Mô hình kinh tế Thận trọng khi nuôi tôm mùa nắng nóng

Thận trọng khi nuôi tôm mùa nắng nóng

Publish date Friday. April 24th, 2015

Thận trọng khi nuôi tôm mùa nắng nóng

Người chần chừ, người thả tôm giống sớm

Phường Ninh Hà là địa phương có diện tích NTTS lớn tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Theo lịch thời vụ, tại địa phương, tôm vụ 1 năm nay bắt đầu thả nuôi từ cuối tháng 2. Thế nhưng đến thời điểm này, diện tích thả tôm chưa đến 50%.

Ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cho biết: “Những năm thời tiết thuận lợi, thời điểm này, người dân đã thả xong tôm giống. Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên việc thả con giống không đồng loạt, vùng nào có điều kiện thuận lợi sẽ thả trước. Diện tích tôm thả nuôi hiện chỉ được 200ha, do người dân lo ngại tôm chết yểu. Dự kiến đến giữa tháng 5, diện tích nuôi tôm trên địa bàn mới thả xong con giống”.

Tại xã Ninh Lộc, người dân cũng đang chần chừ thả tôm nuôi. Ông Nguyễn Rô (thôn Tam Ích) cho biết: “Dù đã bước vào vụ 1 NTTS gần 2 tháng nay, gia đình tôi vẫn không dám mạo hiểm thả tôm giống. Mãi đến giữa tháng 4, tôi mới tìm mua 20 vạn con giống để thả nuôi trên 1 ao; ao còn lại phải chờ xem thời tiết ra sao mới thả tiếp”.

Theo thống kê của xã Ninh Lộc, từ đầu vụ đến nay, nông dân trên địa bàn xã thả nuôi chưa đến 15% trong tổng diện tích hơn 320ha. Ông Hồ Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã lý giải: “Nắng nóng kéo dài khiến tôm giống bị sốc thời tiết, dễ bị dịch bệnh. Độ mặn tăng cao, tôm sẽ chậm phát triển. Vì vậy, người dân không dám mạo hiểm thả nuôi sớm”.

Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương ở thị xã Ninh Hòa, tuy người nuôi đã thận trọng trong việc thả tôm giống, thế nhưng không ít hộ phải sớm chịu cảnh thiệt hại khi tôm thả nuôi được 15 - 20 ngày đã chết hàng loạt. Ông Lê Bính (tổ dân phố Hà Liên, phường Ninh Hà) nói: Gia đình tôi thả nuôi 50 vạn con giống, đến nay đã được gần 1 tháng.

Thế nhưng khi được 15 ngày thì tôm bắt đầu chết hơn 50%, số còn sống cũng rất chậm lớn. Nguyên nhân là do nắng nóng nên nước cô lại, độ mặn tăng cao; trong khi đó, tôm giống còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên bị chết...”.

Ở phường Ninh Hà, trong vụ 1 năm nay, nhiều hộ nuôi tôm đã bị thiệt hại ước tổng diện tích lên đến gần 50ha. Tương tự, tại xã Ninh Lộc và nhiều địa phương khác của thị xã, nhiều hộ thả nuôi tôm sớm cũng bị thiệt hại nặng nề do tôm chết yểu. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã, đến thời điểm này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn thị xã đã thả giống tôm được 612ha. Hiện nay, một số diện tích tôm thả sớm có biểu hiện dịch bệnh, tôm nuôi được một thời gian ngắn đã bị chết.

Cần thận trọng

Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: “Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến ngành NTTS của địa phương bị ảnh hưởng lớn. Người dân đang rất thận trọng trong việc thả tôm. Phòng đang phối hợp với Chi cục NTTS tỉnh tập huấn phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi tại các địa phương ven biển”.

Theo bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, nuôi tôm trong mùa nắng nóng, người dân cần lưu ý việc duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m; tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi. Mật độ nuôi cần vừa phải để dễ chăm sóc và quản lý ao nuôi; định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi; tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi...

Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh NTTS trên địa bàn, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để nắm tình hình. Nếu gặp bất trắc trong quá trình nuôi như: dịch bệnh, thời tiết... ngành chức năng sẽ có hướng dẫn kịp thời cho người nuôi.

Để tránh thiệt hại khi nuôi tôm trong thời tiết nắng nóng, Chi cục NTTS tỉnh khuyến cáo người nuôi cải tạo ao đìa kỹ lưỡng, chọn con giống chất lượng tốt, thả đúng lịch thời vụ. Trước khi thả nuôi, cần kiểm tra, xét nghiệm các bệnh, theo dõi diễn biến thời tiết và bản tin nông hộ cần biết cho NTTS của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư. Nếu thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm thì tạm dừng thả giống. Sau khi thả, phải thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương về thời gian, diện tích, số lượng thả nuôi, phiếu xét nghiệm và giấy kiểm dịch. Trong quá trình nuôi, tuyệt đối không dùng các loại thức ăn, hóa chất và kháng sinh cấm, không có trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


An Giang thực hiện chuỗi liên kết giúp gỡ khó cho cá tra xuất khẩu An Giang thực hiện chuỗi liên kết giúp… Ninh Thuận hội thảo về bệnh trên tôm nước lợ Ninh Thuận hội thảo về bệnh trên tôm…