Té nước... theo sự cố cá chết, ép giá hải sản
“Bỗng dưng” mất trăm triệu...
Đã mấy ngày sau khi “mất đứt” 100 triệu đồng lúc bán 30 tấn hải sản, ông Ngô Văn Lanh (chủ tàu vỏ thép PY-9999, ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên) vẫn… chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra! Ngày 11.5, chiếc tàu 800CV này lặc lè bội thu mực xà và cá nục từ biển Trường Sa về cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) để bán sản phẩm
“Đã nắm trước tình hình giá có hạ nhưng không ngờ lại rớt đến gần một nửa, chỉ trong một tháng! Mực xà từ 14.000 – 15.000 đồng/kg đã xuống còn 7.000 – 8.000 đồng/kg; cá nục từ 22.000 đồng rớt còn 15.000 đồng/kg. Với 30 tấn hải sản này, nếu bán trong tháng 4.2016, tổng thu là trên 400 triệu đồng; còn giờ chưa đạt 300 triệu đồng. Xăng dầu, công bạn, nguyên vật liệu chuyến biển… đều đang tăng, giờ giá hải sản hạ thế này, còn lấy gì ăn!” - ông Lanh cay đắng.
Theo ông, khi dò hỏi tại khu vực cảng cá Quy Nhơn, nhiều thương lái đã tỏ vẻ “lơ là” trong việc mua hải sản từ các tàu ngư dân. Ông và nhiều ngư dân đều thấy hết sức bất thường trước tình trạng ế ẩm hải sản của cả tàu cá xa bờ và gần bờ. “Nhiều chủ vựa nói, giá hải sản tụt dốc là do ảnh hưởng vụ cá chết ở Bắc miền Trung. Tàu của chúng tôi đều đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và Nam Trung Bộ; có liên quan gì đâu mà họ hùa kéo giá sản phẩm xuống quá thấp như thế?” – ông Lanh nói thêm.
Trong khi đó, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp (tàu cá PY-96572) cho biết: “Tàu cá chuồn đang làm ăn ngon lành, giờ bi đát quá. Chỉ trong một tháng, giá cá chuồn từ 26.000 đồng/kg đã rớt đột ngột xuống còn 10.000 đồng/kg, mất giá hơn một nửa! Mà đâu phải là trúng mùa, bội thu gì cho cam; các tàu cá chuồn đều đang sụt giảm sản lượng trầm trọng. Chưa bao giờ giá cá lại “lạ” như lúc này…”.
Lý do “mờ mịt”
Hải sản sạch từ các vùng biển xa bờ thì có liên quan gì mà bị hạ giá xuống “sát đáy”? Điều này rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp hữu quan để bình ổn thị trường hải sản, bảo vệ sản xuất của ngư dân”.
Ông Nguyễn Tri Phương
Theo ông Phan Thuẫn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên), cá ngừ đại dương (CNĐD) cũng đang rớt giá thê thảm trong một tháng qua. Tại Tuy Hòa, CNĐD từ 100.000 đồng/kg, hiện còn 85.000 đồng/kg. Nhiều tàu xa bờ chuyển sang đánh cá chuồn, cá nhám thì giá các loại cá này cũng đang bị đẩy “xuống bùn”! Trong lúc đó, giá dầu từ 9.700 đồng đã vọt lên 11.180 đồng/lít; công đi bạn tăng, lại thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Điều này làm hàng loạt tàu bị lỗ nặng nề, phải bỏ chuyến.
“Lạ một điều là CNĐD đang khan hiếm dần trên các vùng biển, mà sao giá cá lại giảm? Trước đây, tàu 400CV thường đánh được 3 – 3,5 tấn CNĐD/chuyến, nay thì cao lắm chỉ 1,5 tấn, dù đã “quần” trên biển hàng tháng trời! Nhiều vựa kinh doanh hải sản hiện có chiều hướng nghỉ dần, không còn mặn mà thu mua sản phẩm xa bờ. Giá hải sản hạ, mà chủ vựa lại “ỏng eo” không muốn mua! Nếu tình hình đầu ra thế này, chắc nhiều tàu xa bờ phải… gác máy, chứ càng làm càng lỗ vốn…!” – ông Thuẫn nói.
Phóng viên NTNN liên hệ với một số chủ vựa hải sản hỏi nguyên do, thì được trả lời chung chung: “Chất lượng hải sản không đạt, mấy đầu mối xuất khẩu chê, nhập mua rất hạn chế... Sản lượng CNĐD từ các tàu về quá ít, gom mua không đủ chuyến nên phải hạ giá để bù vào thời gian đông lạnh, dồn trữ hàng…”.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên – ông Nguyễn Tri Phương cho rằng hết sức bất thường trước tình trạng hải sản vùng Nam Trung Bộ bị hạ giá đồng loạt: “Nhu cầu hải sản để xuất khẩu vẫn bình thường, nói các nước đang giảm nhập hải sản của Việt Nam là không chính xác. Chúng tôi nhận thấy đang có tình trạng “tát nước theo mưa” vụ cá chết ở Bắc miền Trung để “kéo, ép” giá hải sản ở tất cả các vùng biển khác của nước ta”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao