Mô hình kinh tế Thận Trọng Khi Trồng Dó Bầu Tạo Trầm

Thận Trọng Khi Trồng Dó Bầu Tạo Trầm

Publish date Monday. January 19th, 2015

Thận Trọng Khi Trồng Dó Bầu Tạo Trầm

Thời gian gần đây, một số hộ dân ở Yên Dũng (Bắc Giang) bắt đầu mua cây giống dó bầu về trồng để cấy trầm. Hiệu quả kinh tế của loài cây này ra sao và có nên mở rộng diện tích trồng dó bầu hay không vẫn chưa có câu trả lời chính xác?

Hòa vốn sau khoảng 10 năm trồng dó bầu

Cách đây gần 10 năm, gia đình ông Nguyễn Minh Thiềm, tiểu khu 6, thị trấn Neo (Yên Dũng) tham gia dự án trồng dó bầu với diện tích 0,6 ha. Đến nay, một số cây được cấy trầm bắt đầu cho thu hoạch. Ông Thiềm nói: “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn là sau khi cấy chế phẩm trầm, vết sẹo trên cây dó có hình bầu dục, không bị liền bởi các thớ gỗ. Khi thu hoạch, cưa cây tại điểm cách gốc khoảng 10 cm. Phần còn lại để trau mầm, đỡ công trồng cây mới cho lứa tiếp theo. Công ty TNHH Lâm Viên (Hà Nội) thu mua mức giá 40 nghìn đồng/kg gỗ, với 1,2 tấn cây dó cấy trầm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng”.
Theo lời ông Thiềm, năm 2011, Công ty Lâm Viên đã tìm về một số hộ còn giữ cây dó bầu để đầu tư toàn bộ chế phẩm, cử cán bộ kỹ thuật cấy trầm. Được biết, ông Thiềm là cử nhân nông nghiệp được Công ty Lâm Viên giao phụ trách khu vực tỉnh Bắc Giang. “Công ty mua nguyên liệu này để chiết xuất thành tinh dầu trầm, nhang trầm và tới đây là rượu trầm xuất khẩu”. Ông Thiềm chia sẻ.
Theo tổng hợp sơ bộ của UBND thị trấn Neo, ngoài hộ ông Thiềm còn có 4 hộ trong thị trấn cũng vừa có thu nhập từ trầm với khoảng 30 - 35 triệu đồng/hộ. Được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng, chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Đại, thôn Kem, xã Nham Sơn. Dẫn khách thăm vườn dó bầu hơn 9 năm tuổi trồng xen với vải thiều men theo dãy núi Nham Biền, anh Đại cho biết hiện Công ty Lâm Viên đã đánh dấu, chọn 16 cây cấy trầm đủ tiêu chuẩn để thu mua. Mỗi cây nặng chừng 20 - 30 kg bán với giá 40 nghìn đồng/kg, gia đình anh dự kiến thu gần 20 triệu đồng.
Như vậy, trừ chi phí chăm sóc, mua chế phẩm thì người dân chỉ hòa vốn sau khoảng chục năm trồng dó bầu. Quan sát tại vườn của anh Đại, cây to nhất có đường kính khoảng 30 cm, còn lại tầm hơn 10 cm.
Tương tự, vườn gần một nghìn cây dó bầu của gia đình anh Trần Văn Hải, thôn Tràng An, xã Yên Lư (Yên Dũng) cũng không đều nhau. Anh Hải cho biết: “Công ty cử 13 cán bộ về khoan, cấy trầm trong 5 ngày trên hơn 200 cây. Tất cả vật tư, công lao động họ đều ứng trước đến khi nào được thu mua sản phẩm, tôi mới phải trả. Những cây còn lại sẽ được cấy nốt vào thời gian tiếp theo”.
Chỉ trồng xen trên đất đồi
Thấy các hộ trồng dó bầu bắt đầu được thu hoạch, gần đây một số hộ trong tỉnh mua cây giống về trồng. Ông Nguyễn Minh Thiềm cho biết: “Tôi vừa bán khoảng một vạn cây giống cho người dân ở Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế và ở tỉnh Sơn La với giá 7 - 10 nghìn đồng/cây. Riêng trong tỉnh là 7 nghìn cây”. Hội Làm vườn thị trấn Neo cũng đang vận động hội viên trồng dó bầu trong vườn nhà, vườn rừng.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng, toàn huyện hiện có khoảng 20 ha cây dó bầu, tập trung tại xã Nham Sơn, Xuân Phú, Trí Yên, thị trấn Neo. Giống cây này thích hợp với cấy chế phẩm tạo trầm. Từ năm 2005, dự án trồng cây dó bầu do Hợp tác xã Nông lâm thủy sản, thủ công nghiệp và kinh tế trang trại Phương Đông phối hợp với Công ty TNHH Lâm Viên Hà Nội triển khai. Khi nghe tuyên truyền về hiệu quả của loại cây trồng này, hơn 500 hộ trong huyện đã tham gia. Ưu điểm của dó bầu là dễ trồng, không tốn diện tích, thích hợp với nhiều chất đất. Tuy nhiên để cây tạo trầm không đơn giản như nhiều người nghĩ. Trước hết đòi hỏi cao về kỹ thuật thì không phải người dân nào cũng làm được.
Hơn nữa chế phẩm tạo trầm có giá tương đối cao, khoảng 700 nghìn đồng/lít, mỗi lít chỉ cấy được 4 - 5 cây. Không phải khi nào cấy trầm cũng thành công, nhiều cây phải cấy lại do thớ gỗ lấp kín, chi phí đội lên song giá bán không tăng người trồng có khi còn lỗ. Trường hợp dó bầu không cấy trầm thì giá trị kinh tế rất thấp. Thời điểm vẫn còn lò gạch thủ công đun đốt, một số hộ dân xã Yên Lư, Nham Sơn định chặt đem bán cho các chủ lò. Tuy nhiên khi nhóm thử vài cây thấy khói nghi ngút, tạo thành tro mà không có than nên chẳng ai mua.
Trước thực tế này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt diện tích cây hiện có. Nếu trồng mới chỉ nên trồng xen với cây lấy gỗ khác hoặc tận dụng chân đất đồi cao. Trường hợp mở rộng với diện tích lớn phải có doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi đôi bên. Đi đôi với biện pháp trên, cơ quan chuyên môn cần bám sát cơ sở, khuyến cáo kịp thời cho nhân dân, hạn chế nhân rộng tràn lan.
Để cây dó bầu đạt đường kính 15 - 20 cm đủ điều kiện cấy trầm thì thời gian mất khoảng 7 - 8 năm, nếu mắt cấy thành công thì cũng phải mất ít nhất 2 năm nữa cây mới được thu hoạch, có nghĩa là tổng thời gian khoảng 10 năm. Như vậy so với một số cây trồng khác như bạch đàn cao sản, keo lá chàm thì chu kỳ khai thác dài hơn 3 - 4 năm, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn.


Đạ Huoai (Lâm Đồng) Trồng Chè Dưới Tán Điều Đạ Huoai (Lâm Đồng) Trồng Chè Dưới Tán… 2 Sào Đất Thu Nhập 300 Triệu Đồng Mỗi Năm 2 Sào Đất Thu Nhập 300 Triệu Đồng…