Thành công mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trên rau hữu cơ tại Ba Tri
Năm 2015, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu thành công một số nông dược có nguồn gốc tự nhiên.
Chế phẩm sinh học chiết xuất từ võ trứng mà ông Hồ Văn Châu sử dụng đã nâng năng xuất dưa leo trên 1,5 lần. Ảnh: Minh Đức
Các chế phẩm sinh học này được thử nghiệm trên mô hình trồng rau hữu cơ tại xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri vào cuối tháng 5-2018. Tham gia mô hình có 3 hộ nông dân, ở ấp An Phú 2 gồm: ông Hồ Văn Châu, bà Hồ Thị Hồng và ông Mai Văn Tiến, với diện tích 2.500m2.
Qua hơn 1 tháng thực hiện, các chế phẩm sinh học đã chứng minh được tính hiệu quả cao. Đây là bước ngoặt quan trọng định hướng cho nông dân tiến tới sản xuất sạch; góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Hộ ông Hồ Văn Châu tham gia thực hiện mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, với diện tích 1.500m2. Là mô hình sản xuất rau hữu cơ theo Dự án PGS tỉnh Bến Tre, ông trồng đa dạng các loại rau ăn lá và ăn quả như: dưa leo, khổ qua, mướp, cải bẹ xanh, xà lách, đay, mồng tơi, rau dền. Nếu như trước đây, cách trồng rau hữu cơ của ông có mẫu mã không đẹp và năng suất chỉ bằng một nửa rau sản xuất theo phương pháp thông thường thì hiện nay, năng suất gần bằng rau sản xuất bằng phân, thuốc hóa học. Bên cạnh đó, rau hữu cơ trong mô hình sử dụng chế phẩm sinh học của ông rất đẹp nhờ quản lý được dịch hại. Các chế phẩm sinh học xua đuổi được côn trùng, hạn chế sâu bệnh.
Hộ bà Hồ Thị Hồng canh tác rau màu, với diện tích 500m2. Bà Hồng chia sẻ, dự án PGS hướng dẫn cách sử dụng phân, thuốc hữu cơ để chăm sóc rau màu gồm 2 loại là dinh dưỡng và phòng sâu hại. Trong đó, nhóm dinh dưỡng chỉ có ủ phân chuồng bón trong đất. Bây giờ, bà được Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ, hướng dẫn thêm loại dinh dưỡng bón qua lá. Khi sử dụng thêm phần dinh dưỡng này, cây phát triển rất tốt. Năng suất, sản lượng gần như tăng lên gấp đôi. Loại dinh dưỡng này rất dễ làm, ai cũng có thể thực hiện được.
Chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thành quả của Phòng nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện vào năm 2015. Qua 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm cơ bản thành công trong quy mô nhỏ. Tháng 5-2018, nhóm nghiên cứu quyết định thực nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện tích lớn tại xã An Hòa Tây.
Theo kỹ sư Lê Huyền Trang - Phó trưởng phòng Nghiên cứu thực nghiệm Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế phẩm sinh học có 2 nhóm là nhóm chế phẩm dinh dưỡng và chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng, phòng ngừa sâu bệnh.
Đối với nhóm dinh dưỡng có 2 chế phẩm.
Chế phẩm thứ nhất, dịch chiết xuất từ trái cây. Phương pháp làm chế phẩm này là lấy 1kg chuối chín cắt lát trộn với 1kg mật đường và ủ lên men khoảng 20 ngày, lượt bỏ bã là dùng được. Khi sử dụng pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:100. Sử dụng trong suốt quá trình sinh trưởng và sinh sản của cây. Chu kỳ phun xịt từ 5 - 10 ngày/lần. Chế phẩm này có chứa các chất cần thiết cho cây ở giai đoạn ra hoa và đậu trái, giúp trái cây ngon, ngọt hơn, tỷ lệ đậu trái cao.
Chế phẩm thứ hai là canxi. Cách làm chế phẩm này là lấy 0,5kg vỏ trứng rang vàng, giã nhuyễn ngâm với 5 lít giấm ăn, trong thời gian 20 ngày là có thể sử dụng. Cách sử dụng chế phẩm này là pha nước phun với tỷ lệ 1:100; phun suốt giai đoạn sinh trưởng và ra hoa của cây, đặc biệt là khi điều kiện thời tiết xấu, khi cây trồng trong đất kém phì nhiêu và khi cây rụng hoa nhiều hoặc không thụ phấn, đậu trái tốt. Tác dụng của dung dịch canxi giúp cây trồng tăng sự phân chia tế bào, ngăn ngừa hoại tử lá, rễ ngắn; ngăn ngừa các vấn đề bệnh về nấm và cây yếu do thiếu canxi.
Đối với nhóm phòng ngừa sâu bệnh có dịch chiết xuất từ tỏi và dịch chiết xuất từ lá cây sầu đâu. Cách làm dịch chiết xuất từ tỏi là lấy 1kg tỏi bóc vỏ, xắt lát mỏng và ngâm với rượu trong thời gian 20 ngày. Khi sử dụng lấy dung dịch pha nước phun với tỷ lệ 3:100, sử dụng trong suốt quá trình sinh trưởng và sinh sản của cây; chu kỳ phun xịt là 5 - 10 ngày/lần. Tác dụng của dung dịch này giúp cây trồng tăng sức đề kháng với nấm và virus và vi khuẩn. Chiết xuất từ tỏi được dùng như một loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt trứng của côn trùng, có thể chuyển biến thành độc tố tiêu diệt ấu trùng của bướm.
Đối với cách làm chiết xuất từ lá cây sầu đâu, lấy 1kg lá sầu đâu cắt nhỏ ngâm với 1 lít rượu trong thời gian 20 ngày. Pha dung dịch với nước tỷ lệ 3:100 và phun lên cây trong suốt quá trình sinh trưởng và sinh sản của cây. Chu kỳ phun xịt từ 5 - 10 ngày/lần. Tác dụng của sản phẩm điều chế từ cây sầu đâu là phòng trừ được nhiều loại sâu như rầy phấn trắng, rệp và các loài côn trùng thân mềm cũng như các loài dễ kháng lại thuốc hóa học như rệp sáp, sâu lông và một số loài chích hút khác. Không tạo nên tính kháng của dịch hại, không ảnh hưởng đến thiên địch và không để lại dư lượng trên cây trồng. Tác dụng đến côn trùng gây hại bằng cách xua đuổi, gây sự ngán ăn, ngăn cản sự lột xác và đẻ trứng, do đó làm giảm khả năng sinh sản của các loại sâu hại.
Các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên không tốn kém nhiều, rất dễ thực hiện. Tác dụng dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh hại khá tốt. Đặc biệt, chế phẩm này thân thiện với môi trường, không gây hại đến sức khỏe con người. Việc chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên được thử nghiệm thành công trên diện tích rau màu hữu cơ tại xã An Hòa Tây là bước quan trọng để phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh; góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao