy muốn mở rộng thị trường trong và ngoài nước thì trước hết mình phải xây dựng được uy tín và tạo được thương hiệu. Trong năm 2012, anh hoàn tất các giấy tờ thủ tục và được Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bàng công nhận và cấp giấy phép kinh doanh cho trang trại của anh với thương hiệu là “Trang trại nuôi trồng thủy sản Tâm Long” với 65 hồ nuôi lươn. Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Tâm Long.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như mở rộng quy mô nuôi, mở rộng thị trường trong nước và có điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài. Với điều kiện hiện nay của Trang trại nuôi trồng thủy sản Tâm Long, thì việc thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản là hết sức cần thiết. Tháng 6 năm 2013 Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Tâm Long được thành lập với 113 hồ nuôi, vốn điều lệ là 21 triệu đồng, bao gồm 7 xã viên tham gia chủ yếu là những hộ dân nuôi lươn ở ấp Gia Tân. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản là lươn, rắn nước; ngoài ra để tận dụng diện tích đất trống và nguồn thức ăn dư thừa từ nuôi lươn được sử dụng nuôi heo rừng và cá trê vàng.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, tuy nhiên mô hình này đòi hỏi đầu tư khá lớn, dễ gặp rủi ro nên đây không phải là mô hình xóa nghèo. Vì vậy, trước khi quyết định nên hay không nên nuôi lươn công nghiệp thương phẩm, bà con cần phải xem xét khả năng nguồn vốn của gia đình mình và kinh nghiệm nuôi lươn thực tế cũng như sự hiểu biết về nhu cầu thị trường tiêu thụ lươn để có thể đảm bảo sự thành công trong nuôi lươn công nghiệp thương phẩm./.


Về nơi có hơn 800 hộ dân trồng bưởi đỏ, thu cả chục tỷ đồng/năm Về nơi có hơn 800 hộ dân trồng… Đất phèn trồng đặc sản Đất phèn trồng đặc sản