Tin thủy sản Thành công mô hình sản xuất giống và nuôi sá sùng thương phẩm

Thành công mô hình sản xuất giống và nuôi sá sùng thương phẩm

Author Minh Hiếu, publish date Thursday. December 30th, 2021

Thành công mô hình sản xuất giống và nuôi sá sùng thương phẩm

Sá sùng có giá trị kinh tế cao và chủ yếu được khai thác ngoài tự nhiên nên dễ dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi này. Vì vậy, việc sản xuất giống và nuôi thành công sá sùng thương phẩm hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi và bảo tồn được nguồn lợi thủy sản quý.

Sá sùng hay còn có nhiều tên gọi khác như giun sao, ruột cát, giun biển, sâu đất, địa sâm… và cả nhân sâm biển. Sá sùng thuộc ngành giun, thường sống ở những vùng biển bùn cát dọc theo bãi biển. Chúng thường xuất hiện khi thủy triều lên, cho tới khi thủy triều xuống thì lại nấp trong các khe cát dưới đáy biển có độ sâu từ 10 – 30 m. Sá sùng là một loài vô cùng nhạy cảm với môi trường, chúng không thể sống được ở bất cứ môi trường nào đã bị ô nhiễm.

Theo nghiên cứu, thịt sá sùng chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin trong đó có 8 loại không thể thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người, có tác dụng rất tốt trong chữa và điều trị bệnh theo đông y. Chính nhờ giá trị dinh dưỡng cao nên sá sùng có giá bán tương đối cao và được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, sá sùng tươi đã làm sạch giá 790.000 đồng/kg; sá sùng tươi nguyên con chưa làm sạch giá 590.000 đồng/kg. Trong khi đó sá sùng khô thì có khá nhiều phẩm loại và giá cả, phổ biến ở mức 800.000 – 1,6 triệu đồng/kg.

Trong khi đó, ở Việt Nam, sá sùng chủ yếu được khai thác ở vùng biển Đông Bắc, một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa và vùng biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Do giá trị kinh tế cao, việc khai thác trong tự nhiên kéo dài dễ dẫn đến tình trạng suy giảm và cạn kiệt nguồn tài nguyên này. Vì vậy, việc nhân giống và nuôi thương phẩm sá sùng được rất nhiều ngành chức năng và ngư dân tìm tòi, nghiên cứu. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã nghiên cứu thành công đề án và chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi thành công sá sùng thương phẩm. Hiện nay, nhiều địa phương đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình nuôi kết hợp giữa tôm thẻ chân trắng với sá sùng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế và môi trường nhờ quá trình ăn mùn bã hữu cơ đáy của sá sùng sẽ làm giảm đáng kể lượng mùn bã hữu cơ, phân và thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm. Hơn nữa, sá sùng có khả năng thích nghi rộng và khả năng chịu biến thiên độ mặn lớn từ 25 – 32‰, sống vùi trong nền đáy và sử dụng thức ăn là sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ.

Theo TS Thái Ngọc Chiến, Trưởng phòng Nghiên cứu Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, quy trình sản xuất giống sá sùng cũng tương đối giống như các quy trình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua, ngao… Con giống bố mẹ sá sùng được lấy từ nguồn giống tự nhiên ở Vạn Ninh và Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đây là nguồn giống sá sùng nước mặn.

Dự kiến, từ năm 2021 – 2022 dự án của Viện sẽ sản xuất 3 đợt giống sá sùng với tổng sản lượng sá sùng giống là 600.000 con. Đến nay đã sản xuất thành công 2 đợt, với số lượng sá sùng bố mẹ là 1.000 kg và tạo ra khoảng 420.000 con sá sùng giống đạt kích thước từ 1,5 – 2 cm, sá sùng giống khỏe mạnh đạt chất lượng để nuôi thương phẩm. Đây là tiền đề để phát triển nghề nuôi sá sùng phát triển mạnh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.


Phụ gia thức ăn - Giảm tác động của hội chứng phân trắng Phụ gia thức ăn - Giảm tác động… Nuôi cá tai tượng trong bể bạt cho hiệu quả cao Nuôi cá tai tượng trong bể bạt cho…