Tin nông nghiệp Thái Lan chuẩn bị xả bán gạo cũ gạo Việt chịu sức ép lớn

Thái Lan chuẩn bị xả bán gạo cũ gạo Việt chịu sức ép lớn

Author Thuận Hải, publish date Monday. May 9th, 2016

Thái Lan chuẩn bị xả bán gạo cũ gạo Việt chịu sức ép lớn

Kho gạo cũ “khủng” này của Thái Lan là nỗi lo sợ của nhiều nhà xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là lần bán ra với số lượng khổng lồ trong lịch sử thương mại lúa gạo toàn cầu.

60 ngày xả bán 11,4 triệu tấn gạo

Theo TTXVN, Chính phủ Thái Lan vừa công bố kế hoạch xả kho gạo cũ, bán ra khoảng 11,4 triệu tấn gạo trong vòng 60 ngày tới. Lượng gạo này sẽ nhiều hơn cả số lượng dự kiến xuất khẩu trong cả năm nay của Thái Lan.

Cụ thể, các đợt đấu giá gạo hàng tuần sẽ được bắt đầu từ tuần tới và kéo dài suốt tháng 5 và tháng 6, mỗi lần sẽ đấu giá khoảng 1 triệu tấn gạo. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, hiện nước này còn trữ khoảng 100.000 tấn gạo “chất lượng tốt”, 7,5 triệu tấn gạo chất lượng “dưới tiêu chuẩn”, 1,5 triệu tấn gạo dùng cho chế biến sản phẩm công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng.

Thiếu chiến lược xuất khẩu

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Trần Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam đang thiếu một chiến lược xuất khẩu gạo và phối hợp triển khai truyền thông để hỗ trợ xâm nhập thị trường trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và gần đây là Campuchia làm tốt hơn hẳn. Nhiều doanh nghiệp tự phát chạy theo nhu cầu thị trường thay vì định vị tập trung vào thị trường mục tiêu và các sản phẩm nhằm tạo giá trị xuất khẩu cao dẫn tới tình trạng “chật vật” xuất khẩu hết năm này qua năm kia như hiện nay.

Tại Việt Nam, thông tin Thái Lan xả kho gạo cũ cũng đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo từ trước. Theo VFA, từ đầu năm nay, Chính phủ Thái Lan đã tập trung tăng cường xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao ở các thị trường trọng điểm gồm có Hongkong, Singapore, Trung Quốc và Mỹ. Bộ Thương mại Thái Lan tập trung phối hợp với khu vực xuất khẩu tư nhân mở rộng thị trường và khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất gạo chất lượng cao và đặc sản.

Bên cạnh đó, hồi đầu tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đã thảo luận với Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hongkong về kế hoạch thị trường 2016. Hai bên đã ký kết bản ghi nhớ bán 150.000 tấn gạo với 7 công ty nhập khẩu gạo của Hongkong. Bộ Thương mại Thái lên kế hoạch tăng thị phần Hongkong từ 57% lên 65%, đạt mức 200.000 tấn trong năm 2016 và 300.000 tấn trong vài năm tới.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Thái Lan cũng tăng cường cạnh tranh, mở rộng thị phần qua các hợp đồng chính phủ với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đấu thầu bán gạo cũ tồn kho giá rẻ cho các thương nhân xuất khẩu sang các nước châu Phi có nhu cầu, gồm có Angola, Cameroon và Mozambique…

Nguy cơ treo lơ lửng

Trong khi nhiều doanh nghiệp tập trung mua vào từ đầu vụ đông xuân vừa qua với giá cao khiến việc bán ra khó khăn, dễ rơi vào thua lỗ thì thông tin Thái Lan xả kho gạo cũ càng khiến nhiều thương nhân lo lắng. Ông Lâm  Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) nhận định, các bạn hàng truyền thống của gạo Việt Nam lâu nay vẫn là những thị trường chuộng gạo phẩm cấp trung bình, giá thấp nên khi Thái Lan xả gạo cũ, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Ông  Tuấn cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trừ hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn với Indonesia, chưa có thương nhân Việt Nam nào xuất khẩu được gạo thông dụng với giá tốt. Các hợp đồng mới không nhiều và cũng chủ yếu là gạo thơm và nếp. Chưa kể, các nước như Philippines, Malaysia, Trung Quốc… tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có kế hoạch nhập khẩu thêm hoặc chỉ có động thái chờ giá giảm, càng khiến nhiều thương nhân lo lắng hơn.

Trước đó, Malaysia chê gạo Việt Nam giá cao nên đã chuyển sang mua gạo của Pakistan, còn châu Phi chuộng gạo giá rẻ nên chọn nguồn gạo cũ của Thái Lan. Ở thị trường châu Phi, so với các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam cũng đang yếu thế về khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển cao.

“Nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi, Việt Nam phải giảm giá thêm 20USD/tấn may ra mới cạnh tranh được. Nhưng nếu giảm thêm 20USD/tấn thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng”- ông Tuấn giả định.

Theo phân tích của GS Võ Tòng Xuân- chuyên gia nông nghiệp, với động thái ồ ạt tung ra thị trường hơn 11 triệu tấn gạo với giá rẻ của Thái Lan thì sức ép cạnh tranh trên thị trường thế giới lên gạo Việt Nam sẽ càng lớn hơn. Nếu khách hàng đổ xô mua gạo Thái, các nước xuất khẩu gạo khác có thể buộc phải giảm giá khi bán cho các thị trường như Indonesia, Philippines… Tuy nhiên, một “điểm sáng” cho gạo Việt Nam là nguồn gạo tồn kho Thái Lan bán ra phần lớn là gạo chất lượng thấp, gạo cũ nên chủ yếu dùng cho chế biến công nghiệp và chăn nuôi, không phải là đối tượng khách hàng mà Việt Nam đang trực tiếp cạnh tranh.


Háo hức lập nhóm trồng rau sạch Háo hức lập nhóm trồng rau sạch Tẩy chay hàng Tàu, ngàn tấn hoa quả Trung Quốc ai ăn hết? Tẩy chay hàng Tàu, ngàn tấn hoa quả…