Tin nông nghiệp Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn chiêu trò trong kinh doanh?

Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn chiêu trò trong kinh doanh?

Author Thuận Hải, publish date Tuesday. May 24th, 2016

Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn chiêu trò trong kinh doanh?

Sau khi Chính phủ Thái Lan tuyên bố xả kho gạo với số lượng khổng lồ trong lịch sử thương mại lúa gạo, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam (VN) đã sang tận đất nước này để khảo sát nắm tình hình.

Chỉ là chiêu trò, khó khả thi?

Vừa từ Thái Lan về, ông Phạm Văn Có – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vrice cho biết thông tin Chính phủ nước này muốn xả kho gạo là chính xác. Trong đó, đa số gạo Thái Lan muốn bán ra trong thời điểm hiện tại là gạo trắng và bán với giá thấp hơn gạo VN.

Do đó, theo ông Có, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo VN thời gian tới sẽ ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chỉ có dòng gạo trắng của VN bị ảnh hưởng, còn các loại gạo thơm, Jasmine Thái Lan vẫn bán giá cao nên không cạnh tranh nhiều với sản phẩm cùng loại của VN.

Tuy vậy, sau khi khảo sát tình hình, ông Có cho rằng việc Thái Lan có thể xả hết hơn 11,4 triệu tấn gạo ngay trong 2 tháng tới là khó khả thi, do những vướng mắc về các vấn đề hậu cần như vận tải, cầu cảng, công nhân bốc xếp không đảm bảo... Hơn nữa, thời tiết ở Thái Lan hiện đã vào mùa mưa nên ảnh hưởng rất lớn đến việc giao hàng. Ông Có cũng cho rằng việc Thái Lan tuyên bố xả hết kho là một chuyện, khách hàng có chọn mua gạo Thái Lan hay không lại là chuyện khác. Thông thường, các khách hàng không dồn hết đơn hàng vào một nước.

“Có thể các khách hàng lớn sẽ mua gạo Thái Lan nhiều hơn và giảm mua gạo trắng VN. Còn đối với các dòng gạo thơm VN đã được nhiều thị trường như Trung Đông, Singapore… chấp nhận do giá khá mềm, chất lượng gạo lại tốt” - ông Có nhận định.

Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cũng cho rằng có thể việc Thái Lan tuyên bố xả kho gạo cũ chỉ là một “chiêu trò” trong kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp và các nhà xây dựng chính sách xuất khẩu gạo VN cần bình tĩnh, phân tích đầy đủ các khía cạnh trước khi đưa ra quyết định liên quan tới thương mại lúa gạo.

“Thái Lan khó có khả năng bán ra hết hơn 11,4 triệu tấn gạo cũ được trong vòng 2 tháng và cũng không ai có đủ tiền để mua số lượng lớn trong thời gian ngắn như vậy” - ông Toại nhận định.

“Nếu doanh nghiệp chỉ nghĩ đơn giản rằng trong vòng 2 tháng tới, Thái Lan bán ra thị trường với số lượng lớn, nghĩa là cung vượt cầu dẫn tới giá sẽ giảm, từ đó doanh nghiệp VN tự động giảm giá để cạnh tranh thì tới lúc chúng ta hết hàng, cung giảm cầu tăng thì VN lại hết hàng để bán, trong khi Thái Lan có thể sẽ được lợi nhờ giá tăng” - ông Toại nói.

Chưa lo gạo Thái tràn vào Việt Nam

Đa số ý kiến cho rằng gạo cũ của Thái Lan là gạo tồn kho, chất lượng thấp, nhưng theo khảo sát của ông Có, Thái Lan hiện đã trữ gạo theo phương pháp mới. Theo đó, nếu như trước đây Chính phủ nước này dự trữ gạo trong kho thì nay đã thay bằng việc trữ lúa. Mà trữ lúa được lâu hơn gạo, sau khi xay xát, gạo vẫn đạt chất lượng tốt. Do đó, phải nhìn nhận rằng đợt này giá gạo Thái Lan thấp hơn gạo VN nhiều nhưng về mặt chất lượng, gạo Thái Lan cũng chỉ “ngang ngửa”. Do đó, dòng gạo trắng VN xuất khẩu thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Một số ý kiến lo ngại, với số lượng gạo tồn kho khổng lồ, Thái Lan có thể sẽ đưa vào VN phân phối thông qua các chuỗi siêu thị bán lẻ mà các đại gia người Thái vừa mua lại. Nhưng theo ông Có, đây là dòng gạo chất lượng cao, giá rất cao, phục vụ người nước ngoài ở VN. Còn đối với các cửa hàng bán lẻ, việc nhập khẩu gạo Thái về phân phối là khó khả thi, do phải đóng 45% thuế nhập khẩu và 10% thuế VTA. Như vậy giá sẽ đội lên rất cao, khó tiêu thụ. Hơn nữa, thủ tục nhập khẩu cũng “khó nhằn”, mất thời gian.

Ông Nguyễn Minh Toại cũng đồng ý rằng thị phần bán lẻ mặt hàng gạo thông qua các siêu thị hiện không lớn, chỉ khoảng 5 - 15%, trong khi đa số người Việt Nam có thói quen mua gạo ở chợ truyền thống hoặc các cửa hàng phân phối gạo. Do đó, khi doanh nghiệp Thái Lan quản lý 2 chuỗi bán lẻ lớn tại VN là Metro và BigC thì vẫn chưa thể chi phối được thị phần bán lẻ gạo trong nước.

Một doanh nghiệp tư nhân bán lẻ gạo tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng cho rằng có đến 90% người tiêu dùng hiện đang sử dụng gạo xá, tức gạo không thương hiệu, bày bán tại các quầy kệ. “Gạo xá giá rẻ, trong khi gạo đóng gói, có thương hiệu phải chịu nhiều loại thuế nên giá luôn ở mức cao. Hơn nữa, các cửa hàng bán gạo xá cũng gần nhà nên thuận tiện cho các bà nội trợ. Do đó, việc Thái Lan “khống chế” thị trường gạo Việt là chưa thể xảy ra” - vị này phân tích.

Không có chuyện Trung Quốc ngừng mua gạo Việt Nam

Gần đây, có một số thông tin cho rằng Trung Quốc đã ngừng “ăn” gạo VN, gây áp lực giảm giá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho biết thương nhân Trung Quốc vẫn mua gạo VN thường xuyên. Tại Công ty TNHH VRice, rất nhiều khách hàng Trung Quốc hỏi gạo VN, tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu gạo thơm sang Hongkong, sau đó, các nhà nhập khẩu ở đây sẽ tiếp tục phân phối sang thị trường Trung Quốc.


Lục bình chết héo, nhà nông chết đứng Lục bình chết héo, nhà nông chết đứng Canh tác lúa mùa ứng phó thời tiết xấu Canh tác lúa mùa ứng phó thời tiết…