Mô hình kinh tế Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập thị trường Nga

Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập thị trường Nga

Publish date Thursday. November 19th, 2015

Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập thị trường Nga

Các cuộc tiếp xúc, hội thảo thương mại theo chuyên đề và nhất là Hội chợ - Bán hàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao Moskva 2015,” với sự tham gia của hơn 160 doanh nghiệp đến từ Việt Nam.

Hơn 10.000 mặt hàng bày bán gồm bốn nhóm hàng chính là dệt may-giày dép, nông sản–thực phẩm, đồ gỗ-nội thất, và hàng lưu niệm.

Sự kiện đã gây được tiếng vang khá lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Nga, cũng như các doanh nghiệp Nga muốn làm ăn với đối tác Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào quý I năm 2016.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ rằng việc tiếp cận thị trường Nga không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Nga chưa có dấu hiệu hồi phục, sự phụ thuộc vào giá dầu khiến tỷ giá của đồng ruble với ngoại tệ dao động mạnh.

Có thể nói, vấn đề đáng lo ngại nhất khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga là tỷ giá hối đoái và phương thức thanh toán.

Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Milton, doanh nghiệp lâu năm có uy tín tại Liên bang Nga, cho biết: "Tỷ giá không ổn định ảnh hưởng rất nhiều tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu (vào Liên bang Nga).

Đối với doanh nghiệp chúng tôi, tuy sản xuất trong nước Nga song nguyên liệu, phụ kiện phần lớn nhập từ nước ngoài.

Việc tỷ giá thay đổi khiển cho việc định giá sản phẩm rất khó khăn." Tuy nhiên, ông Chung cũng đưa ra một số phương án giải quyết vấn đề này:

"Theo tôi, các doanh nghiệp sản xuất ở Nga có những lợi thế nhất định so với các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn.

Vì trong giá thành sản phẩm bao gồm giá thành nguyên vật liệu và giá thành nhân công.

Tuy tỷ giá thay đổi song chúng tôi trả lương cho công nhân sở tại bằng ruble." Một trong những vướng mắc của doanh nghiệp khi lưu thông ở Nga đó là bán hàng theo phương pháp trả chậm. Ông Chung cho biết: "Đối với bán hàng trả chậm, việc đồng ruble mất giá rất nguy hiểm.

Có những doanh nghiệp họ yêu cầu trả chậm sau 60, thậm chí là 120 ngày mới thanh toán.

Trong giai đoạn vừa rồi, đồng ruble mất giá có khi hàng ngày, điều này rất nguy hiểm đối với nhà cung cấp.

Chúng tôi có giải pháp là trong hợp đồng ghi rõ rằng nếu tỷ giá thay đổi trong phạm vi nhất định nào đó, thí dụ như trên 5% hay 10% thì giữa người bán và người mua sẽ thương lượng lại." Vấn đề thanh toán không chỉ là nỗi lo của các nhà cung cấp trên thị trường Nga mà cả các nhà xuất khẩu vào thị trường này.

Theo một số nguồn tin, khoảng 90% lượng hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nga sử dụng phương thức thanh toán TT (điện chuyển tiền) chứ không phải L/C (tín dụng thư) như thường thấy trong giao dịch thương mại quốc tế.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty Cổ phần Hùng Vương, chuyên kinh doanh suất khẩu thủy hải sản chọn cách tìm kiếm những đối tác tin cậy. Ông Dmitry Gerasimov, Tổng giám đốc công ty Amifish - đối tác chuyên nhập khẩu, tiêu thụ hàng thủy hải sản cho Công ty Cổ phần Hùng Vương - cho biết:

"Chúng tôi đã hợp tác với Hung Vuong Corp hơn 6 năm, trong giai đoạn đầu đương nhiên, chúng tôi mua với số lượng nhỏ, mọi điều kiện đều được quy định trong hợp đồng.

Hiện nay chúng tôi nhập khẩu của họ khối lượng khá lớn và nỗ lực thanh toán theo quy định trong hợp đồng, nhanh chóng và đúng hạn.

Nghĩa là khi nhận được hàng chúng tôi sẽ ngay lập tức trả tiền." Ông Gerasimov cũng cho biết hiện công ty của ông đang xúc tiến mở rộng kinh doanh sang mặt hàng cà phê và hàng đóng hộp của Việt Nam.

Một kênh khác nhằm giảm bớt những rủi ro cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng sang Liên bang Nga là thông qua phương phức thanh toán song phương giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB). Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga với chủ đề :

"Thúc đẩy hợp tác thương mại và thanh toán song phương" mới đây ở Moskva, bà Phan Thị Chinh, ủy viên Hội đồng quản trị BIDV, cho biết: "Hiện BIDV và VTB đã phối hợp với nhau xây dựng đề án thanh toán song phương, và đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tất cả các sơ sở về mặt kỹ thuật hai bên đã thiết lập đầy đủ, và chúng tôi đã sẵn sàng để phục vụ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên làm thế nào để thực sự thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng kênh này thì khi làm đề án, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát rộng các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với Nga và chúng tôi đã nắm rõ những nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp khi tham gia kênh thanh toán này."

Rõ ràng, việc xâm nhập thị trường Nga vẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) sắp có hiệu lực.

Tuy nhiên, phần thưởng cũng sẽ chỉ dành cho cách doanh nghiệp dám dấn thân và có những bước đi chắc chắn, thận trọng.


Hà Nội áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi bò sữa Hà Nội áp dụng công nghệ tiên tiến… Vùng rau quả hối hả xuống vụ Vùng rau quả hối hả xuống vụ