Tham Vấn Quốc Tế Về Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp
Lần đầu tiên, Bộ NNPTNT đã tổ chức lấy ý kiến tham vấn của quốc tế về Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” vào ngày hôm qua (6.4). Nhiều ý kiến đã cho rằng, người nông dân cần phải được hưởng lợi ích nhiều hơn từ chính sách tái cơ cấu lần này.
Nông nghiệp tăng trưởng chậm
Giải thích lý do phải đưa ra Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Hiện nông nghiệp Việt Nam (VN) đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nếu giai đoạn từ 1995-2000 đạt 4%, đến 2001-2005, giảm còn 3,83% và đến giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng chỉ còn 3,3%. Nhiều loại sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh thấp, nhất là chăn nuôi, đồng thời nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh, thiên tai”.
Do đó, theo ông Phát, mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp là để tăng giá trị gia tăng của ngành (duy trì tăng trưởng 3%/năm), trong đó tập trung vào một số nhóm giải pháp chính như: Tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, phát triển hợp tác công- tư (PPP). Đồng thời, đổi mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Đánh giá về mục tiêu này của VN, ông Steven Jaffee - chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN cho rằng: “Đề án này vẫn chưa đưa ra được những định hướng chính sách cụ thể. Các biện pháp đưa ra giống như hệ thống bao cấp nông nghiệp, chủ yếu vẫn là hỗ trợ tài chính cho phát triển nông nghiệp. Trong khi vấn đề cần thiết hiện nay là phải phát triển hệ thống nông nghiệp theo hướng thương mại hóa. Theo tôi, Nhà nước cũng không cần đầu tư nhiều, mà cần khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn”.
Nhiều ý kiến của các đại biểu quốc tế cũng cho rằng, VN cần có giải pháp tổng thể về tổ chức sản xuất bằng những nông trại, trang trại lớn, song cũng phải xem xét mối quan hệ với các hộ gia đình sản xuất ở quy mô nhỏ như thế nào. Rồi cả vấn đề đầu tư cho hệ thống chế biến sản phẩm để có thể sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.
Cần chú trọng đến người nghèo
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Chi nhánh WB tại VN cho rằng: “Tái cơ cấu là rất quan trọng, song cần phải xem môi trường chính sách mà chúng ta muốn xây dựng để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp là gì. Chúng ta cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích nông dân tham gia sản xuất với quy mô lớn, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư tăng trưởng giá trị gia tăng”.
Một số ý kiến cũng nhận xét, việc tái cơ cấu nông nghiệp của VN vẫn chưa đề cập đến người nông dân. Mặc dù VN xuất khẩu nông sản rất lớn, nhưng người nông dân lại được hưởng lợi từ chính sản phẩm của họ rất ít. Đại diện của Tổ chức Oxfam đã ví von: “Chúng ta có người chuẩn bị cho bữa thịt (nông dân), nhưng chính họ lại không được tham gia vào bữa thịt đó”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, VN sẽ đặc biệt ưu tiên đến chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Một giải pháp khác là phát triển mô hình hợp tác công- tư (PPP). Trước mắt, VN đã hợp tác với 2 tập đoàn Uliver và Metro để xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất và tới đây là mô hình hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, thu mua sản phẩm”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao